Báo cáo với Thủ tướng Chính phủ cùng đoàn công tác về kết quả phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ninh, ông Nguyễn Văn Đọc - Bí thư Tỉnh ủy - cho biết: 6 tháng đầu năm 2018 tăng 10,16%, dự kiến cả năm 2018 tăng trên 11%. GRDP bình quân đầu người đạt 5.065 USD/người/năm (gấp đôi bình quân cả nước), tăng bình quân 9,1%/năm. Năng suất lao động tăng bình quân 10,6%/năm. Thu ngân sách luôn nằm trong nhóm 5 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước; cơ cấu thu có sự chuyển dịch mạnh, tăng tỷ trọng thu nội địa và giảm dần tỷ trọng thu từ xuất nhập khẩu. 8 tháng năm 2018, tổng thu ngân sách ước đạt hơn 27.800 tỷ đồng. Đến tháng 8, toàn tỉnh có 16.680 doanh nghiệp, vốn đăng ký 180.000 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Văn Đọc, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND Quảng Ninh báo cáo với Thủ tướng Chính phủ cùng đoàn công tác tình hình kinh tế-xã hội của tỉnh |
Hiện nay, Quảng Ninh đang đẩy mạnh tái cơ cấu gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng từ “nâu” sang “xanh”, lấy phát triển du lịch, dịch vụ làm trung tâm với cơ cấu chiếm gần 43%. 8 tháng năm 2018 tổng số khách du lịch đạt 9,2 triệu lượt, tăng 25% cùng kỳ (trong đó khách quốc tế đạt 3,2 triệu lượt, tăng 18% cùng kỳ).
Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên của cả nước thí điểm cải cách bộ máy hành chính; tập trung xây dựng thể chế và cải cách hành chính, tách dần dịch vụ công ra khỏi quản lý nhà nước; xây dựng chính quyền điện tử, vận hành hiệu quả Trung tâm Hành chính công cấp tỉnh, cấp huyện, liên kết đến cấp xã; cắt giảm 40% thời gian giải quyết so với quy định; cung cấp 80% dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3 và 4. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Quảng Ninh trong 5 năm qua luôn duy trì ở vị trí cao. Năm 2016 đạt vị trí thứ 2, năm 2017 dẫn đầu các tỉnh, thành phố cả nước.
Phát biểu tại buổi làm việc, lãnh đạo các bộ, ngành đánh giá cao sự năng động của Quảng Ninh. Các ý kiến đều đồng tình với hướng phát triển mạnh mẽ lĩnh vực du lịch, dịch vụ của tỉnh, tuy nhiên cần chú ý bảo vệ môi trường vịnh Hạ Long; kiểm soát tình trạng buôn lậu và gian lận thương mại... Tốc độ phát triển đô thị Quảng Ninh nhanh gấp đôi cả nước, nhưng cần cân đối hợp lý với diện tích đất đô thị. Tỉnh cũng cần khai thác tốt cơ sở hạ tầng, trong đó có sân bay Vân Đồn, để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải trả lời một số kiến nghị của tỉnh Quảng Ninh |
Thay mặt Bộ Công Thương,Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải giải quyết kiến nghị của tỉnh Quảng Ninh về việc cho phép tỉnh và Công ty cổ phần Tập đoàn Thành Công triển khai đầu tư Dự án Khu công nghiệp Việt Hưng (Giai đoạn II) theo hướng phát triển thành Khu công nghiệp hỗ trợ và được hưởng các cơ chế, chính sách. Thứ trưởng cho biết, Bộ Công Thương hoàn toàn ủng hộ việc Quảng Ninh đề xuất triển khai dự án này và coi đây là rất phù hợp với quan điểm phát triển chung của ngành công nghiệp hỗ trợ. Đây cũng là sự hỗ trợ cần thiết cho các nhà cung ứng trong các ngành công nghiệp ưu tiên và là cốt lỗi của của chính sách phát triển công nghiệp Việt Nam - cũng là cách để thu hút trực tiếp nước ngoài FDI vào ngành công nghiệp hỗ trợ. Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đề nghị tỉnh Quảng Ninh phối hợp hơn nữa với Bộ Công Thương cùng các bộ, ngành liên quan để tiếp tục triển khai dự án này.
