Tỉnh Quảng Bình đang nỗ lực "kéo" du khách đến với địa phương một cách mạnh mẽ. Ảnh minh họa |
Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Bình sẽ tiếp tục chỉ đạo nâng cao chất lượng dịch vụ các khu, tuyến, điểm du lịch đã khai thác, như: Chinh phục Sơn Đoòng - hang động lớn nhất thế giới; Hang Va, hang Nước Nứt - những trải nghiệm khác biệt; Rào Thương - hang Én; khám phá hệ thống hang động Tú Làn - hang Tiên, động Thiên Đường, động Phong Nha, động Tiên Sơn, suối Nước Moọc, Vườn thực vật; Sông Chày - hang Tối; nghiên cứu và phát triển thêm các tuyến, điểm du lịch mới như tuyến du lịch động Thiên Đường - Giếng Trời, thung lũng Sinh Tồn - xuyên hang Tối 6.000m, khai thác thử nghiệm tuyến du lịch khám phá thiên nhiên thung lũng Ha Ma Đa - hang Trạ Ang, mở rộng tuyến Rào Thương - hang Én đến hang Nước Lạnh, góp phần từng bước xây dựng Quảng Bình trở thành “kinh đô” du lịch mạo hiểm của Đông Nam Á.
Mặt khác, Quảng Bình cũng đang triển khai khảo sát để nghiên cứu khai thác tuyến du lịch trải nghiệm thác Tam Lu, điểm du lịch Khe Nước Trong (huyện Lệ Thủy), Suối Tam Cấp (Quảng Trạch), Hồ Rào Đá (Quảng Ninh) và các khu du lịch nghỉ dưỡng khu vực Phong Nha - Kẻ Bàng... Đại diện Sở Du lịch Quảng Bình cho biết, trong quá trình khai thác điểm đến, sẽ luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để cộng đồng dân cư địa phương được tham gia kinh doanh trong các khu, điểm du lịch; tận dụng các nguồn nguyên liệu địa phương nhằm tạo nét độc đáo về văn hóa cũng như nâng cao thu nhập cho nhân dân trong vùng...
Quảng Bình là địa phương có nhiều lợi thế, tiềm năng phát triển du lịch hàng đầu ở Việt Nam, như: có Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng đã 2 lần được UNESCO vinh danh là Di sản thiên nhiên thế giới; được mệnh danh là “vương quốc hang động” vùng núi đá vôi Phong Nha - Kẻ Bàng với hệ thống địa mạo được hình thành trên 400 triệu năm, chứa đựng trong lòng hơn 300 hang động lớn nhỏ có giá trị hàng đầu thế giới như động Sơn Đoòng lớn nhất thế giới. Quảng Bình còn có bờ biển dài nhất Việt Nam (116km) với nhiều bãi tắm đẹp, hoang sơ, nước trong cát mịn, như: Nhật Lệ, Bảo Ninh, Quang Phú, Đá Nhảy… Là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa, lịch sử độc đáo như ca trù, chùa Hoằng Phúc, đền thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh, hò khoan Lệ Thủy…
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình - ông Trần Tiến Dũng, trong những năm qua, du lịch Quảng Bình đã có sự tăng trưởng ấn tượng và bước đầu khai thác có hiệu quả một số tài nguyên du lịch nổi bật và vươn lên trở thành một trong những điểm sáng của du lịch Việt Nam. Trong giai đoạn 2011-2016, du lịch Quảng Bình đã đón hơn 13,2 triệu lượt khách, tốc độ tăng trưởng bình quân trên 25%.
Tuy nhiên, du lịch Quảng Bình vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Đó là tính mùa vụ của du lịch Quảng Bình vẫn còn cao. Mùa mưa bão kéo dài 5 tháng (từ tháng 10 năm trước sang hết tháng 2 năm sau) làm giảm lượng khách đến tham quan du lịch trong thời gian này. Là một tỉnh có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch, nhưng nội lực về kinh tế thấp, việc huy động các nguồn lực bên trong cho việc đầu tư phát triển du lịch không cao nên gặp khó khăn trong việc thu hút các dự án đầu tư phát triển du lịch trong nước và nước ngoài. Đặc biệt, sự cố môi trường biển và thiệt hại do thiên tai gây ra đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của ngành du lịch.
Vượt lên những khó khăn của năm 2016, Quảng Bình đang duy trì và chuẩn bị các tiền đề cho việc phục hồi và phát triển du lịch trong năm 2017. Đặc biệt, việc Bộ Tài nguyên Môi trường đã công bố môi trường biển miền Trung đã an toàn trên cơ sở phân tích nước giữa và nước mặt, trầm tích đáy, màng bám hệ keo sắt. Các hoạt động đánh bắt, nuôi trồng thủy sản, du lịch, tắm biển có thể tiến hành bình thường. Với những tín hiệu vui này, lãnh đạo tỉnh Quảng Bình kỳ vọng mục tiêu đón 3 triệu lượt khách (trong đó có 80.000 lượt khách quốc tế), tổng doanh thu du lịch đạt khoảng 3.000 tỷ đồng) trong năm 2017; xây dựng Quảng Bình là một trong những trung tâm du lịch lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á... sẽ sớm trở thành hiện thực trong tương lai không xa.
TIN LIÊN QUAN | |