Phân phối trực tuyến: Đột phá từ tác động của dịch Covid-19
Tại cuộc Tọa đàm trực tuyến về “Cơ hội đột phá hệ thống phân phối từ Covid-19” mới đây, bà Vũ Thị Nhật Linh - Phó Tổng giám đốc quản lý Sàn giao dịch thương mại điện tử Tiki - cho biết: Giai đoạn giãn cách xã hội đã thúc đẩy người tiêu dùng hình thành thói quen tăng mua sắm trực tuyến. Từ thời điểm cả nước thực hiện giãn cách xã hội đến nay, hàng tuần Tiki đều đánh giá tình hình và cho thấy, kênh trực tuyến đã nằm trong “Top 3” mối quan tâm của các đối tác và khách hàng. Nhiều đối tác, khách hàng trước đây chưa quan tâm, thì nay đã sẵng sàng và ưu tiên cho mục tiêu tiếp cận kênh trực tuyến.
Ảnh minh họa |
“Nắm bắt xu thế nêu trên, Tiki đã tiến hành thay đổi cấu trúc các ngành hàng trên sàn cả ngắn hạn và trong dài hạn. Trong giai đoạn giãn cách xã hội, thời gian khách hàng ở lại trang Tiki đã tăng 20% so với trước, nhu cầu tìm kiếm thông tin của khách hàng nhiều hơn, xu hướng này hiện vẫn đang tiếp tục duy trì” - bà Vũ Thị Nhật Linh chia sẻ.
Ông Lê Trí Thông - Tổng Giám đốc PNJ: Sức ép của đại dịch Covid-19 thời gian qua đã khiến cho khách hàng thay đổi thói quen giao dịch, mua sắm từ truyền thống sang trực tuyến rất nhanh, doanh nghiệp nào không chuẩn bị sẵn sàng tốt các phương án phát huy ưu thế của kênh trực tuyến sẽ không bắt kịp được xu thế phát triển khâu phân phối, bán hàng... |
Ông Lê Trí Thông - Tổng giám đốc Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) - cho biết: Thương mại điện tử (e-commerce) chỉ sau 02 tháng diễn ra dịch Covid-19 đã có mức tăng 400% so với dự báo 200%. Kênh phân phối của PNJ trước đây chủ yếu là trải nghiệm thực tế, khi dịch Covid-19 bùng phát, mọi người ngại mua sắm ở nơi tụ tập đông người, tăng mua bán trực tuyến, PNJ đã triển khai kênh trực tuyến trong dịp Ngày Tình yêu (14/2), Ngày Quốc tế phụ nữ (8/3)…, ngay lập tức được khách hàng hưởng ứng và tăng trưởng nhanh. Đến nay, PNJ đã bổ sung thêm trung tâm xử lý đơn hàng trực tuyến ở các khu vực khác nhau.
Bà Phan Bích Tâm - Giám đốc quốc gia Hiệp hội Mobile Marketing - đánh giá: Người tiêu dùng thời gian qua đã tương tác, sử dụng các công cụ trực tuyến để mua sắm. Tuy nhiên, khi dịch Covid-19 bùng phát, thói quen mua sắm trực tuyến đã tăng nhanh. Cơ hội phát triển thương mại điện tử còn rất nhiều tiềm năng, các doanh nghiệp cần có giải pháp kinh doanh, đáp ứng nhu cầu giao dịch, mua bán, cung cấp các dịch vụ tư vấn trực tuyến.
Để khai thác hiệu quả kênh phân phối, bán hàng trực tuyến, doanh nghiệp cần thay đổi về cấu trúc hệ thống phân phối, đưa ra các giải pháp tích hợp có tính đột phá. Ông Lê Trí Thông cho biết: Kênh truyền thống của PNJ hiện đã phủ khắp cả nước. Khó khăn của PNJ khi thực hiện kênh trực tuyến là vấn đề nguồn lực, cạnh tranh, làm sao phải đảm bảo được hài hòa giữa trực tuyến và truyền thống. Chiến lược của PNJ tới đây là sẽ tiếp tục kết hợp hài hòa giữa phát huy kênh trực tuyến với kênh truyền thống, trên cơ sở tối ưu hóa nguồn lực và hiệu quả.
Theo bà Phan Bích Tâm, người tiêu dùng ở phân khúc nào của thị trường thì doanh nghiệp định hướng tiếp cận cơ hội ở đó để tối ưu hóa hoạt động. Xu hướng mới trên thế giới là tiếp cận khách hàng thông qua tiếp thị số (digital marketing), doanh nghiệp nào không tận dụng được hiệu quả các công cụ trực tuyến sẽ đánh mất cơ hội và đi sau các đối thủ cạnh tranh. Trong quá trình khai thác công cụ trực tuyến, điều quan trọng là doanh nghiệp phải quản lý tốt dữ liệu khách hàng, hiểu nhu cầu khách hàng. Đặc biệt, đối với các nhãn hàng, việc thực hiện chiến lược tiếp thị số có trách nhiệm sẽ đóng vai trò quan trọng trong xây dựng niềm tin nơi khách hàng, qua đó tận dụng tốt và hiệu quả kênh phân phối trực tuyến.