Trong Chương trình khuyến công Quảng Trị giai đoạn 2021-2025 đã được phê duyệt, UBND tỉnh chủ trương huy động mọi nguồn lực cho triển khai công tác này. Cụ thể, trong tổng kinh phí thực hiện dự kiến 45,88 tỷ đồng, nguồn kinh phí khuyến công quốc gia hỗ trợ 15,9 tỷ đồng; kinh phí khuyến công địa phương 16,48 tỷ đồng. Quảng Trị cũng huy động cả nguồn kinh phí của cấp huyện cho thực hiện các hoạt động khuyến công với mức bình quân từ 200-400 triệu đồng/năm.
Nhiều cơ sở sản xuất được hỗ trợ từ nguồn vốn khuyến công |
Nguồn kinh phí này sẽ được các đơn vị có nhiệm vụ xây dựng từ 10 - 12 mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới, công nghệ mới; hỗ trợ 90 - 100 đề án chuyển giao công nghệ, kỹ thuật, ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất. Riêng với 2 nội dung này, khuyến công Quảng Trị ưu tiên ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất sản phẩm mới; công nghệ tiết kiệm nguyên vật liệu, giảm thiểu ô nhiễm môi trường; nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả.
Nguồn kinh phí cũng sẽ được dùng để triển khai 10 - 12 đề án sản xuất sạch hơn trong công nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng nguyên liệu, giảm thiểu ô nhiễm môi trường; hỗ trợ đào tạo tay nghề cho khoảng 300 lao động địa phương; xây dựng, bảo hộ 10 thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa của địa phương…
Ngay từ đầu năm 2021, mặc dù dịch Covid-19 hoành hành, gây nhiều trở ngại cho triển khai công tác khuyến công, tuy nhiên với sự chủ động và linh hoạt, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh (trung tâm khuyến công) đã phối hợp thực hiện và hoàn thành nhiều hoạt động. Mới đây, trung tâm khuyến công đã tổ chức nghiệm thu 3 đề án tại huyện Hướng Hóa gồm: Ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào chế biến cà phê thành phẩm tại vùng nguyên liệu, thực hiện tại hộ kinh doanh Nguyễn Duy Phương, xã Hướng Phùng; Ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất mộc mỹ nghệ thực hiện tại hộ kinh doanh Nguyễn Thái Hồ, xã Tân Long; Ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất cửa nhôm xingfa thực hiện tại hộ kinh doanh Lê Thị Thúy An, xã Tân Hợp.
Theo báo cáo từ các đơn vị thụ hưởng, vượt qua khó khăn do dịch bệnh gây ra, các cơ sở đã sớm đưa máy móc vào hoạt động, khai thác. Bình quân mỗi ngày các máy móc, thiết bị đạt công suất từ 20-30m2 cửa - vách ngăn nhôm xingfa/ngày (đạt khoảng 400m2/tháng); 100-150 kg cà phê thành phẩm/ngày (đạt khoảng 2 tấn/tháng); 8-15 chi tiết mộc mỹ nghệ/ngày với chất lượng tốt, đồng đều, đáp ứng yêu cầu khách hàng.
Được biết, bên cạnh sự chủ động của đội ngũ cán bộ làm công tác khuyến công, để đảm bảo hiệu quả cho các đề án khuyến công năm 2021 cũng như hiệu quả của chương trình khuyến công cả giai đoạn, Quảng Trị rất coi trọng vai trò và đóng góp của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn. Theo đó, để huy động nguồn lực của đối tượng, tỉnh sẽ thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường hỗ trợ đầu tư thông thoáng, thuận lợi để thu hút các nguồn vốn đầu tư; tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân được thụ hưởng chính sách khuyến công, bố trí đủ nguồn vốn đối ứng để triển khai thực hiện các chương trình, đề án; ưu tiên các đề án có suất đầu tư cao hơn trong cùng một nội dung nhằm thu hút đầu tư của các thành phần kinh tế.
Quảng Trị huy động đa dạng nguồn kinh phí cho triển khai, đồng thời đảm bảo hiệu quả cho Chương trình khuyến công tỉnh giai đoạn 2021-2025. |