Việt Nam cần xây dựng công nghiệp sản xuất thuốc BVTV quốc gia Ảnh: Cấn Dũng |
Vẫn phụ thuộc nhập khẩu
Ông Đàm Quang Thắng- Chủ tịch Hội Hóa chất và nông nghiệp Hà Nội- cho biết: Việt Nam là nước nông nghiệp với diện tích canh tác lớn, điều kiện khí hậu thuận lợi, chủng loại cây trồng phong phú nên dịch hại phát triển quanh năm. Việc sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật là một trong những phương tiện hữu hiệu nhất trong công tác phòng trừ dịch hại và bảo quản nông sản, bảo đảm an ninh lương thực. Vì lẽ đó, ngành hóa chất BVTV ngày càng đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của ngành nông nghiệp. Thực tế số lượng DN sản xuất, kinh doanh và chủng loại thuốc BVTV liên tục tăng những năm qua ở nước ta đã chứng minh điều đó.
Việt Nam sử dụng thuốc BVTV từ những năm 50 của thế kỷ trước và giá trị sử dụng hiện ở mức 20.000 - 24.000 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, theo ông Trần Quang Hùng - Chủ tịch Hội Sản xuất và kinh doanh thuốc BVTV Việt Nam (VIFA)- nước ta chưa vượt ra khỏi tầm của một nền “công nghiệp đại lý, kinh doanh thuốc BVTV”, tức là chúng ta chưa xây dựng được nền móng cho một nền công nghiệp sản xuất thuốc BVTV quốc gia. Gần 100% hoạt chất, 90% phụ gia và 50% chế phẩm đều phải nhập của nước ngoài (chủ yếu từ Trung Quốc). Điều này gây thất thoát nguồn ngoại tệ, lãng phí nguồn lao động trong nước… Do vậy, việc xây dựng và phát triển đội ngũ DN thuốc BVTV là vô cùng quan trọng, đòi hỏi phải có cơ chế, chính sách của nhà nước và sự chỉ đạo, giúp đỡ tạo điều kiện của cơ quan quản lý.
Cần chính sách hỗ trợ
Tiến sĩ Phạm Thị Thu Hằng – Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI-) cho rằng, một trong những nguyên nhân chính kìm hãm sự phát triển ngành thuốc BVTV trong nước những năm qua là do các cơ chế, chính sách thiếu đồng bộ, chưa phù hợp với điều kiện sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam. Theo bà Hằng, VCCI đã nhận được nhiều đơn phản ảnh của hiệp hội cũng như các DN về những vướng mắc xung quanh vấn đề văn bản pháp quy liên quan đến việc quản lý sản xuất và kinh doanh thuốc BVTV tại Việt Nam, nếu không được sửa đổi, có thể dẫn DN đến phá sản.
Hiện nay, cả nước có trên 200 doanh nghiệp thuốc BVTV, 97 nhà máy chế biến thuốc (chế biến được 50% lượng chế phẩm sử dụng trong nước, khoảng 30.000 - 40.000 tấn/năm). |
Theo ông Trần Quang Hùng - Chủ tịch VIFA- việc đặt ra những quy định trong dự thảo gây khó khăn cho công tác quản lý, khó thực hiện và gây tốn kém không cần thiết cho DN. Ông Hùng dẫn chứng, đối với quy định đăng ký sản phẩm vào danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng ở Việt Nam phải có giấy ủy quyền của DN nước ngoài sản xuất ra loại hoạt chất đó và bán cho DN Việt Nam, bất kể loại hoạt chất đó đã hết thời gian bảo hộ quyền phát minh sáng chế; giấy xác nhận của cơ quan quản lý nhà nước sở tại về DN thuốc BVTV của nước sở tại; giấy hợp pháp hóa lãnh sự quán nước ta tại nước sở tại… “Đây là những quy định không cần thiết, trái với xu thế tự do thương mại hóa trên thế giới khi những hoạt chất thông dụng (generic) đã hết thời gian bảo hộ quyền phát minh sáng chế hoàn toàn được tự do thương mại. Đồng thời những giấy tờ còn lại cũng không dễ gì có được” - ông Hùng nói.