Nội trợ là công việc chủ yếu của những ô-sin xuất ngoại bằngvisa du lịch.
CôngThương - Với họ, đi làm ngắn hạn (3 tháng) sau khi trở về có ít tiền tích lũy và hiển nhiên họ coi đó cuộc xuất ngoại đi “du lịch” miễn phí.
Cả họ được... xuất ngoại
Quanh năm "bán mặt cho đất, bán lưng cho giời", chị Nguyễn ThịHuệ (Bình Định, Kiến Xương, Thái Bình) chỉ biết "ôm" mấy sào ruộng, kiếm vài tạ thóc để tằn tiện lo trang trải cho cuộc sống gia đình.
Chị cũng đã nhiều lần lên thành phố kiếm một công việc an nhàn hơn, không phải đầu tắt mặt tối. Thế nhưng, dù đã làm nhiều nghề nhưô-sin, giúp việc theo giờ... nhưng tiền dành dụm được cũng chẳng đáng là bao. Đắn đo, suy nghĩ, chị lại khăn gói quả mướp về quê, lại bám chặt với đồng ruộng.
Tình cờ, năm 2009, có một lần sang nhà hàng xóm chơi, chị Huệ được giới thiệu có chị Hà Thị Thu (người cùng quê, định cư tại nước ngoài) cần thuê giúp việc theo thời vụ (3 tháng theo hạn visa-PV) ở Singapore, lương 5-7 triệu đồng/tháng, chị Huệ khấp khởi mừng.
Chị Huệ phân trần: "Ở quê biết bao giờ cho kiếm số tiền lớn như vậy. Trông con, giúp việc nhà cũng không quá vất vả. Sau một thời gian sang "Sing" trở về, tôi cũng có ít vốn dắt lưng phòng khi ốm đau. Dù không muốn xa nhà, nhưng tôi vẫn quyết định xuất ngoại làm ô-sin ngắn hạn cũng coi như đi du lịch miễn phí".
Hiện tại, chị Huệ đang giúp việc cho một gia đình ở phố Trung Kính (Hà Nội), sau khi đi làm "ô-sin du lịch" từ Singapore về hồi tháng 3/2011. Chị Huệ kể: "Quê tôi nhiều người đi "du lịch" kiểu này lắm! Nói là đi du lịch, nhưng thực chất chúng tôi đi làm giúp việc, trông con cho người Việt định cư ở bên đó. Tất thảy thủ tục visa, tiền vé máy bay chủ nhà sẽ lo hết. Hết thời gian gia hạn visa, chủ nhà sẽ làm thủ tục xin gia hạn. Nói chung là "bao trọn gói', chúng tôi sẽ được nhận lương theo đúng thỏa thuận".
Theo lời kể của chị Huệ, chị đã 3 lần sang Singapore giúp việc cho gia đình chị Thu (Thu lấy chồng "Sing" được 12 năm - PV). Từ năm 2007, khi đứa con trai lớn mới lọt lòng đến nay chị Thu đã thuê tới 13 người giúp việc. Chị Thu làm nhân viên thu ngân tại siêu thị, công việc bận rộn, không có nhiều thời gian chăm sóc con cái. Chồng Thu lại làm giám đốc doanh nghiệp nên bận tối mắt. Vì thế, chị Thu muốn tìm người giúp việc đỡ đần việc nhà.
Tuy thế, chị Thu lại chỉ kén người giúp việc là người Việt. Chị thường xuyên liên lạc về quê nhờ người thân tìm giúp. Mới đầu ai cũng e ngại, sợ nơi đất khách quê người, không dám đi. Chị Thu đã nài nỉ những người trong họ, làm nghề nông vất vả, tranh thủ sang giúp việc thời vụ cho chị một thời gian. Chị Huệ hóm hỉnh: "Thế mới có chuyện, làng tôi, đã có trường hợp cả họ được đi "du lịch" rồi đấy. Hầu hết họ sang giúp việc cho người thân quen ở Sing".
Chị Huệ bảo rằng, từ ngày chị sang "Sing" giúp việc cho chị Thu,chị như một quản gia chính hiệu. Chị Huệ còn khoe, hễ có ai ở bên “Sing” là người Việt khi cần tìm người giúp việc và chăm sóc em bé cho một gia đình nào đó, chị lại mách nhỏ cho những người cùng cảnh lam lũ, vất vả ở quê.
