Nằm trong xu hướng đó, phân bón hữu cơ tinh khiết từ phân tằm mang đến một giải pháp hiệu quả cho sản xuất nông nghiệp sạch, được nghiên cứu và phát triển bởi một dự án khởi nghiệp xã hội.
Lấy nguyên liệu từ phân tằm, và bổ sung vi sinh vật có lợi cho cây trồng, sản phẩm của nhóm khởi nghiệp TASA Việt Nam (TASA) là phân bón hữu cơ tinh khiết từ phân tằm đầu tiên xuất hiện trên thị trường. Tằm chỉ ăn lá dâu, và nó là loài động vật yếu, gần như cách ly với các chất hóa học, vì vậy phân tằm có nhiều đặc điểm tốt hơn so với các loại chất thải chăn nuôi khác như phân gà hay phân bò, những loại phân mà thường tồn dư khá nhiều kháng sinh và kim loại nặng từ thức ăn gia súc, gia cầm. Nhận thấy những ưu điểm của loại phân này, đội ngũ TASA đã bắt tay vào nghiên cứu và khởi nghiệp với sản phẩm phân bón hữu cơ có nguồn gốc tự nhiên từ phân tằm, gần gũi với sự sinh trưởng và phát triển của cây trồng. Phân khô, không mùi, được ép viên vừa có thể bón lót vừa có thể hòa tan vào nước để bón thúc. Phân tằm cũng có một số đặc tính giúp cây trồng tránh hấp thu một số chất độc từ nguồn đất như chì, asen….
Khi áp dụng vào các vườn rau, vườn cây nhỏ của những hộ gia đình ở đô thị, phân bón hữu cơ TASA mang lại nhiều kết quả tích cực. Theo nghiên cứu, phân bón TASA có hàm lượng NPK hữu cơ cao gấp hai lần so với các loại phân bón khác, rất thích hợp để trồng rau sạch, hoa, cây cảnh, cây ăn quả, đặc biệt thích hợp với cây hoa hồng. Nghiệm thu thực tế cho thấy phân tằm giúp hoa hồng phát triển tốt, bật nụ nhanh và cho bông to. Một số loại cây trồng có dấu hiệu chết, nhưng khi được bón phân tằm và chăm sóc kỹ lưỡng đã có thể dần hồi phục và phát triển bình thường.
Chị Mai Hạnh (Hà Đông, Hà Nội) cho biết: “Hoa hồng dùng phân tằm ra hoa rất đẹp, to gần bằng cái bát con. Ngoài phân bón TASA tôi có tưới thêm vài lần dung dịch trồng cây thủy sinh, tuy nhiên trước đó tôi cũng đã từng sử dụng nhưng không thấy tác dụng gì rõ rệt, vì vậy tôi nghĩ chủ yếu là do phân TASA”. Khách hàng N.T Linh (Linh Đàm, Hà Nội) chia sẻ, chị bón phân TASA cho tất cả các cây và nhận thấy “cây trồng rất tươi và xanh tốt, phân bón hữu cơ này hợp với cây cảnh, không sợ xót, rễ chết cây như phân hóa học”.
Phân bón hữu cơ tạo ra những nông trại rau "sạch" |
Với những phản hồi tích cực từ khách hàng lẻ, phân tằm TASA được áp dụng với quy mô lớn hơn tại các trang trại nông nghiệp. Mô hình mạng lưới các hộ nông dân được triển khai, trong đó đội ngũ TASA đóng vai trò là một trung tâm kỹ thuật xử lý nguyên liệu đầu vào, chuyển giao cho nông dân thực hiện công đoạn đơn giản nhất là đảo ủ nguyên liệu tạo thành bán thành phẩm, sau đó chúng được đưa trở lại TASA để đóng gói thành sản phẩm hoàn chỉnh và phân phối ra thị trường.
Thị trường mà TASA hướng đến là những nông trại thuần hữu cơ, nông trại theo hướng VietGap, bởi tính chất của phân tằm hữu cơ rất phù hợp cho việc cải tạo đất, bón thúc cho các trang trại canh tác hữu cơ, vườn hoa, vườn cây ăn quả…. Hiện tại đã có năm trang trại sử dụng thường xuyên phân bón hữu cơ của TASA. Đội ngũ của TASA cũng đang trong quá trình nghiên cứu và xử lý nhiều loại phân bón khác từ phân gà hay phân bò…. Mục tiêu của TASA là xây dựng được thương hiệu phân bón hoàn toàn hữu cơ tại miền Bắc, hướng đến xuất khẩu phân bón sạch ra nước ngoài.
Với quy trình sản xuất và nguyên liệu đầu vào khác biệt, mô hình của TASA tạo ra một sản phẩm phân bón hữu cơ phục vụ ngành nông nghiệp, đồng thời cũng góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường gây ra từ chất thải gia súc, gia cầm và giải quyết được vấn đề thu nhập cho người làm nông. Đây cũng là mục tiêu cốt lõi mà TASA hướng đến khi xác định triển khai một doanh nghiệp xã hội.
Chị Đặng Thị Hòa, người sáng lập TASA chia sẻ: “Với tôi, doanh nghiệp xã hội là làm kinh doanh tử tế, giúp được nhiều người, có ý nghĩa với xã hội, không bó hẹp về lợi ích của người hưởng lợi. Mục đích của chúng tôi là muốn cống hiến và góp phần xây dựng nên một nền nông nghiệp bền vững”. Quan điểm của đội ngũ TASA về nền nông nghiệp bền vững là đảm bảo yếu tố kinh tế, sức khỏe cho người làm nông nghiệp, nông sản sạch cho người tiêu dùng và không gây hại cho môi trường sinh thái (nguồn đất, nước, không khí và đa dạng sinh thái).