Phòng vệ thương mại trong hội nhập kinh tế quốc tế: Bảo vệ lợi ích chính đáng Phòng vệ thương mại: Không tiếp tay cho gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp |
Xuất khẩu tăng nhanh, nhất là sau khi Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được thực thi nên hàng hóa Việt Nam đang vào “tầm ngắm” sử dụng biện pháp phòng vệ thương mại từ thị trường Mexico.
Cơ hội và rủi ro
Thương vụ Việt Nam tại Mexico cho biết, số liệu của Bộ Kinh tế Mexico, 5 tháng đầu năm thương mại Mexico - Việt Nam đạt 4,4 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu 4,3 tỷ, tăng 38,9% so với cùng kỳ năm ngoái và Mexico xuất sang Việt Nam hơn 120 triệu USD, tăng 113% so với cùng kỳ 2022. Hiện nay, cán cân thương mại giữa Việt Nam và Mexico đang nghiêng về phía Việt Nam quá nhiều, theo số liệu của Việt Nam năm 2021 cán cân thương mại nghiêng về Việt Nam 9 lần và nếu tính theo số liệu của Mexico hơn 50 lần.
Doanh nghiệp xuất khẩu cần chuẩn bị trước cho khả năng bị tiến hành điều tra phòng vệ thương mại |
Bên cạnh những lợi ích tích cực khi xuất khẩu sang trị trường rộng lớn, tiềm năng, tuy nhiên, Thương vụ Việt Nam tại Mexico đã cảnh báo, phía Mexico bắt đầu sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại để ép Việt Nam mở cửa cho một số sản phẩm của họ vào nước ta. Cụ thể là tháng 8/2021 phía Mexico bắt đầu chấp nhận đơn kiện của các công ty sản xuất thép Mexico đối với mặt hàng thép cán mạ có nguồn gốc từ Việt Nam.
Đến nay, theo Thương vụ Việt Nam tại Mexico, phía Việt Nam đã cung cấp đầy đủ thông tin theo nhà chức trách Mexico yêu cầu và phía bạn chuẩn bị ra phán quyết sơ bộ thì đến ngày 12/7 vừa qua, nước này lại tiếp tục thông báo chuẩn bị đưa vào điều tra chống bán phá giá đối với mặt hàng thép cán nguội của Việt Nam.
“Các doanh nghiệp đang xuất khẩu thép cán mạ và cán nguội sang Mexico cần chú ý nghe ngóng thông tin và quyết định có nên tiếp tục xuất khẩu mặt hàng này sang Mexico hay không, tránh trường hợp hàng đến Mexico bị áp thuế bán phá giá sẽ gây thiệt hại cho doanh nghiệp” - Thương vụ Việt Nam tại Mexico lưu ý.
Tăng cảnh báo
Thị trường Mexico là một thị trường lớn, với 128 triệu dân, là một nền kinh tế lớn trên thế giới nhưng tỷ lệ chênh lệch giàu, nghèo lớn, người dân có thu nhập thấp và trung nhiều hơn và phù hợp với đa số hàng hóa xuất khẩu Việt Nam. Thương vụ Việt Nam tại Mexico cho biết, ngoài các mặt hàng Việt Nam có thế mạnh và chiếm tỷ lệ phần trăm lớn như linh kiện điện tử, điện thoại, linh kiện máy móc các loại thì các mặt hàng quần áo, giày dép, sản phẩm làm từ sao su, nhựa, các loại thép cán, thủy, hải sản (trừ tôm đang bị cấm nhập khẩu) cũng là những mặt hàng đang phát triển tốt tại Mexico.
Với tiềm năng xuất khẩu hiện có, không chỉ mặt hàng thép đang bị thị trường Mexico điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại, mà tới đây, nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này đối diện các nguy cơ, rủi ro tương tự. Theo thống kê của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), tính đến hết tháng 6/2021, Mexico đã điều tra tổng cộng 276 vụ việc và áp dụng 154 biện pháp phòng vệ thương mại. Mặc dù Mexico chưa áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại nào với Việt Nam, song Cục phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) đã khuyến cáo tới các doanh nghiệp, đó là khi Hiệp định CPTPP được thực thi (Mexico là thành viên) việc nâng cao cảnh báo về điều tra phòng vệ thương mại từ thị trường này là hết sức quan trọng.
Theo đó, đối với các thị trường xuất khẩu trọng điểm như Mexico, doanh nghiệp cần có những rà soát và cảnh báo sớm về nguy cơ bị điều tra các vụ việc phòng vệ thương mại; theo dõi xu hướng điều tra áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại của nước xuất khẩu. Với những thị trường thường xuyên sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, doanh nghiệp cần có những phương án chuẩn bị ngay từ giai đoạn tiếp cận thị trường, đồng thời theo dõi về lượng nhập khẩu hàng hóa của nước này, để tự có những phân tích cảnh báo.
Hiện nay, các biện pháp phòng vệ thương mại của Mexico được quy định chung trong Luật Ngoại thương 1993 và văn bản hướng dẫn luật. Cũng cùng quan điểm với các thành viên khác, Mexico cho rằng biện pháp chống bán phá giá và biện pháp chống trợ cấp là những biện pháp chống lại cạnh tranh không công bằng, còn biện pháp tự vệ là biện pháp áp dụng với điều kiện thương mại công bằng. Do đó, trong quy định pháp luật, Mexico cũng chia thành hai nhóm biện pháp: Điều tra biện pháp tự vệ và điều tra chống bán phá giá/chống trợ cấp.
Ông Chu Thắng Trung - Phó Cục trưởng Cục phòng vệ thương mại cho biết: “Về phía Bộ Công Thương, định kỳ hàng quý, Cục phòng vệ thương mại đều cập nhật và thông báo công khai danh sách cảnh báo để các cơ quan chức năng, các hiệp hội, doanh nghiệp và các bên liên quan khác có định hướng cụ thể, chuẩn bị trước cho khả năng bị nước ngoài tiến hành điều tra phòng vệ thương mại”.
Ông CHU THẮNG TRUNG - Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại: Trong bối cảnh các nước có xu hướng áp dụng các quy định chặt chẽ hơn trong việc xác định xuất xứ để áp dụng biện pháp bảo hộ, đặc biệt là ngăn chặn các hành vi lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại thì giải pháp lâu dài, hữu hiệu nhất là nâng cao hàm lượng giá trị gia tăng của chuỗi sản xuất trong nước. |