Đó là nơi 74 năm về trước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết Bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.
Ngôi nhà số 48 phố Hàng Ngang 74 năm về trước là nơi Bác Hồ viết Bản Tuyên ngôn Độc Lập |
Năm 1945 nơi đây là cửa hàng Phúc Lợi, chuyên bán vải vóc tơ lụa, đồng thời là một cơ sở cách mạng đáng tin cậy. Hơn 7 thập kỷ trôi qua, ngôi nhà lịch sử gắn liền với bao thăng trầm của thời gian, thế nhưng, nhiều kỷ vật quý giá vẫn còn lưu giữ gần như nguyên vẹn.
Bộ quần áo kaki Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mặc trong lễ Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945 |
Đó là bộ quần áo kaki mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mặc trong lễ Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945; hay chiếc vali mây mà Người đã sử dụng tại ngôi nhà 48 Hàng Ngang; cùng nhiều di ảnh, đồ vật của Bác Hồ và các bậc lão thành cách mạng.
Chiếc vali bằng mây Bác đã sử dụng trong những ngày ở ngôi nhà số 48 phố Hàng Ngang |
Trên tầng 2 của ngôi nhà là nơi làm việc của Bác Hồ và Thường vụ Trung ương Đảng. Nơi đây những hiện vật xưa vẫn được giữ nguyên. Ở giữa căn phòng là chiếc bàn chữ nhật dài, 8 ghế tựa đặt ở hai bên, một ghế lớn ở đầu, phủ khăn trắng. Tại chiếc bàn này, Bác Hồ cùng Thường vụ Trung ương Đảng đã thông qua 3 nội dung: Tuyên ngôn Độc lập, tổ chức lễ Quốc khánh, thành phần Chính phủ Lâm thời. Cũng trên tầng 2 của ngôi nhà có một căn phòng là nơi Bác Hồ ngồi viết Bản Tuyên ngôn Độc lập.
Tại chiếc bàn này là nơi làm việc của Bác Hồ cùng Thường vụ Trung ương Đảng |
Chị Quách Thị Hương Trà - thuyết minh viên Ban Quản lý di tích danh thắng Hà Nội cho biết: Ngôi nhà có vị trí thuận lợi, nằm ở giữa khu phố cổ, trung tâm buôn bán sầm uất của đất Hà Thành và thông ra hai mặt phố Hàng Ngang và Hàng Cân. Nguyên chủ nhân của ngôi nhà khi ấy là ông Trịnh Văn Bô và bà Hoàng Thị Minh Hồ, là cơ sở cách mạng từ thời tiền khởi nghĩa, đã dành toàn bộ các phòng tầng 2 số nhà 48 Hàng Ngang để Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí Trung ương Đảng ở và làm việc.
Những bức ảnh lưu niệm của vợ chồng doanh nhân Trịnh Văn Bô và vợ là bà Hoàng Thị Minh Hồ |
Ngày nay, ngôi nhà 48 Hàng Ngang không phải là cửa hàng buôn bán tấp nập như xưa mà nó trầm mình trong sự náo nhiệt của phố cổ Hà Nội. Năm 1970, ngôi nhà được khôi phục làm nhà lưu niệm để đáp ứng tình cảm của nhân dân dành cho Bác và đến năm 1979, ngôi nhà được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) xếp hạng Di tích Quốc gia.
Ngày nay, ngôi nhà số 48 Hàng Ngang là điểm thăm quan hấp dẫn của du khách |
Cũng từ đó đến nay, nơi đây trở thành điểm thăm quan hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước.