Phóng viên báo Komsomolskaya Pravda của Nga mới đây đã tìm hiểu thực tế hầm trú ẩn của “pháo đài thép” Azovstal, cũng như những bí ẩn bên trong các boongke nằm sâu dưới lòng đất.
Chiếm 10% GDP của Ukraine
Khu phức hợp luyện kim khổng lồ Azovstal ở thành phố Mariupol (Ukraine) được hai lần xây dựng dưới thời Liên Xô. Năm 1930, lò luyện gang đầu tiên bắt đầu được xây dựng phần móng.
Quang cảnh các khu nhà sản xuất của “pháo đài thép” Azovstal ở Mariupol. Ảnh: KP / Vladimir Velengurin |
Đồng thời, việc xây dựng cảng và kênh cho tàu bè qua lại cũng được khởi công, do biển Azov tại những khu vực này khá cạn. Mariupol, một thành phố thương mại ven biển Azov khi đó còn thanh bình, bỗng chốc trở thành công trường xây dựng khổng lồ.
Năm 1939, một trong những lò luyện của nhà máy Azovstal đã lập kỷ lục thế giới về khả năng nấu chảy gang thép với sản lượng 1.614 tấn/ngày đêm. Lò nung lộ thiên xoay độc nhất vô nhị đã được đưa vào hoạt động, bắt đầu công đoạn nấu chảy thép tại nhà máy.
Khu phức hợp Azovstal đã không thể trụ vững trong cuộc Chiến tranh vệ quốc vĩ đại của Liên Xô chống lại Đức Quốc xã. Tháng 9/1943, quân phát xít bị đánh đuổi ra khỏi Mariupol. Lúc rời đi, chúng cho nổ tung mọi thứ gồm lò luyện gang, lò nung lộ thiên, lò than cốc, trạm phát điện.
Trạm quạt gió của nhà máy Azovstal bị phát xít Đức phá hủy trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, năm 1943. Ảnh tư liệu: TASS |
Nhưng chỉ hai năm sau đó, nhà máy Azovstal không những được khôi phục, mà còn bắt đầu sản xuất kim loại cán. Về sau, trong suốt thời kỳ Liên bang Xô Viết, hoạt động sản xuất liên tục được mở rộng qua từng năm.
Vào năm 1996, sau khi Liên Xô sụp đổ, chi nhánh của Công ty bảo hiểm hàng hải Lloyd tại Đức công nhận khu phức hợp này là nhà sản xuất thép đóng tàu. Tiếp theo, người Mỹ cũng công nhận và cấp chứng chỉ cho thép cường độ cao dùng để xây dựng dàn khoan (chỉ có 4 sản phẩm trên thế giới được cấp chứng chỉ này, trong đó có thép Azovstal).
Ngay cả trong những năm tháng ảm đạm nhất thời kỳ hậu Xô Viết, Azovstal vẫn tiếp tục tạo ra lợi nhuận chiếm khoảng 10% tổng GDP của Ukraine. Bởi tại đây có sự kết hợp nhiều yếu tố thuận lợi như: Trường luyện kim của Liên Xô, cảng biển giúp giảm chi phí nguồn cung nguyên liệu và xuất khẩu sản phẩm, than cốc giá rẻ của Donetsk và khí đốt giá rẻ từ Nga.
Ngay sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào ngày 24/2, các chiến binh của trung đoàn Azov đã bắt đầu đưa các thiết bị chiến đấu hạng nặng tới nhà máy Azovstal và đặt mìn tại các khu xưởng.
Hình ảnh vệ tinh chụp nhà máy Azovstal. Nguồn: Yandex |
Để tránh rủi ro, những lò than cốc bị hãm lại rồi rót đầy thủy tinh lỏng vào đó. Những lò luyện gang ngừng hoạt động, trong khi việc khởi động một lò luyện mới tốn khoảng 80-90% chi phí xây dựng nó.
Bản thân nhà máy đã nhiều tháng không được vận hành, đội ngũ công nhân viên 14.000 người có thể đã bỏ chạy. Có người tử vong ngay tại nhà máy trong các trận pháo kích. Và nay, nhà máy thép Azovstal lại một lần nữa hứng chịu cảnh giao tranh.
Được chuẩn kỹ bị từ năm 2015
Rõ ràng, chính Azovstal được coi là trọng điểm của tuyến phòng ngự chính và cuối cùng của Mariupol. Trong khi đó, nhà máy luyện kim Ilyich bên cạnh tương đương cả về quy mô hoạt động và số lượng nhân viên (10.000 người) đã bị chiếm giữ trước đó.
Vậy tại sao lại chọn Azovstal để cố thủ? Có thể là do quy mô của khu công nghiệp tại đây rất lớn với diện tích 11km vuông, cùng với hai rào cản tự nhiên (biển và bãi bồi rộng của sông Kalmius chảy từ nhà máy). Bên cạnh đó, ngay sát nhà máy Azovstal có rất nhiều công trình xây dựng tư nhân và những tòa nhà cao tầng.
