Thành công từ các Đại hội Đảng cơ sở tiến tới Đại hội đại biểu Đảng bộ Bộ Công Thương lần thứ II, nhiệm kỳ 2015 - 2020(trong ảnh: Tại Đại hội Đảng bộ Tập đoàn Điện lực Việt Nam lần thứ II, nhiệm kỳ 2015 - 2020).
Hoàn thành và vượt các chỉ tiêu quan trọng
Đảng bộ Bộ Công Thương là đảng bộ cấp trên cơ sở thuộc Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương. Đảng bộ có tổ chức đảng không đồng nhất với tổ chức chính quyền, chuyên môn, số đầu mối trực thuộc nhiều, lượng đảng viên đông. Các tổ chức đảng trực thuộc hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau, phân thành các khối quản lý nhà nước, khối đảng- đoàn thể, khối đơn vị sự nghiệp và khối doanh nghiệp…
Trong nhiệm kỳ qua, Đảng ủy Bộ đã phối hợp tốt với Ban Cán sự Đảng bộ, các cấp ủy đảng trực thuộc tập trung lãnh đạo có hiệu quả nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị; xây dựng chương trình hành động và cụ thể hóa các nghị quyết của Đảng sát với thực tế của Bộ, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Theo đó, kết quả thực hiện kế hoạch 5 năm (2011 – 2015) đã đạt được các chỉ tiêu quan trọng:
Giá trị sản xuất công nghiệp tăng trưởng bình quân khoảng 8,5%/năm; cơ cấu đã từng bước được chuyển dịch đúng với định hướng, tăng dần ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và giảm dần ngành khai khoáng. Kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng bình quân khoảng 17,9%/năm; cao hơn mức 12% so với mục tiêu tại Đại hội lần thứ XI của Đảng đề ra. Kim ngạch nhập khẩu tăng trưởng thấp hơn tốc độ tăng trưởng xuất khẩu, cơ cấu mặt hàng nhập khẩu cũng chuyển dịch theo chiều hướng tích cực. Nhập siêu được kiểm soát theo hướng giảm dần: Năm 2011, nhập siêu 9,84 tỷ USD, bằng 10,2% kim ngạch xuất khẩu; năm 2014 đã xuất siêu 2 tỷ USD. Kế hoạch năm 2015, nhập siêu dưới 5% kim ngạch xuất khẩu. Bên cạnh đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng trưởng bình quân khoảng 14,7%/năm. Lạm phát được kiểm soát tốt: Năm 2011, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ở mức hai con số 18,13%; năm 2015 ước tăng khoảng dưới 5%.
Luôn chú trọng công tác xây dựng Đảng
Đối với công tác xây dựng Đảng, trước hết tại Đảng bộ Bộ Công Thương, công tác chính trị tư tưởng được thường xuyên quan tâm, góp phần quan trọng trong việc ngăn chặn suy thoái về chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên. Đảng ủy Bộ thường xuyên cung cấp tài liệu, thông tin của Đảng, tổ chức 7 hội nghị chuyên đề phổ biến tình hình thời sự trong nước và quốc tế, báo cáo chuyên đề những nội dung mà cán bộ, đảng viên và dư luận quan tâm.
Các tổ chức đảng trực thuộc đặc biệt chú trọng đến công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nắm bắt tình hình diễn biến tư tưởng, tâm tư, nguyện vọng của đảng viên để xử lý; những biểu hiện chưa đúng trong hoạt động chuyên môn nghiệp vụ, trong phối hợp công tác, lối sống, giao tiếp, ứng xử, phát ngôn… đều được uốn nắn, nhắc nhở kịp thời, vì vậy, trong đảng bộ không nảy sinh những vấn đề bức xúc, nổi cộm về tư tưởng, về quyền lợi, trách nhiệm của đảng viên.
Đảng ủy Bộ đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy đảng trực thuộc, kịp thời phổ biến, quán triệt và tổ chức thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng tới từng tổ chức đảng, đảng viên; tham gia với chính quyền cùng cấp trong việc xây dựng chương trình hành động thực hiện các nghị quyết của Trung ương, trọng tâm là thực hiện Nghị quyết TW4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”; Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; Nghị quyết số 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”.
