Hoạt động của công ty có vốn đầu tư của Singapore tại Việt Nam. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)
Tổng số dự án FDI của 8 nước trên là 2.507 dự án với tổng vốn đầu tư đạt 53 tỷ USD (chiếm 14% tổng số dự án và 20% tổng vốn đầu tư của cả nước).
Trong 8 nước ASEAN đầu tư FDI tại Việt Nam, Singapore đứng đầu với 1.353 dự án và 32,7 tỷ USD tổng vốn đầu tư (chiếm 53% tổng số dự án và 60% tổng vốn đầu tư của ASEAN tại Việt Nam). Singapore còn đứng thứ 3/101 nước có đầu tư FDI tại Việt Nam.
Vốn đầu tư nước ngoài của Singapore không ngừng tăng lên trong những năm gần đây. Các dự án đầu tư của Singapore hoạt động có hiệu quả cao, đóng góp đáng kể cho giải quyết việc làm, xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
Điển hình là Công ty Liên doanh Khu công nghiệp Việt Nam-Singapore (VSIP). Có thể nói, Khu công nghiệp Việt Nam-Singapore (VSIP) là một biểu tượng của sự hợp tác và tình hữu nghị giữa Việt Nam và Singapore.
Tiếp đến, Malaysia đứng thứ hai với 484 dự án và 10 tỷ USD tổng vốn đầu tư (chiếm 19% tổng số dự án và 22% tổng vốn đầu tư của ASEAN tại Việt Nam).
Thái Lan đứng thứ ba với 371 dự án và 6,7 tỷ USD tổng vốn đầu tư (chiếm 14% tổng số dự án và 12% tổng vốn đầu tư của ASEAN tại Việt Nam).
Các nước còn lại như Brunei, Indonesia, Philippines, Lào, Campuchia có tỷ lệ vốn đầu tư vào Việt Nam tương đối nhỏ trong khối ASEAN.
Hiện nay, các nhà đầu tư ASEAN đã đầu tư vào 18/18 ngành trong hệ thống phân ngành kinh tế quốc dân, trong đó vốn đầu tư tập trung vào ngành công nghiệp chế biến chế tạo với 974 dự án và tổng vốn đầu tư là 21,7 tỷ USD (chiếm 40% tổng vốn đầu tư của khối ASEAN tại Việt Nam).
Đứng thứ hai là ngành kinh doanh bất động sản với với 93 dự án và tổng vốn đầu tư là 16,5 tỷ USD (chiếm 30% tổng vốn đầu tư của khối ASEAN tại Việt Nam).
Đứng thứ ba là ngành xây dựng với với 169 dự án và tổng vốn đầu tư là 3,1 tỷ USD (chiếm 5,9% tổng vốn đầu tư của khối ASEAN tại Việt Nam).
Đến nay, các nhà đầu tư khối ASEAN đã có mặt tại 55/63 địa phương của cả nước, nhưng chủ yếu tập trung tại các thành phố và địa phương lớn nơi có điều kiện cơ sở hạ tầng thuận lợi và khu vực phát triển kinh tế năng động nhất của cả nước như Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa-Vũng Tàu, Ninh Thuận, Bình Dương, Hà Nội, Hải Dương.
Trong đó, Thành phố Hồ Chí Minh đứng thứ nhất về thu hút dự án của khối ASEAN với 1.076 dự án và 14,9 tỷ USD vốn đầu tư (chiếm 27% tổng vốn đăng ký của khối ASEAN tại Việt Nam).
Đứng thứ hai là Hà Nội với 400 dự án và 8,5 tỷ USD vốn đầu tư (chiếm 15% tổng vốn đăng ký của khối ASEAN tại Việt Nam).
Đứng thứ ba là Bà Rịa-Vũng Tàu với 67 dự án và 6,1 tỷ USD vốn đầu tư (chiếm 11% tổng vốn đăng ký của khối ASEAN tại Việt Nam).
Nhìn chung, đầu tư của khối ASEAN vào Việt Nam đã tăng đều qua các năm nhưng chủ yếu từ một số quốc gia như Singapore, Malaysia, Thái Lan. Các quốc gia còn lại có đầu tư còn tương đối hạn chế.
Năm 2015 sẽ mở ra một loạt sự kiện quốc tế quan trọng đối với Việt Nam liên quan đến quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam, trong đó có sự kiện hội nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC).
Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Đỗ Nhất Hoàng cho biết, trong thời gian tới, đặc biệt khi Việt Nam sẽ tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) vào năm 2015 thì việc quảng bá và xúc tiến đầu tư trong cộng đồng các nước ASEAN sẽ được đẩy mạnh hơn nữa để thu hút đầu tư nước ngoài từ các nước này vững mạnh hơn./.