Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) phối hợp với Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), Tổ chức Asia LEDS Partnership (Asia Low Emission Department Strategies) đồng tổ chức hội thảo cùng sự tham gia của trên 70 các tập đoàn lớn trong khu vực, các công ty tư nhân vừa và nhỏ, các ngân hàng, các quỹ đầu tư, các tổ chức cấp chứng nhận, các quan chức chính phủ và nhiều tổ chức quốc tế.
Hội thảo đã thảo luận giải quyết các khó khăn cũng như nhìn ra các cơ hội để thống nhất hành động và thúc đẩy đầu tư tư nhân vào chuỗi giá trị sản xuất “hàng hóa thông minh”, bảo đảm phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu, dịch chuyển nền kinh tế theo hướng xanh và sạch hơn.
Trong 30 năm qua, nền kinh tế Việt Nam đã đạt được tốc độ tăng trưởng GDP cao nhất thế giới (đứng thứ hai chỉ sau Trung Quốc). Điều này giúp chuyển đổi Việt Nam từ một nước nghèo nhất thế giới sang một quốc gia có thu nhập trung bình thấp. Tuy nhiên, biến đổi khí hậu đã dẫn đến thiệt hại kinh tế hàng năm trung bình từ 1% đến 1,5% GDP trong hai thập kỷ qua và tổn thất có thể lên đến 10% GDP cho đến cuối thế kỷ 21. Nằm trong vùng những quốc gia dễ bị tổn thương về khí hậu nhất, Việt Nam coi phản ứng của biến đổi khí hậu là một vấn đề quan trọng. Vì vậy, tập trung xây dựng mô hình phát triển kinh tế song song cùng việc đảm bảo phát triển bền vững đang ngày càng được chính phủ và các doanh nghiệp Việt Nam quan tâm.
Ông Nguyễn Khắc Hải tham gia thảo luận tại hội thảo cùng với bà Rachel Zedeck - Giám đốc chương trình phát triển bền vững Control Union; bà Darian McBain - Giám đốc toàn cầu phát triển bền vững Thai Union; bà Petra Meekers - Giám đốc phát triển bền vững Musim Mas Holdings |
Tham gia thảo luận về vấn đề “Thống nhất hành động trong lĩnh vực nông nghiệp và khí hậu: Tầm nhìn, đầu tư và thách thức cam kết của khu vực tư nhân”, đại diện cho khối các công ty tư nhân ở Việt Nam, ông Nguyễn Khắc Hải - Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn PAN - đã chia sẻ các cam kết và động lực để PAN theo đuổi chính sách phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu với thực tiễn những mô hình sản xuất kinh doanh, hành động cụ thể mà PAN đang thực hiện, cũng như những khó khăn và đề xuất chính sách để nhân rộng mô hình này tại Việt Nam.
Để đạt được sứ mệnh này, PAN đã đưa ra hành động thực tế bằng việc thúc đẩy các mảng kinh doanh và tìm kiếm sự tăng trưởng một cách bền vững, tối đa hóa giá trị cho tất cả các bên liên quan trong chuỗi giá trị của công ty. Ở các công ty thành viên, PAN Group đặt ra các mục tiêu rõ ràng và kế hoạch hành động đối với tất cả hoạt động sản xuất phải đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, an toàn lao động và có trách nhiệm xã hội.
Tiêu biểu trong lĩnh vực trồng trọt, PAN áp dụng nông nghiệp công nghệ cao và Global GAP, IPM nhằm giảm nhẹ tác động tiêu cực đến môi trường và đảm bảo an toàn thực phẩm, sử dụng rác thải từ trồng trọt để sản xuất phân trộn, tăng lượng tái chế và giảm lượng chất thải; áp dụng kỹ thuật tưới nhỏ giọt để giảm lượng nước sử dụng và tiết kiệm tài nguyên nước trong vùng, nghiên cứu và phát triển giống cây trồng mới có tính kháng bệnh cao và giảm biến đối khí hậu.
Ruộng khảo thí giống cây trồng có tính kháng bệnh cao trong giống cây trồng của PAN Farm |
Với mảng kinh doanh hạt điều, PAN và Công ty con Lafooco đã nâng cấp công nghệ sản xuất sử dụng hơi nước thay thế chiên dầu. Điều này giúp giảm lượng rác thải ra môi trường. Tập đoàn này cũng đã nâng cấp hệ thống đốt vỏ hạt điều để đảm bảo chất lượng khí thải phù hợp với quy định quốc gia.
Trong mảng nuôi trồng thủy sản, PAN và Công ty thành viên là ABT liên tục cải tiến công nghệ để nâng cao hiệu quả và giảm phát thải ra môi trường. Các hoạt động sản xuất và chế biến tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế như GlobalGAP, ASC, HACCP; giám sát chặt chẽ việc sử dụng kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản, thay thế bằng công nghệ sinh học bào tử (probiotics) và thuốc thảo dược; sử dụng hệ thống nuôi tuần hoàn (RAS) giúp tiết kiệm 85% nước, giảm nhu cầu sử dụng thêm đất để nuôi trồng thủy sản.
Ông Nguyễn Khắc Hải cũng đưa ra các giải pháp để phối hợp hành động với các mục tiêu về biến đổi khí hậu toàn cầu và quốc gia như việc thiết lập Chỉ số về tính bền vững để theo dõi kết quả của các hoạt động chống biến đổi khí hậu và tính bền vững.