Đủ sức cạnh tranh với hàng ngoại
Ông Nguyễn Phương Đông cho biết, TP. Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế lớn nhất đất nước và đang đóng góp 23% tổng sản phẩm quốc nội, 30% thu ngân sách, 16% sản lượng công nghiệp và 15% tổng kim ngạch xuất khẩu của quốc gia. Trong đó, các sản phẩm chủ lực ngành công nghiệp của thành phố chiếm 54% giá trị toàn ngành công nghiệp. Năm 2018, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của thành phố ước tăng 8,15% so với năm 2017. Riêng nhóm ngành công nghiệp chế biến tăng 8,37%, bốn ngành công nghiệp trọng yếu tăng 9,25%.
Ngành cơ khí có nhiều đơn vị được chọn là sản phẩm chủ lực của TP. Hồ Chí Minh năm 2018 |
Trong nhiều năm qua, chính quyền TP. Hồ Chí Minh xác định đầu tư cho công nghiệp là mục tiêu trọng điểm để phát triển kinh tế của thành phố. Theo đó, thành phố đã đề ra chủ trương tìm, xét chọn công phu và công bố 7 nhóm hàng công nghiệp, 4 nhóm hàng nông nghiệp chủ lực. Các sản phẩm chủ lực được chọn là những sản phẩm đạt những tiêu chí như: doanh nghiệp (DN) của TP. Hồ Chí Minh, sản phẩm có sức cạnh tranh, tạo được giá trị gia tăng, có tính ưu việt, nổi trội, không gây ô nhiễm môi trường...
Cuối tháng 12/2018 vừa qua, Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh đã công bố quyết định công nhận 56 sản phẩm của 36 DN là sản phẩm công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ tiêu biểu của thành phố năm 2018. Trong 56 sản phẩm được bình chọn có 21 sản phẩm của ngành cơ khí điện, 12 sản phẩm của ngành cao su nhựa, 12 sản phẩm của ngành chế biến tinh lương thực - thực phẩm, 6 sản phẩm của ngành dệt may, 4 sản phẩm của ngành da giày và 1 sản phẩm của ngành điện tử - công nghệ thông tin. Các sản phẩm tiêu biểu được công nhận như bóng đèn Điện Quang, bánh kẹo Bibica, bánh kẹo Á Châu, sữa Vinamilk, sữa Nutifood, áo sơ mi Việt Tiến, thịt gà San Hà…đều là những sản phẩm hội đủ các tiêu chí bình chọn và có thương hiệu trên thị trường.
Các DN có sản phẩm được cấp giấy chứng nhận sẽ nhận được chính sách hỗ trợ nhằm đẩy mạnh và nâng cao năng lực sản xuất; được hỗ trợ các hoạt động tiếp thị, quảng bá thương hiệu, xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, xuất khẩu.
“ Những sản phẩm chủ lực tiêu biểu của thành phố 2018 đều là sản phẩm có tính ưu việt, có giá trị gia tăng cao, có thiết kế sáng tạo, với hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, được sản xuất bằng công nghệ tiên tiến, đáp ứng được nhu cầu thị trường trong và ngoài nước, đủ sức để cạnh tranh với các sản phẩm ngoại nhập”, ông Đông đánh giá.
Thương mại điện tử làm cầu nối cho sản phẩm chủ lực vươn xa
Tại cuộc Tọa đàm do Vuasanca tổ chức gần đây liên quan đến chính sách phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực, ông Trịnh Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty TNHH Thủy Lâm Ngân (sàn thương mại điện tử Exocomets và Catch.vn) cho rằng, bất kể quốc gia bào cũng xây dựng cho mình được những sản phẩm chủ lực của quốc gia đó, việc thành phố xây dựng được các nhóm sản phẩm chủ lực sẽ góp phần đưa nền kinh tế phát triển sâu rộng hơn, phát huy được tiềm nang nhu cầu sản xuất trong nước và xuất khẩu. Tuy nhiên để các sản phẩm chủ lực của thành phố có sức mạnh và quyền lực riêng, các DN và chính quyền thành phố cần đưa thêm chủ trương phát triển sản phẩm theo chiều sâu về chất lượng và tổ chức giao thương, mở rộng thị trường …một cách chuyên nghiệp.
Sàn giao dịch thương mại điện tử của Công ty TNHH Thủy Lâm Ngân là nơi giao thương các sản phẩm chủ lực của TP. Hồ Chí Minh |
"Trong chuỗi sản xuất hàng hóa của DN Việt, khâu đầu ra cho sản phẩm là yếu nhất và để giải tỏa khâu này cần có những giải pháp thích hợp với sự tham gia của cả cộng đồng DN" - ông Tuấn nói và đề xuất, với kinh nghiệm quản trị về lĩnh vực thương mại điện tử, đặc biệt là sàn giao dịch hàng hóa B2B (doanh nghiệp với doanh nghiệp) sẽ là nơi kết nối giao thương giữa các các DN trong và ngoài nước trong việc tìm kiếm đối tác, bán hàng, thị trường và đầu tư. Những để sàn giao dịch hàng hóa trở thành điểm đến uy tín cho các DN làm ăn thì rất cần sự hỗ trợ của ngành Công thương, các hiệp hội ngành hàng, các tổ chức của các DN có sản phẩm chủ lực, sản phẩm hàng Việt Nam chất lượng cao… tham gia sàn giao dịch, để từ đó tạo lên một sức mạnh cho hàng Việt đi xa hơn.
Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP. Hồ Chí Minh Lý Kim Chi đánh giá, TP. Hồ Chí Minh ban hành nhóm sản phẩm chủ lực khiến cho các DN được bình chọn là rất phấn khởi. Đây là cơ hội để DN tìm kiếm thêm cơ hội đầu tư, mở rộng sản xuất, mở rộng thị trường và tạo thêm sức mạnh cho hàng Việt Nam vươn ra thị trường.
Theo nhìn nhận của bà Chi, nền kinh tế của Việt Nam đang hội nhập sâu rộng với thế giới và chịu sự cạnh tranh rất quyết liệt. Theo thống kê, các DN Việt Nam tham gia chuỗi giá trị toàn cầu với các nước ASIAN là thấp. Cụ thể DN Việt Nam chỉ có 21% trong khi các nước ASIAN là 46%. Mặc dù gần đây các DN thuộc ngành lương thực thực phẩm luôn ở tỷ lệ phát triển tốt, kể cả tỷ lệ tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Nhưng để tham gia chung với thị trường thế giới, các DN cần thêm sự hỗ trợ từ chính sách của nhà nước về đất đai, tín dụng, thị trường, kết nối giao thương để họ có thêm nội lực vươn lên.
Liên quan đến chính sách phát triển sản phẩm chủ lực, ông Đoàn Võ Khang Duy, phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Cơ khí - điện TP. Hồ Chí Minh cho biết, nhiều sản phẩm cơ khí, điện đã được chọn là sản phẩm chủ lực của thành phố, đây là cú hích để DN mạnh dạn đầu tư và phát triển mạnh hơn. Tuy nhiên DN vẫn còn gặp nhiều khó khăn vì sự liên kết, tối ưu hóa trong các mối liên hệ giữa các DN Việt với nhau chưa cao.
“Chúng ta cần xây dựng chính sách sao cho hai bên đều có lợi thông qua liên kết của nhóm hàng chủ lực với nhau và cùng nhau hợp tác làm ăn”, ông Duy chia sẻ thêm .