Chợ Bùi (xã Quảng Giao, huyện Quảng Xương) được xây dựng khang trang |
Theo đại diện Sở Công Thương tỉnh Thanh Hóa, trước năm 2010, phần lớn các chợ, nhất là ở khu vực nông thôn, miền núi của tỉnh chỉ được xây dựng bán kiên cố hoặc chợ tạm. Việc đầu tư xây mới, cải tạo gặp rất nhiều khó khăn do nguồn vốn ngân sách hạn hẹp, quản lý yếu kém, hiệu quả thấp. Trước những bất cập trên, tỉnh đã kêu gọi đầu tư xây dựng và chuyển đổi mô hình hoạt động. Đến nay, toàn tỉnh đã có 67 chợ được chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh, khai thác và đầu tư xây dựng mới từ nguồn xã hội hóa với tổng số vốn huy động khoảng 775 tỷ đồng.
Hệ thống chợ được đầu tư khang trang, thuận tiện đã và đang góp phần đẩy mạnh hoạt động giao thương, tạo thành điểm trung chuyển hàng hóa. Việc chuyển đổi mô hình quản lý cũng đã giúp hoạt động khai thác, kinh doanh tại chợ hiệu quả hơn; hoạt động kết nối, tiêu thụ sản phẩm nông sản, thực phẩm cũng thuận lợi.
Có được sự thay đổi nhanh chóng của hệ thống chợ là do Thanh Hóa đã xây dựng và triển khai nhiều chính sách hấp dẫn, khuyến khích và huy động được nguồn vốn xã hội hóa từ doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia đầu tư xây dựng, quản lý, kinh doanh, khai thác chợ. Tăng cường hoạt động giao thương, kết nối tiêu thụ sản phẩm giữa các cơ sở sản xuất, kinh doanh, giảm bớt khâu trung gian trong lưu thông hàng hóa. Triển khai nhân rộng Dự án Xây dựng mô hình thí điểm chợ bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm, tập trung vào các chợ chuyển đổi nhằm hỗ trợ các hộ tiểu thương. Nghiên cứu nhân rộng mô hình hỗ trợ bố trí 1 quầy trong chợ và miễn tiền thuê quầy trong vòng 6 tháng để thu hút các tiểu thương kinh doanh hoặc giới thiệu sản phẩm thực phẩm an toàn.
Xác định chợ nông thôn là một trong những tiêu chí quan trọng trong Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), tỉnh Thanh Hóa đặt mục tiêu đến năm 2020 phấn đấu có 5 huyện và 60% số xã đạt chuẩn. Theo đó, để hoàn thành mục tiêu đề ra, bên cạnh việc tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển hệ thống chợ đã có, tỉnh đã xây dựng cơ chế hỗ trợ xây dựng huyện NTM giai đoạn 2016 - 2020. Cơ chế này thực hiện theo định hướng hỗ trợ kinh phí để các địa phương chủ động lựa chọn nội dung. Cụ thể, mỗi năm, tỉnh hỗ trợ nhân rộng 2.000 mô hình sản xuất thuộc các lĩnh vực trồng trọt, lâm nghiệp, chăn nuôi, thủy sản và ngành nghề nông thôn với kinh phí tối đa không quá 3 tỷ đồng. Với các huyện được chọn xây dựng huyện NTM, sẽ được hỗ trợ 30 tỷ đồng bắt đầu từ năm 2017. Đối với các huyện không đăng ký nhưng đến năm 2020 hoàn thành xây dựng huyện NTM, cũng được tỉnh hỗ trợ với mức tiền 30 tỷ đồng.
Nhằm đạt mục tiêu đến năm 2020 có 5 huyện và 60% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, Thanh Hóa tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển hệ thống chợ, đồng thời hỗ trợ kinh phí cho các địa phương chủ động thực hiện. |