Trong công tác tổ chức cán bộ, xây dựng đảng, Đảng bộ Bộ Công Thương đã làm tốt công tác cán bộ, kiện toàn cấp ủy, sắp xếp tổ chức đảng... Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, toàn Đảng bộ đã kết nạp được 655 đảng viên mới,
vượt mức chỉ tiêu kết nạp 250 đảng viên mới do Đại hội Đảng bộ đề ra; công nhận chính thức cho 654 đảng viên dự bị, tiếp nhận và chuyển sinh hoạt đảng cho 1.440 lượt đảng viên…
Đảng ủy Bộ và các cấp ủy trực thuộc đã quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm túc Điều lệ Đảng, quy định, hướng dẫn của Trung ương. Công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ đã dần đi vào nền nếp, hoạt động có bài bản, thường xuyên rút kinh nghiệm, từ đó làm cơ sở cho việc lãnh đạo, chỉ đạo các tổ chức đảng trực thuộc phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ chính trị của Bộ, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp…
Những kinh nghiệm quý báu
Nhìn nhận một cách khách quan, ở một số tổ chức cơ sở đảng vẫn còn có những tồn tại, hạn chế như: Vai trò của cấp ủy đảng chưa được phát huy khi bí thư cấp ủy không phải là thủ trưởng đơn vị; do kiêm nhiệm, áp lực công tác chuyên môn nên ít có thời gian dành cho công tác đảng… Nguyên nhân của những hạn chế, tồn tại này đã được nhận định rõ và có hướng khắc phục trong thời gian tới.
Đảng ủy Bộ Công Thương đã phối hợp tốt với Ban Cán sự Đảng bộ, các cấp ủy đảng trực thuộc, tập trung lãnh đạo có hiệu quả nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị. |
Bên cạnh đó, qua kết quả công tác và thực hiện nhiệm vụ chính trị giai đoạn vừa qua, Đảng ủy Bộ Công Thương rút ra các bài học kinh nghiệm: Một là, bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của đảng ủy cấp trên, trên cơ sở đó lãnh đạo xây dựng chương trình hành động có trọng tâm, trọng điểm, sát với thực tế từng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong đảng bộ. Hai là, giữ gìn sự đoàn kết trong toàn đảng bộ trên cơ sở phát huy dân chủ, thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ, giữ vững kỷ cương, kỷ luật trong Đảng. Ba là, tăng cường sự phối hợp giữa Đảng ủy Bộ với Ban Cán sự Đảng bộ, lãnh đạo Bộ và các cơ quan chức năng của Bộ trong việc lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị; công tác cán bộ. Bốn là, hướng về cơ sở để làm tốt công tác tổ chức và cán bộ, phải tạo sự chuyển biến thực sự và đồng bộ trong công tác cán bộ trên tất cả các khâu từ quy hoạch, đánh giá, đào tạo, bố trí, sử dụng cán bộ, cho đến chế độ, chính sách, đặc biệt quan tâm đối với cán bộ làm công tác đảng ở cơ sở.
Định hướng cơ bản giai đoạn 2015- 2020
Từ năm 2015, kinh tế thế giới được dự báo có chiều hướng phục hồi; kinh tế trong nước tiếp tục đà phục hồi với mức tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; hội nhập quốc tế sâu rộng hơn sẽ có tác động tạo ra sự cải thiện môi trường kinh doanh, tạo cơ hội mở rộng đầu tư và thương mại cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, việc tham gia vào các hiệp định thương mại tự do đa phương và song phương, thì các ngành sản xuất trong nước được dự báo sẽ chịu tác động tiêu cực nếu như không có các biện pháp hỗ trợ phù hợp và kịp thời. Bên cạnh đó, diễn biến khó lường tình hình chính trị, kinh tế thế giới, khu vực sẽ là những thách thức lớn đến sự phát triển của Việt Nam. Tình hình thời tiết diễn biến bất thường, thiên tai, dịch bệnh, cùng với những hạn chế, yếu kém của nền kinh tế vẫn chưa thể khắc phục cũng là những yếu tố tác động tới tăng trưởng kinh tế của cả nước nói chung và ngành Công Thương nói riêng trong giai đoạn 2015-2020. Vì vậy, Đảng bộ Bộ Công Thương cần thực hiện những mục tiêu cơ bản: Lãnh đạo thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Bộ Công Thương nhiệm kỳ 2015-2020, xây dựng Đảng bộ Bộ Công Thương trong sạch, vững mạnh; tập trung lãnh đạo hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị có tổ chức đảng trực thuộc, góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị của Bộ Công Thương, xây dựng các tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh; giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát đi đôi với đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng, thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương theo Quyết định số 2146/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 11476-QĐ/BCT của Bộ trưởng Bộ Công Thương.
