'Hành trình OCOP' thúc đẩy tiêu thụ nông sản Việt trong thời đại số Đắk Lắk: Tổ chức hội nghị triển lãm kết nối cung, cầu thúc đẩy tiêu thụ nông sản |
Liên kết tiêu thụ nông sản theo chuỗi
Theo Sở Công Thương Đắk Nông, sản phẩm nông nghiệp của Đắk Nông hiện rất đa dạng và đang được chia thành 3 nhóm chính, với 23 sản phẩm khác nhau, gồm: Nhóm sản phẩm chủ lực của tỉnh; nhóm sản phẩm tiềm năng và nhóm sản phẩm chủ lực của các địa phương.
Sản xuất và tiêu thụ cà phê theo chuỗi. Ảnh: Lê Hường, Minh Quang |
Trong đó, nhóm chủ lực của tỉnh đang có 4 sản phẩm chính: Cà phê, hồ tiêu, cao su, điều. Hiện nay, thị trường tiêu thụ chủ yếu của nhóm là xuất khẩu. Thị trường này tương đối ổn định, có giá trị xuất khẩu của năm sau cao hơn năm trước và ít chịu tác động của dịch bệnh cũng như giá cả chung của thế giới.
Ðể triển khai thực hiện hoạt động kết nối, tiêu thụ sản phẩm nông sản, tỉnh Đắk Nông đã và đang đẩy mạnh xây dựng các chuỗi liên kết tiêu thụ nông sản. Toàn tỉnh Đắk Nông có 65 chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản, với khoảng 9.660 hộ dân tham gia. Cây trồng liên kết sản xuất tập trung nhiều như cà phê, hồ tiêu, mắc ca, xoài, bơ, lúa, đậu nành...
Bên cạnh đó, Ðắk Nông cũng ban hành Kế hoạch xúc tiến thương mại địa phương giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm chủ lực trên địa bàn tỉnh; Kế hoạch đổi mới phương thức kinh doanh, tiêu thụ nông sản giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch đưa sản phẩm nông nghiệp, thế mạnh và chất lượng của tỉnh vào tiêu thụ tại các siêu thị trong nước… Hằng năm, các sở, ngành, địa phương của tỉnh cũng đã thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài nước; hỗ trợ quảng bá, giới thiệu sản phẩm; tổ chức kết nối cung cầu, tham gia hội nghị, hội chợ.
Tỉnh Ðắk Nông đã thực hiện việc hỗ trợ các đơn vị sản xuất sản phẩm nông nghiệp thế mạnh, chất lượng của tỉnh đi nghiên cứu thị trường, kết nối giao thương đưa hàng hóa vào tiêu thụ tại các siêu thị. Bên cạnh đó, tỉnh còn tạo điều kiện cho doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm, thương hiệu, ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm hàng hóa dài hạn và ổn định, có khối lượng lớn; đồng thời tạo lập mối liên kết bền vững trong hoạt động sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm giữa nhà cung cấp và nhà tiêu thụ nhằm ổn định thị trường đầu ra bền vững, giúp các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Ðắk Nông mở rộng và phát triển sản xuất, mở ra hướng đi mới trong việc liên kết để sản phẩm hàng hóa của địa phương xuất hiện ngày càng nhiều tại các kênh phân phối hiện đại…
Tiêu thụ nông sản theo hướng bền vững
Theo lãnh đạo Sở Công Thương Ðắk Nông, để nông sản của tỉnh rộng đường tiêu thụ, thời gian tới, cần triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các giải pháp về phát triển nông nghiệp trên địa bàn; tăng cường liên kết, xây dựng vùng sản xuất có quy mô lớn, phù hợp từng loại nông sản, xây dựng chuỗi giá trị bền vững cho các loại sản phẩm nông nghiệp từ khâu sản xuất đến khâu tiêu dùng, đáp ứng yêu cầu của nhà nhập khẩu.
Bên cạnh thị trường các nước thành viên CPTPP, EVFTA và ASEAN, tỉnh cần cơ cấu lại thị trường xuất khẩu cho từng loại sản phẩm theo hướng đa dạng hóa thị trường, không phụ thuộc vào thị trường truyền thống; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác xúc tiến thương mại, tổ chức đa dạng các hoạt động xúc tiến trực tuyến nhằm thúc đẩy tiêu thụ trong nước và xuất khẩu; hướng dẫn các doanh nghiệp chủ động nâng cao năng lực xúc tiến thương mại, phát triển và quảng bá thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, phát triển sản phẩm, nâng cao giá trị gia tăng, hàm lượng chế biến hàng xuất khẩu.
Riêng đối với mặt hàng thế mạnh của Đắk Nông là cà phê, diện tích trồng cà phê có tỷ trọng lớn trong cơ cấu sử dụng đất nông nghiệp của tỉnh. Hiện tại, Đắk Nông có hơn 142.000 ha cà phê, chiếm hơn 35% tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp. Sản lượng cà phê trong niên vụ gần nhất (năm 2023) đạt hơn 360.000 tấn.
Đắk Nông cũng chú trọng phát triển các mô hình liên kết trong sản xuất, tiêu thụ cà phê. Toàn tỉnh hiện có 12 hợp tác xã, 13 doanh nghiệp sản xuất cà phê liên kết với tổng diện tích gần 13.300 ha, sản lượng gần 41.000 tấn. Toàn tỉnh cũng có 17 sản phẩm cà phê được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm); 15 nhãn hiệu mặt hàng cà phê đã được đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Hiện nay, Đắk Nông cũng đang thực hiện các bước để xây dựng Chỉ dẫn địa lý cà phê Đắk Nông.
Để phát triển ngành cà phê theo hướng bền vững, nâng cao giá trị và lợi nhuận cho nông dân, trong thời gian tới đây, Đắk Nông gắn việc mở rộng thị trường xuất khẩu với tái cơ cấu ngành trồng cà phê nhằm nâng cao giá trị, tăng sức cạnh tranh. Tỉnh cũng xây dựng các chuỗi giá trị kinh tế nông nghiệp theo hướng lấy hợp tác xã, doanh nghiệp làm trung tâm và có nhiều chính sách nhằm khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp bền vững.