Cùng với đó là nội dung quan tâm tháo gỡ khó khăn để ngành Than tiếp tục phát triển. Thứ trưởng nêu rõ, ngành Than có đặc thù rất lớn với hơn 100.000 lao động, đi theo đó là hơn 400.000 người, cho nên đánh giá sâu về ngành Than không chỉ nhìn vào hiệu quả kinh tế thông thường mà quan trọng là phải tạo ra công ăn việc làm và nhìn vào tổng thể để tạo sự ổn định chính trị xã hội. Trong 8 tháng đầu năm 2018, ngành Than đã có kết quả rất tốt và đang xin Chính phủ sản xuất thêm 2 triệu tấn than, đồng thời 2 dự án bô-xít mà Bộ Chính trị phê duyệt đã nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành, đến nay đang hoạt động rất tốt, khả năng trong năm 2018 và 2019 chắc chắn sẽ có hiệu quả.
Thống nhất cao với những đánh giá của các Bộ, ngành, Thủ tướng biểu dương những nỗ lực, những cách làm đột phá, sáng tạo, tư duy dám nghĩ dám làm và giá trị đem lại đối với xã hội mà Đảng bộ, chính quyền tỉnh Quảng Ninh đã làm được trong thời gian qua. Thủ tướng nhận định, sự chuyển đổi phát triển của Quảng Ninh từ “nâu” sang ”xanh” cũng chính là hành trình chuyển đổi phát triển của Việt Nam.
Thủ tướng cho rằng, sự phát triển của Quảng Ninh là khá toàn diện trên mọi lĩnh vực, đặc biệt là tốc độ phát triển kinh tế tăng cao liên tục nhiều năm liền; thu nhập bình quân đầu người gấp đôi mức bình quân cả nước; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực trên cơ sở lợi thế sẵn có. Ngoài tốc độ tăng trưởng kinh tế cao thì Quảng Ninh là tỉnh đứng nhóm 5 tỉnh dẫn đầu cả nước về thu ngân sách, trong đó thu nội địa chiếm tỷ trọng lớn. Tỉnh coi trọng phát triển kinh tế và giữ gìn môi trường và đưa tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 2%. Quảng Ninh cũng đã vươn lên đứng nhóm đầu cả nước về PCI và vươn lên đứng thứ 1 năm 2017.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc kết luận buổi làm việc |
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ rõ những hạn chế, thách thức của Quảng Ninh như: Chưa khai thác được hết tiềm năng, thế mạnh; hệ thống các doanh nghiệp chưa thực sự lớn mạnh, có sức cạnh tranh cao; dịch vụ công nghệ cao còn yếu; thiếu nguồn nhân lực; nguy cơ buôn lậu, gian lận thương mại cao; nhiều thách thức trong phát triển bền vững, bảo vệ môi trường; chênh lệch giàu nghèo giữa thành thị và vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo; vấn đề bảo vệ độc lập chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ..., Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo tỉnh cần tiếp tục quyết tâm, tiên phong trong nhiều lĩnh vực, trở thành cực tăng trưởng, tạo động lực phát triển kinh tế cho các tỉnh, thành trong cả nước.
Ngoài ra, Quảng Ninh cũng cần phát triển kinh tế cửa khẩu, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư và người dân giao thương với địa phương của Trung Quốc…
Tỉnh cần chú trọng phát triển đô thị, một động lực tăng trưởng mới của tỉnh. Tiếp tục nghiên cứu và cụ thể hóa các điều kiện xây dựng Vân Đồn thành đô thị biển đảo xanh, hiện đại, thông minh, phấn đấu đến năm 2050, Vân Đồn trở thành một trong những động lực kinh tế của Việt Nam, nằm trong nhóm dẫn đầu về thành phố đáng sống của Châu Á-Thái Bình Dương.
Để Quảng Ninh trở thành điểm đến hấp dẫn với các nhà đầu tư, du khách, Thủ tướng nhấn mạnh, Quảng Ninh cần phải tiếp tục cải cách hành chính; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ gắn liền với xây dựng đô thị xanh – sạch - đẹp; đồng thời tiếp tục tái tạo cơ cấu nền kinh tế, phát triển du lịch dịch vụ đẳng cấp cao, công nghiệp chế biến, chế tạo và nông nghiệp chất lượng cao, giảm tối đa tác động đến tài nguyên du lịch. Bên cạnh đó, cần quan tâm hơn nữa đến an sinh xã hội, rút ngắn khoảng cách giữa các vùng miền; chú trọng công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị và bảo vệ quốc phòng an ninh.
Thủ tướng kỳ vọng Quảng Ninh tiếp tục đi tiên phong, trở thành nguồn cảm hứng và bài học kinh nghiệm cho các tỉnh, thành phố khác trên cả nước trên một số khía cạnh. Đó là sáng kiến cải cách thể chế; khơi thông các nút thắt phát triển cơ sở hạ tầng và huy động vốn từ xã hội; tiếp tục đột phá tái cơ cấu kinh tế gắn liền với mô hình tăng trưởng bên cạnh phát triển đô thị xanh, sạch, thông minh...