Đồng chí Võ Thanh Hà- Bí thư Đảng ủy Văn phòng Bộ Công Thương: Cải cách hành chính là nhiệm vụ trọng tâm Đảng bộ Văn phòng Bộ luôn coi công tác cải cách hành chính là nhiệm vụ trọng tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo. Ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 95/2012/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương, Văn phòng Bộ đã chủ trì và phối hợp với các đơn vị xây dựng và trình Bộ ban hành Quy chế làm việc Bộ Công Thương, Quy chế tiếp nhận, xử lý, ban hành và quản lý văn bản của Cơ quan Bộ Công Thương; phối hợp và đôn đốc các đơn vị thực hiện tốt chương trình công tác, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật hàng năm, góp phần tích cực vào công tác cải cách thể chế của ngành Công Thương. Về cải cách thủ tục hành chính, Đảng bộ Văn phòng Bộ đã tập trung lãnh đạo, củng cố bộ phận kiểm soát thủ tục hành chính thuộc Văn phòng Bộ; xây dựng và trình Bộ ban hành Kế hoạch kiểm soát thủ tục hành chính hàng năm của Bộ Công Thương… Các giải pháp này giúp tạo ra phương pháp làm việc khoa học, chuyên nghiệp hơn; góp phần nâng cao chất lượng công tác quản lý nhà nước và giải quyết thủ tục hành chính của các đơn vị thuộc cơ quan Bộ.Đồng chí Trần Cương Thiết- Bí thư Đảng ủy Công ty Cổ phần Xây dựng và Xuất nhập khẩu tổng hợp: Phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng trong công ty cổ phần Để phát huy tối đa hiệu quả từ sự chỉ đạo của Đảng, Đảng bộ công ty đã đề ra quy chế hoạt động và phối hợp làm việc giữa đảng ủy với hội đồng quản trị (HĐQT), ban lãnh đạo, tổ chức công đoàn và đoàn thanh niên. Theo đó, đảng ủy tham gia với HĐQT, ban lãnh đạo về việc xây dựng và định hướng sản xuất- kinh doanh hàng năm để trình đại hội cổ đông quyết định. Đảng ủy chỉ đạo các chi bộ, đảng viên ở các phòng, ban, đơn vị có trách nhiệm tích cực thực hiện tốt, gương mẫu các nhiệm vụ kế hoạch đã đặt ra, làm gương cho quần chúng; lãnh đạo, chỉ đạo các hoạt động của tổ chức công đoàn, đoàn thanh niên... Nhờ những giải pháp này, từ khi cổ phần hóa, hoạt động sản xuất- kinh doanh của công ty ngày càng ổn định, phát triển.Đồng chí Trịnh Văn Ngọc- Bí thư Đảng ủy Cục Quản lý thị trường 100% lực lượng rèn tác phong chính quy, luyện ứng xử văn hóa Thực hiện Chỉ thị số 14/CT-BCT về thực hiện một số biện pháp nâng cao chất lượng hoạt động công vụ của lực lượng quản lý thị trường, nhiệm kỳ vừa qua, Đảng bộ Cục Quản lý thị trường đã tập trung lãnh đạo, thực hiện cuộc vận động “Rèn tác phong chính quy, luyện ứng xử văn hóa”. Theo đó, 100% cơ quan quản lý thị trường cả nước đã xây dựng kế hoạch hành động cụ thể về việc thực hiện Chỉ thị số 14/CT-BCT và triển khai đến từng đơn vị, phòng, ban, đội quản lý thị trường; tổ chức ký cam kết cho 100% công chức, người lao động về việc thực hiện cuộc vận động “Rèn tác phong chính quy, luyện ứng xử văn hóa”. Hàng năm, công chức, người lao động phải kiểm điểm về nội dung này và đây là một tiêu chí để bình xét thi đua cá nhân, tập thể…Kết quả, các nội dung của Chỉ thị 14/CT-BCT và cuộc vận động đã đi vào nền nếp, góp phần cải thiện hình ảnh và uy tín của lực lượng quản lý thị trường cả nước. Đồng chí Nguyễn Sỹ Cường- Bí thư Đảng ủy Trường Đào tạo Bồi dưỡng cán bộ Công Thương Trung ương: Không ngừng đổi mới công tác đào tạo Giai đoạn 2010 – 2015, Đảng ủy nhà trường đã lãnh đạo đơn vị tổ chức, thực hiện đào tạo, bồi dưỡng cho 45.459 lượt học viên. Tuy nhiên, việc đào tạo lý luận chính trị còn tồn tại một số hạn chế: Sự phối hợp giữa nhà trường và các đơn vị liên quan chưa chặt chẽ; việc xác định nhu cầu đào tạo về lý luận chính trị vẫn phần nhiều mang tính truyền thống; nội dung đào tạo còn trùng lặp...Để nâng cao hiệu quả công tác bồi dưỡng lý luận chính trị thời gian tới, cần quán triệt tới từng bộ phận đảng viên về nhiệm vụ và tầm quan trọng của việc trau dồi, nâng cao trình độ lý luận chính trị; tập trung xây dựng đội ngũ giảng viên đủ năng lực; đổi mới nội dung chương trình đào tạo sát với thực tiễn... |