Phát triển Điểm bán hàng Việt Nam cố định Nét mới của Tuyên Quang
60% hàng hóa tại Cửa hàng thôn Cây Chanh là hàng Việt Nam |
Ông Lộc Lim Liễn – Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Tuyên Quang cho biết, sau 6 năm triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, nhận thức của người tiêu dùng Tuyên Quang về hàng hóa đã nâng lên rõ rệt. Doanh nghiệp đã chủ động mua bán, kinh doanh, người dân đã chủ động mua sắm, sử dụng hàng Việt Nam.
Nhằm đưa hàng Việt Nam đến tay người tiêu dùng khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa, Sở Công Thương Tuyên Quang đã phối hợp với UBND các huyện, thành phố khảo sát để xây dựng các Điểm bán hàng Việt Nam cố định, trong đó tập trung vào các chợ nông thôn, khu dân cư tập trung và khu công nghiệp… Theo đó, Sở Công Thương đã chọn được 2 cơ sở để xây dựng Điểm bán hàng Việt Nam cố định là Cửa hàng thương mại Sơn Dương thuộc Siêu thị của Công ty CP Khoáng sản Tuyên Quang - thị trấn Sơn Dương – huyện Hàm Yên và Cửa hàng thương mại thôn Cây Chanh 2 – xã Đức Ninh – huyện Hàm Yên.
Đoàn công tác của Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công Thương làm việc tại Cửa hàng Thương mại Sơn Dương |
Để phát huy vai trò của Điểm bán hàng Việt Nam, nhiều hoạt động đã được triển khai như Hội nghị tại thành phố Tuyên Quang để phổ biến về mô hình Điểm bán hàng Việt Nam với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” và kết nối giao thương giữa các đơn vị tham gia; Tổ chức tuyên truyền trên báo Tuyên Quang và Đài Phát thanh truyền hình tỉnh. Mỗi điểm bán cũng được hỗ trợ 40 triệu đồng để dựng biển, đầu tư kệ bán để bày hàng…
Chia sẻ về hiệu quả của Điểm bán hàng Việt Nam, ông Nguyễn Tất Thắng – Phụ trách bán hàng tại Cửa hàng thương mại Sơn Dương cho biết, do nhu cầu của người tiêu dùng lớn, tỷ lệ hàng Việt tại Điểm bán hàng Việt Nam lên đến hơn gần 70%. Trước đây, khi chưa xây dựng Điểm bán hàng Việt Nam, do hàng hóa được bày lẫn vào nhau nên bà con khó khăn khi nhận biết đâu là hàng hóa Việt Nam. Sau này, khi xây dựng điểm bán hàng, hàng hóa đã được chia thành từng quầy rõ ràng. Nhờ đó, bà con dễ nhận biết hơn, tốc độ tiêu thụ hàng Việt ngày càng khả quan hơn.
Bà Vũ Thị Kim Liên – Chủ Cửa hàng thương mại thôn Cây Chanh 2 khẳng định thêm: “Bà con mình giờ đây thích dùng hàng Việt hơn trước rất nhiều. Thậm chí, khi hỏi rõ nguồn gốc hàng hóa, biết là hàng Trung Quốc, bà con đã từ chối mua và chủ động lựa chọn hàng Việt Nam mặc dù có giá cao hơn. Hiện nay, cửa hàng đang phục vụ bà con các xã Thái Hòa, Hồng Đức, Đức Ninh, trong đó một nửa là bà con dân tộc thiểu số”.
Đánh giá cao 2 mô hình Điểm bán hàng Việt Nam cố định này, ông Võ Văn Quyền – Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho hay, yếu tố đáng khen ngợi nhất của 2 Điểm bán hàng này là nằm sâu trong khu dân cư, phục vụ tốt cho bà con vùng sâu, vùng xa, vùng còn khó khăn. Bên cạnh đó, hàng hóa đã đáp ứng tiêu chí là hàng Việt Nam, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Biển hiệu, trang trí giúp điểm bán nổi bật, dễ tạo sự thu hút.
Để phát huy cao nhất hiệu quả của các điểm bán này, ông Quyền đề nghị, do kết cấu hàng hóa chưa đồng bộ cho nên đôi khi vẫn lẫn hàng hóa nhập khẩu với hàng Việt Nam. Cho nên, cần có riêng khu hàng Việt Nam và hàng nhập khẩu để người tiêu dùng không bị nhầm lẫn. Đồng thời, đo hiệu ứng của Điểm bán hàng Việt Nam, từ đó tiếp tục tuyên truyền, cải thiện phương thức bán hàng để làm sao nhiều người tiêu dùng tiếp tục chọn mua hàng Việt Nam. Đặc biệt, cần đẩy mạnh xã hội hóa, huy động sự vào cuộc của DN để tiếp tục xây dựng, nhân rộng mô hình Điểm bán hàng Việt Nam.
Đoàn làm việc tại Cửa hàng Thương mại thôn Cây Chanh 2 |
Cửa hàng thương mại Sơn Dương hút khách mua hàng Việt |