Trước khi bị tấn công, tiểu đoàn Vostok của Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng đã “dọn sạch” những ngôi nhà riêng xung quanh nhà máy. Hơn nữa, việc thanh lọc và chiến sự diễn ra trên những con phố nằm song song nhau.
Mây khói bao phủ Azovstal và khu dân cư xung quanh. Ảnh: KP / Vladimir Velengurin |
Ngay từ đầu tháng 3/2022, khi mạng điện thoại di động ở Mariupol vẫn còn hoạt động, những thuê bao của người dưới 20 tuổi đã bắt đầu nhận được lời kêu gọi qua tin nhắn với nội dung: “Hãy đến với Azovstal, chúng tôi có những nơi trú ẩn đáng tin cậy, có mạng Internet, có đồ ăn thức uống và những người bạn tốt”. May mắn thay, thực tế đến nay vẫn chưa phát hiện thấy ai có con trẻ chạy đến khu hầm Azovstal.
Đó là những tin nhắn giả, bởi phóng viên báo Komsomolskaya Pravda đã phỏng vấn hàng chục người dân sống gần nhà máy, tìm kiếm người thân của những thanh thiếu niên bỏ chạy như vậy nhưng không tìm thấy ai. Mọi thứ ở đây đã được lên kế hoạch kỹ càng, nguồn dự trữ để phòng thủ đã được chuẩn bị từ năm 2015.
Hệ thống hầm trú ẩn
Máy bay trinh thám của Nga liên tục xuất hiện để theo dõi trên bầu trời Azovstal. Tuy nhiên, những binh sĩ hàng ngày giám sát khu vực nhà máy cho biết: “Lâu rồi chúng tôi không nhìn thấy phương tiện và người trên mặt đất, họ vẫn leo trèo bên trong khu phức hợp”.
Trong khi đó, những người còn lại vẫn ở dưới hầm ngầm. Nói chung, toàn bộ hệ thống phòng thủ của Azovstal được xây dựng trên hai khu vực kiên cố là Bastion và Yuzhny, cũng như trên các cứ điểm nhỏ hơn. Những cứ điểm này nằm trong hầm tránh bom, di sản của Hệ thống phòng thủ dân sự từ thời Liên Xô.
Sau Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, việc khôi phục nhà máy Azovstal mới được hoàn thành vào những năm 1950, khi chiến tranh hạt nhân có nguy cơ bùng phát mạnh mẽ. Do đó, bên dưới các tòa nhà hành chính thậm chí còn có những hầm tránh bom hay đơn giản là những tầng hầm lớn, và bên dưới khu vực nhà máy Azovstal cũng không phải là ngoại lệ.
Một người thông thạo về hệ thống hầm tránh bom của nhà máy Azovstal cho biết, thông tin cho rằng các hầm trú ẩn được kết nối thông nhau là vô lý, bởi điều đó ngược lại với khái niệm bảo vệ trước các tác hại của bom nguyên tử và hóa học.
Tuy nhiên, vẫn có một đường hầm dành cho những người làm việc trong nhà máy. Đường hầm này kéo dài từ đài tưởng niệm xe tăng nằm ở giữa khu vực nhà máy đến lối vào chính. Nó được dùng để sơ tán đội ngũ kỹ sư và ban lãnh đạo ra khỏi khu vực nhà máy.
Một chức năng nữa của đường hầm là giữ bí mật cho việc thay đổi các ca làm việc và di chuyển lượng lớn nhân viên trong toàn nhà máy. Tại nhà máy Kirov ở Leningrad (nay là Saint-Petersburg), người ta cũng xây dựng một đường hầm tương tự. Mùa thu năm 1941, pháo binh Đức Quốc xã đã chặn lối đi của đường hầm này khiến 400 người thương vong.
Khi được phóng viên hỏi đội quân Azov trú ẩn ở khu vực nào, thì người này cho biết, rất có thể ở đây có hai nơi trú ẩn, một nơi nằm bên dưới phân xưởng cán có không gian lớn, còn một nơi nằm bên dưới phân xưởng chuyển đổi. Hai phân xưởng này có thể chứa được 1.780 người.
Đây là nơi trú ẩn cấp 1 và cấp 2, chúng nằm ở độ sâu khoảng 6-10m và được bảo vệ bởi một lớp đệm bê tông dày. Hệ thống lọc không khí được thiết kế đảm bảo có thể làm việc trong thời gian một tháng. Có phòng để đặt máy phát điện chạy dầu, trạm quân y, ban tham mưu và bộ phận chỉ huy, cũng như có giếng nước và hệ thống thoát nước thải...