Cơ cấu lại nền kinh tế
Việt Nam đang được biết đến như một công xưởng của thế giới, nhưng với những cam kết tại COP26, Việt Nam phải trở thành một “công xưởng xanh” - trung tâm sản xuất xanh của thế giới. Muốn vậy, phải thay đổi từ cách thức sử dụng năng lượng cho sản xuất, đến tạo ra sản phẩm.
Công nghệ lò phích tiết kiệm điện của Công ty Rạng Đông |
PGS.TS Nguyễn Thế Chinh - Phó Chủ tịch VIASEE, Viện trưởng Viện Chính sách Kinh tế Môi trường - nhấn mạnh, những cam kết của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại COP26 sẽ là bước ngoặt quan trọng cho thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế trong nước theo hướng phát thải “Carbon thấp”, “kinh tế xanh” và chuyển từ kinh tế tuyến tính sang “kinh tế tuần hoàn”.
Hiện, nhiều tập đoàn lớn của nước ngoài có nhà máy tại Việt Nam đang dần chuyển đổi năng lượng trong sản xuất. Giám đốc Bền vững của Tập đoàn Nike, ông Noel Kinder, trong một bài viết đã khẳng định: Cam kết của chúng tôi là giảm 65% phát thải khí nhà kính ở những nơi do chúng tôi sở hữu hoặc vận hành và 30% trong toàn bộ chuỗi cung ứng vào năm 2030. “Để đạt được thay đổi, chúng ta phải làm ra sản phẩm giày dép tại Việt Nam sử dụng năng lượng sạch, tạo mạng lưới điện xanh hơn, tận dụng nguồn vốn tư nhân để sản xuất điện và trong quá trình đó, góp phần tạo ra nhiều việc làm có chất lượng” - ông Noel Kinder viết.
Đó là lý do hiện nay, các tập đoàn sản xuất ở Việt Nam đang đưa ra “xanh” hơn trong quá trình sản xuất với các tiêu chí: Sử dụng vật liệu carbon thấp, phi carbon hóa chuỗi cung ứng, sử dụng 100% năng lượng tái tạo.
Cơ hội mới
Hiện, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng và trình Chính phủ Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050. Kế hoạch đã cụ thể hóa Chiến lược tăng trưởng xanh và làm tiền đề cho lộ trình phát thải ròng bằng 0.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng: Tăng trưởng xanh mở ra cơ hội cho phát triển các ngành công nghiệp xanh mới, đó là các ngành cung cấp hàng hóa và dịch vụ môi trường truyền thống, hàng hóa và dịch vụ carbon thấp.
Theo cơ quan này, tăng trưởng xanh trong công nghiệp còn góp phần nâng cấp và hoàn thiện chuỗi giá trị, chuyển dịch từ ngành công nghiệp khai thác, sản xuất gia công, lắp ráp, giá trị gia tăng thấp sang ngành công nghiệp chế biến sâu, thâm dụng công nghệ đi kèm các ngành công nghiệp hỗ trợ, góp phần nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, giá trị gia tăng và khép kín chuỗi giá trị; góp phần làm tăng cường sức khả năng tự chủ và chống chịu của các ngành công nghiệp trước các cú sốc nguyên liệu (nguồn và giá), đứt gãy chuỗi cung ứng.
Nhiều quốc gia và khu vực cũng đang dịch chuyển mạnh mẽ sang một nền sản xuất xanh. Điển hình là Hàn Quốc, quốc gia này đã triển khai Thỏa thuận kinh tế xanh mới tập trung vào ba lĩnh vực: Phát triển các ngành công nghệ cao, chuyển đổi số cùng với phát triển kinh tế xanh, đảm bảo an sinh xã hội.
Châu Âu đã khởi xướng một số cơ chế thương mại mới như “Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon” (CBAM) nhằm đánh thuế các mặt hàng nhập khẩu có khả năng gây ô nhiễm như thép, nhôm và phân bón. Điều này có thể trở thành xu hướng mới trong tương lai và được đưa vào các chương trình đàm phán, hiệp định thương mại. Tuy nhiên, để trở thành trung tâm sản xuất xanh gắn với mục tiêu phát thải ròng bằng 0, thách thức cho một nước đang phát triển như Việt Nam không nhỏ, trong đó, khó khăn trước hết là công nghệ.
Việc chuyển đổi năng lượng trong quá trình sản xuất sẽ góp phần không nhỏ trong việc hình thành nền sản xuất và tiêu dùng bền vững ở Việt Nam. |