Nở rộ nhưng nhiều bất trắc
Không chỉ riêng chị Huệ mà cả vùng quê Thái Bình phong trào đi "ô-sin du lịch" rất... rộ. Hễ có ai mách có mối đi giúp việc, chăm sóc trẻ làsẽ có người nhận lời ngay. Theo lời kể của chị Nguyễn Thu Ninh (Thái Thụy, Thái Bình), việc đi làm giúp việc ở "Sing" chỉ ngại thời gian ra hạn visa không được dài chứ nếu có xuất khẩu lao động sang đó chị cũng muốn đi. Ninh sinh ra trong một gia đình nghèo ở Thái Thụy. Nhà nghèo, Ninh chỉ học hết cấp II rồi nghỉ.
Cuối tháng 7 vừa qua,Ninh trở về nước sau đợt làm ô- sin cho một gia đình người Việt ở quận Kreta Ayer. Ninh tự giới thiệu khi còn ở "Sing" cô từng làm công việc chăm sóc em bé, nấu ăn... nên đã có kinh nghiệm. Mức lương Ninh đưa trả là 7 triệu đồng/tháng.
Nhưng vì cô sang “Sing” bằng visadu lịch nên cũng chỉ làm theo thời vụ. Theo cam kết trước khi về, Ninh phải giới thiệu một người giúp việc khác.Thế là, người đi trước kéo theo người đi sau, tạo thành phong trào đi làm "ô - sin du lịch".
Khi được hỏi về việc nhiều người chọn hình thức đi du lịch sang nước ngoài làm việc, đại diện Cục Quản lý Lao động ngoài nước Bộ LĐ-TB&XH cho biết, trường hợp mà báo đề cập là những người thân quen, còn việc môi giới đi làm việc lại là chuyện hoàn toàn khác.
Cách đây không lâu một nhóm 25 lao động quê ở Hà Tĩnh và Nghệ An đã kéo tới Đại sứ quán Việt Nam tại Singapore nhờ giúp đỡ vì bị lừa đảo sang Singapore. Khi ấy, họ bịLê Thị Đào (quê Diễn Châu, Nghệ An) cùnghai người tên Nam và Khánh (ở TP. Vinh) và một người Singapore hứa hẹn đưa họ sang Singapore làm việc với mức lương 800 đôla Singapore/tháng.
Chỉ trong 4 ngày, Đào đã bốn lần đưa 25 lao động sang Singapore. Khi đi, mỗi lao động đã đóng cho Đào từ 3.000 USD trở lên. Tuy nhiên khi sang Singapore, họ không có việc làm như hứa hẹn vì họ được đưa qua Singapore bằng visa du lịch đơn thuần.
Đại diện Cục Quản lý Lao động ngoài nước cũng cảnh báo: "Người dân cũng không nên lựa chọn hình thức đi làm theo visa du lịch bởi nếu lỡ quá thời hạn gia hạn visa sẽ lại vi phạm pháp luật".
Làn sóng ngược, ô-sin nước ngoài đổ bộ vào Việt Nam Theo tìm hiểu của PV, cũng giống như người Việt dưới mác đi du lịch xuất ngoại làm ô- sin, người giúp việc, người nước ngoài cũng sang Việt Nam tìm việc làm. Ôsin Philippines hiện làm việc khắp khu vực An Phú, Thảo Điền (Q.2, TP.HCM) với mức lương 250 - 350 USD/tháng. Họ thuê nhà trọ ở thành từng nhóm, đông thì gần chục người /nhà, ít thì dăm ba người /phòng. Không chỉ làm ô-sin, họ còn làm công việc phục vụ, bán hàng, bán cà phê quanh các khu mua sắm dành cho người nước ngoài. Khác với những ô- sin Việt sang nước ngoài làm theo đường du lịch, hạn visa được chủ nhà lo cho không dài. Những ô- sin nước ngoài sang Việt Nam làm đều có visa đã gia hạn, người nào ít nhất cũng hai lần (họ bỏ tiền ra lo gia hạn visa). Có trường hợp lưu trú ít nhất một năm, nhiều nhất là ba năm. Phần lớn các ô- sin này đều nhập cảnh vào Việt Nam bằng đường du lịch, thăm hỏi thân nhân rồi ở lại làm việc. Khi các cơ quan chức năng kiểm tra, các đối tượng người nước ngoài lưu trú tại phường đều hợp pháp. |