BHXH Việt Nam cung cấp thông tin định kỳ tháng 12 |
Theo báo cáo, trong tổng số nợ hơn 13 nghìn tỷ đồng, nợ BHXH hơn 10 nghìn tỷ đồng (chiếm 77,16%), nợ BHTN hơn 572 tỷ đồng (chiếm 4,45%), riêng nợ BHYT hơn 2.428 tỷ đồng (chiếm 18,49%). Ông Nguyễn Trí Đại – Trưởng ban Thu (BHXH Việt Nam) - cho biết, dù tỷ lệ nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN đã giảm 0,2% so với tháng 10/2016, nhưng vẫn còn chiếm 5,6% kế hoạch thu, trong đó, số nợ BHXH, BHTN chủ yếu tập trung ở khối doanh nghiệp (DN).
Theo đại diện BHXH Việt Nam, nguyên nhân khiến nợ đọng bảo hiểm vẫn diễn biến phức tạp là do ý thức chấp hành pháp luật BHXH của một số chủ sử dụng lao động chưa nghiêm, nhất là khu vực ngoài nhà nước, thường trốn đóng, chậm đóng, chiếm dụng tiền đóng BHXH của người lao động. Chưa nhận thức đầy đủ trách nhiệm, chưa quan tâm đến quyền lợi BHXH đối với người lao động…
Khuyến cáo từ ngành BHXH Việt Nam, tình trạng nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN hiện nay không chỉ ảnh hưởng đến Quỹ BHXH, BHYT, BHTN mà còn xâm hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động. Đặc biệt là làm giảm tính nghiêm minh của pháp luật và mục tiêu chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước.
Ông Trần Đình Liệu - Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam - cho biết, để giảm tỷ lệ nợ BHXH, BHYT, cơ quan BHXH đã xây dựng quy trình, từ đôn đốc thu, thanh kiểm tra cho đến phối hợp thanh tra chuyên ngành… Ngoài ra, thực hiện quy định của Luật BHXH 2014, cơ quan BHXH không khởi kiện đơn vị nợ BHXH, BHYT ra tòa, mà phải chuyển cho tổ chức công đoàn thực hiện. Tuy vậy, với chức năng thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, BHYT, toàn ngành BHXH đã tích cực triển khai và bước đầu đạt kết quả khả quan.
Để hoành thành kế hoạch giảm tỷ lệ nợ năm 2016 xuống còn 2,9%, theo ông Trần Đình Liệu, BHXH Việt Nam đang quyết liệt chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố thực hiện đồng bộ các giải pháp. Cụ thể, yêu cầu BHXH các địa phương: Tích cực phối hợp với các cơ quan quản lý thanh tra việc chấp hành pháp luật đối với các DN đóng không đủ số người thuộc diện bắt buộc tham gia, nợ tiền đóng BHXH, BHYT, BHTN kéo dài từ 3 tháng trở lên trên địa bàn. Cương quyết xử lý những DN có tình chây ỳ, chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN; chủ động thành lập các đoàn thanh tra chuyên ngành thanh tra đột xuất tất cả các đơn vị nợ đọng từ 3 tháng trở lên.
Ngoài ra, theo BHXH Việt Nam, hết tháng 12/2016, BHXH các địa phương phải chủ động, bám sát, đôn đốc cơ quan tài chính các cấp, cơ quan quản lý đối tượng chuyển tiền đóng BHYT kịp thời cho các đối tượng do ngân sách nhà nước đóng, hỗ trợ đóng năm 2016 vào quỹ BHYT, không để nợ đọng năm sau. Đặc biệt, BHXH các địa phương phải tích cực cung cấp hồ sơ, thông tin phối hợp với Liên đoàn lao động khởi kiện các đơn vị nợ BHXH, BHYT, BHTN ra tòa theo quy định. Trong đó, hết tháng 12 phải thực hiện nộp đơn kiện ra tòa án ít nhất từ 10 – 50 DN có thời gian nợ trên 6 tháng; công khai danh tính đơn vị nợ đóng BHXH, BHYT, BHTN với số tiền lớn, kéo dài trên phương tiện thông tin đại chúng…
Ông Trần Đình Liêu - Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam: Khởi kiện là biện pháp cuối cùng nhằm giảm tỷ lệ nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN. Nếu các giải pháp khắc phục nợ không đạt hiệu quả, cơ quan BHXH mới tiến hành lập hồ sơ, phân loại đơn vị nợ và tiến hành chuyển hồ sơ cho tổ chức Công đoàn tiến hành khởi kiện. |