Theo báo cáo của Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh, trong 8 tháng năm 2019, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp trên địa bàn thành phố tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,3%; sản xuất và phân phối điện tăng 9,1%...
Hội nghị tìm kiếm nhà cung cấp CNHT năm 2019 do Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh tổ chức tháng 9/2019 đã nhận được sự quan tâm của hàng trăm doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI |
Đáng chú ý, hiện nay, gần 80% linh kiện, nguyên vật liệu dành cho sản xuất công nghiệp tại TP Hồ Chí Minh vẫn phải nhập khẩu. Thành phố chỉ có khoảng 1.200 doanh nghiệp (DN) cung ứng sản phẩm CNHT. Con số này khá nhỏ so với quy mô hơn 300.000 DN đang hoạt động trên địa bàn.
Theo các chuyên gia, rất nhiều DN sản xuất trên thế giới muốn tìm cơ hội mua hàng tại Việt Nam và đánh giá Việt Nam có tiềm năng lớn trong lĩnh vực sản xuất CNHT.
Thống kê tại Hội nghị tìm kiếm nhà cung cấp CNHT vừa qua do Sở Công Thương tổ chức, có 17 nhà mua hàng quốc tế lẫn trong nước có nhu cầu hơn 250 cụm chi tiết/linh kiện cần tìm nhà cung ứng với khoảng 80 DN CNHT của Việt Nam với 242 cuộc tiếp xúc. Tại sự kiện này, đại diện 17 DN FDI và các DN sản xuất công nghiệp đầu cuối với vai trò là nhà mua hàng cũng đã đánh giá các nhà cung cấp tiếp xúc trực tiếp là có tiềm năng và 51% trong đó xác lập cuộc hẹn đi thăm nhà máy của các DN cung ứng.
Đại diện của Nipro (Nhật Bản), tập đoàn hàng đầu thế giới trong lĩnh vực sản xuất thiết bị y tế khi đầu tư dự án tại TP.Hồ Chí Minh cũng cho biết: “Khi sản xuất, chúng tôi vẫn có các DN nằm trong chuỗi cung ứng vệ tinh đi theo. Tuy nhiên, công ty cũng mong muốn tìm được DN cung cấp thay thế ngay tại địa bàn sản xuất, mở rộng chuỗi cung ứng, tạo sự phát triển thuận lợi về lâu dài”.
Tuy nhiên, theo đánh giá của các công ty Nhật Bản và các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) khi đầu tư tại TP Hồ Chí Minh, ngành CNHT ở thành phố nói riêng và Việt Nam nói chung còn “khiêm tốn”, chưa tạo được động lực để các DN FDI kết nối chuỗi liên kết toàn cầu để tăng giá trị sản phẩm. Các sản phẩm CNHT trong nước chủ yếu vẫn là linh kiện, chi tiết đơn giản, với hàm lượng công nghệ trung bình và thấp, có giá trị nhỏ trong cơ cấu giá trị sản phẩm. Các sản phẩm CNHT có hàm lượng công nghệ cao vẫn chủ yếu do các doanh nghiệp FDI cung cấp.
Trước tình hình đó, ông Nguyễn Phương Đông - Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh - cho biết, thời gian qua thành phố đã triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển nhóm các sản phẩm công nghiệp chủ lực và tiềm năng của thành phố; tập trung phát triển công nghiệp theo chiều sâu để từng bước tạo ra những sản phẩm có thương hiệu và có sức cạnh tranh trên thị trường khu vực và thế giới, có lợi thế cạnh tranh để tham gia mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.
Theo đó, các DN này được hỗ trợ lãi vay để đầu tư nhà xưởng, công nghệ sản xuất mới trong thời gian 7 năm, mức vốn vay tối đa là 200 tỷ đồng/dự án. Bên cạnh đó, TP. Hồ Chí Minh cũng triển khai chính sách về phát triển CNHT như: Kết nối cung cầu sản phẩm giữa DN của thành phố với các DN đầu cuối, DN thuộc lĩnh vực FDI, các DN nước ngoài…
Ông Nguyễn Dương Hiệu, Ủy viên Ban chấp hành Hội Doanh nghiệp Cơ khí – Điện TP Hồ Chí Minh chia sẻ thêm, sau công tác kết nối gặp gỡ giữa các doanh nghiệp là đi vào sâu đánh giá nhà cung ứng. Các nhà cung ứng trong nước muốn tham gia vào chuỗi quốc tế phải đảm bảo rất nhiều tiêu chuẩn. Như với Samsung, DN muốn trở thành nhà cung ứng phải đáp ứng 141 tiêu chuẩn. Ngoài ra, các DN phải tham gia cung ứng bền vững, cạnh tranh liên tục công bằng với các DN nước ngoài.
Chính vì thế, tự thân DN phải có hướng phát triển lâu dài, đảm bảo bằng 3 tiêu chuẩn: công nghệ, quản trị, giá thành. “Công nghệ chất lượng cao, quản trị thành phẩm, sản phẩm đảm bảo, nguồn nhân lực và giá thành hợp lý; Song song với đó là sự kết nối với DN bằng tìm hiểu, đáp ứng chính sách bán hàng như: không tồn kho, đúng giờ, kiểm soát chất lượng từ nhà máy của đơn vị cung ứng, từ trên chuyền sản xuất đến kho bãi xuất xưởng…” – phải làm tốt tất cả những điều đó thì DN CNHT TP Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung mới có cơ hội tham gia chuỗi cung ứng quốc tế.
Ngoài ra, ông Hiệu cũng bày tỏ mong muốn, các DN Việt sẽ được ưu đãi hỗ trợ về thuế suất. Bởi hiện nay, theo Thông tư 11/2017/TT – BCT quy định về hoạt động tạm nhập tái xuất; tạm xuất tạm nhập và chuyển khẩu hàng hóa thì nếu hàng hóa linh kiện nhập về và được xuất đi trong 275 ngày thì không phải đóng thuế. Trong khi các DN Việt bán hàng phải chịu thuế 10%. Khách hàng phải ứng tiền trước, điều này đã gây ra những bất lợi khi DN lựa chọn nhà cung cấp Việt. Chính vì thế, các DN mong muốn được hỗ trợ thuế để có thể cạnh tranh minh bạch, bình đẳng, công bằng với các DN trong chuỗi cung ứng.