Bảng xếp hạng tham nhũng thế giới - chỉ số CPI. Ảnh: CPI.
Theo báo cáo trên, ba quốc gia Đan Mạch, New Zealand và Singapore được xem là những nước "sạch" nhất thế giới, với số điểm 9.3/10.
Ngoài ra, Top 10 quốc gia có số điểm cao nhất, đồng nghĩa ít tham nhũng nhất, còn có: Phần Lan, Thụy Điển (cùng 9,2), Canada (8,9), Hà Lan (8,8), Australia và Thụy Sĩ (8,7), Na Uy (8,6).
Somalia được xem là nước có nạn tham nhũng tệ hại nhất thế giới, chỉ được chấm có 1,1/ 10. Theo sát sau là Myanmar, Afghanistan và Iraq.
Cũng theo báo cáo này, năm nay Việt Nam tăng thứ hạng từ 120 (năm 2009) lên 116/178 quốc gia và vùng lãnh thổ, tuy nhiên chỉ số không thay đổi: 2,7/10.
Chỉ số nhận thức tham nhũng (CPI) được Tổ chức Minh bạch Quốc tế, một tổ chức giám sát tham nhũng có trụ sở tại Berlin - Đức, công bố hàng năm. "Các cuộc điều tra và đánh giá thường dựa trên các thông số về nạn hối lộ quan chức, lại quả trong mua sắm công, biển thủ công quỹ và sức mạnh cũng như hiệu quả của chính quyền trong nỗ lực chống tham nhũng", thông tin này được công bố kèm theo chỉ số CPI năm 2010.
Có ít nhất ba nguồn đánh giá, cho điểm chỉ số CPI đối với mỗi nước. Riêng Việt Nam, Tổ chức Minh bạch Quốc tế tham khảo từ hơn ba nguồn, bao gồm Ngân hàng Thế giới (WB), Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Cơ quan dự báo kinh tế (EIU),...
So sánh với năm 2009, chỉ số của Việt Nam không thay đổi - vẫn 2,7. Về thứ hạng, Việt Nam được tăng 4 bậc, từ 120/180 lên 116/178. Năm nay, có 4 quốc gia và vùng lãnh thổ bị loại ra khỏi danh sách xếp hạng là Belize, Grenada, Saint Lucia, đảo quốc Saint Vincent và Grenadines. Song nhìn vào bảng chỉ số từ những năm trước, 4 quốc gia và vùng lãnh thổ này đều có chỉ số cao hơn Việt Nam.
Theo LD/ CNN, CPI, BBC