Đây là hoạt động nhằm tăng cường công tác tuyên truyền, khuyến khích vận động các tầng lớp nhân dân tham gia bảo BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình, hướng tới mục tiêu BHXH, BHYT toàn dân.
Lễ ra quân được xây dựng và tổ chức theo 2 hình thức: trực tuyến và tuyên truyền lưu động. Cụ thể, tổ chức Lễ ra quân trực tuyến tại điểm cầu Trung ương, thực hiện tiếp sóng tại 63 điểm cầu các tỉnh, thành phố, đảm bảo giãn cách xã hội; đồng thời, tổ chức tuyên truyền lưu động với 708 đoàn diễu hành lưu động, tư vấn và phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình trên phạm toàn quốc, bằng phương tiện ô tô, xe máy có gắn các thông điệp truyền thông BHXH, BHYT.
Các hình thức tuyên truyền khác của Lễ ra quân được áp dụng gồm: treo băng rôn, khẩu hiệu, áp phích, phướn, tranh cổ động với nội dung chuyển tải các thông điệp tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT tại trụ sở cơ quan BHXH, cơ quan Bưu điện, đại lý thu BHXH, BHYT và cho mỗi đội tuyên truyền lưu động; tuyên truyền về hoạt động của Lễ ra quân, về lợi ích của chính sách BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình trên: Báo, Tạp chí, Cổng Thông tin điện tử, Fanpage của BHXH Việt Nam; Cổng/Trang Thông tin điện tử của BHXH tỉnh, thành phố; các cơ quan truyền thông cơ quan Bưu điện các cấp; cơ quan báo chí Trung ương và địa phương, trên mạng xã hội; tổ chức tuyên truyền về lợi ích của chính sách BHXH tự nguyện qua hệ thống truyền thanh cơ sở trên 63 tỉnh, thành phố…
BHXH Việt Nam cho biết, quyết tâm thực hiện mục tiêu BHXH toàn dân và đảm bảo phát triển bền vững BHYT toàn dân, sau 2 năm thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH, tốc độ phát triển người tham gia BHXH tự nguyện đã đạt kết quả đầy ấn tượng, tiếp tục khẳng định BHXH là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội. Hết năm 2019, số người tham gia BHXH tự nguyện có sự tăng trưởng vượt bậc với 574 nghìn người; riêng trong năm 2019, số người tham gia BHXH tự nguyện tăng mới bằng tổng số người tham gia BHXH tự nguyện phát triển được của cả 11 năm trước cộng lại.
Đến nay, sau gần 6 năm triển khai thực hiện Luật BHYT sửa đổi, công tác tổ chức thực hiện chính sách BHYT đã đạt nhiều kết quả nổi bật. Hiện tỷ lệ bao phủ BHYT ở nước ta đã đạt gần 90% dân số; số người tham gia BHYT tăng nhanh qua các năm, bình quân mỗi năm tăng 48%, từ năm 2015-2019 tăng hơn 15 triệu người, đến hết năm 2019 đã có 85,636 triệu người tham gia BHYT, trong đó diện bao phủ đã tập trung vào các nhóm yếu thế.
Các hoạt động tuyên truyền vận động nhằm hướng tới BHYT toàn dân |
6 tháng đầu năm 2020, dịch COVID-19 lan rộng trên phạm vi toàn quốc gây thiệt hại đáng kể đến tình hình kinh tế, xã hội… đất nước; nhiều doanh nghiệp lớn thuộc lĩnh vực may mặc, giày da, điện tử… tại nước ta phải thu hẹp sản xuất kinh doanh hoặc tạm dừng hoạt động, người lao động không có việc làm phải ngưng việc, nghỉ việc. Song song đó, do đảm bảo thực hiện giãn cách xã hội nên công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình thời gian qua còn gặp nhiều khó khăn.
Trong bối cảnh đó, đặc biệt sau khi dịch COVID-19 cơ bản được khống chế tại nước ta, BHXH Việt Nam đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, đồng thời bảo đảm các nguyên tắc về phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Nhờ vậy, công tác phát triển đối tượng BHXH, BHYT 6 tháng đầu năm 2020 đã đạt kết quả khả quan, cụ thể: Số người tham gia BHXH bắt buộc là 14,473 triệu người, đạt 90,2% kế hoạch giao; số người tham gia BH thất nghiệp là 12,716 triệu người, đạt 88,4% kế hoạch giao; số người tham gia BHYT là 85,521 triệu người, đạt 97,1% kế hoạch giao và đạt tỷ lệ bao phủ 88,3% dân số.
Theo BHXH Việt Nam, thời gian tới, việc phát triển bền vững chính sách BHYT ở nước ta gặp phải những thách thức như: Già hóa dân số, mô hình bệnh tật thay đổi, đặc biệt chi KCB BHYT không ngừng gia tăng... Do đó, để đảm bảo chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân và hoàn thiện mục tiêu bao phủ BHYT toàn dân, cần phải tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp để đảm bảo phát triển đối tượng tham gia BHYT một cách bền vững.