Thái Bình: Hơn trăm hec ta lúa chết hàng loạt nghi do nhiễm mặn cần sớm làm rõ nguyên nhân Hàng trăm hecta ruộng nghi nhiễm mặn đầy “bí ẩn”: Chuyên gia nói gì? |
“Rõ ràng đây là đất nhiễm mặn”
Trước đó, Vuasanca đã có phản ánh về việc hơn 100ha lúa và hoa màu của người dân 5 thôn tại xã An Tân, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình chết trắng hàng loạt, không thể cho thu hoạch. Hàng trăm hộ dân cho rằng, lúa và hoa màu chết trắng hàng loạt là do cán bộ Hợp tác xã An Tân lấy nhầm nước biển xả vào nội đồng!?
Theo đó, người dân đã phản ánh từ tháng 10,11/2022 nhưng đến 5/2023, UBND huyện Thái Thụy mới nắm được sự việc và có tờ trình báo cáo, đồng thời đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường về lấy mẫu nước, đất để làm rõ nguyên nhân.
Đến ngày 7/6/2023, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Bình mới về lấy mẫu nước và đất để phân tích các chỉ số. Cụ thể, Trung tâm Quan trắc tài nguyên và Môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Bình) đã xuống thực địa, lấy 7 mẫu nước mặt (5 mẫu tại xã An Tân và 2 mẫu ở xã Hồng Dũng) để phân tích. Kết quả cho thấy, trong các thông số phân tích nổi lên chỉ số Clo có mức cao đột biến. Cụ thể, mẫu nước mặt lấy tại sông Chung Thủy Nông, thôn Tân Dũng, xã An Tân, có kết quả phân tích cao nhất là hơn 2.481mg/l.
Nhìn vào chỉ số trên, nhiều chuyên gia về thổ nhưỡng nông hóa và kiểm nghiệm đo lường chất lượng đều cho rằng: “Clo vượt ngưỡng là ở nước biển ra. Chỉ có nước biển mới có Clo thôi". Đồng thời, qua các chỉ số phân tích mẫu đất như độ PH, một số ý kiến đều cho biết ở ngưỡng trung tính, hàm lượng kim loại nặng trong giới hạn.
Song, đến ngày 23/6, trao đổi với Vuasanca , ông Nguyễn Bảo Khương, Chi Cục trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Bình) đã khẳng định đất bị nhiễm mặn. Ông Nguyễn Bảo Khương cho rằng: “Lúa bị ảnh hưởng rõ ràng đây là do đất nhiễm mặn. Bản thân nó là đất mặn được cải tạo. Trước là đất trồng cói, sau quá trình thau chua rửa mặn cải tạo đi thì trồng lúa. Nguyên nhân đất bị mặn do tác động của nhiều yếu tố, ở đây tầng đất canh tác đã cải tạo nó bị ngọt hóa đi, rồi bị tái mặn. Chủ yếu do nó bốc chua mặn ở tầng đất dưới lên”.
Hàng trăm hecta ruộng nghi nhiễm mặn đầy “bí ẩn” ở xã An Tân, huyện Thái Thụy |
Trước phản ánh của người dân về việc nghi vấn cán bộ hợp tác xã xả nhầm nước biển vào nội đồng gây mặn, ông Khương đánh giá, không có việc nước biển vào gây mặn. Ông Khương cho rằng: “Chúng tôi đã có báo cáo đánh giá cụ thể, như người dân nói có việc tháo trộm nước mặn vào nội đồng là tháng 10-11/2022, thì lúc đó chưa mặn. Đến đầu tháng 12/2022, mới bắt đầu xâm nhập mặn”.
Như vậy, theo thông tin đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Bình cung cấp, thì nguyên nhân lúa, hoa màu chết, kém phát triển, không cho thu hoạch là do đất ruộng bị tái mặn và không hề có lỗi chủ quan của con người (ở đây là cán bộ hợp tác xã). Điều này hoàn toàn trái ngược với những gì người dân xã An Tân đang phản ánh.
Theo hàng trăm hộ dân, hơn 60 năm qua, họ vẫn canh tác và chưa khi nào gặp phải tình cảnh lúa chết hàng loạt như vụ vừa qua. Đặc biệt, không chỉ lúa mà một diện tích không nhỏ hoa màu (trồng tại các vùng đất chuyên canh, cao ráo, tách biệt so với cánh đồng chuyên trồng lúa) cũng rơi vào tình cảnh cháy lá, kém phát triển do cũng sử dụng chung nguồn nước...
Người dân còn cho biết, nguyên nhân không thể do thời tiết từ cuối tháng 2 đến trung tuần tháng 3 có nhiều đợt không khí lạnh, lượng mưa thấp nên gây ra hiện tượng thẩm thấu, bốc chua mặn nên tái mặn... Lý giải về điều này, hàng trăm hộ dân cho rằng, nếu do thời tiết thì diện tích lúa của xã bên như Thụy Trường có một diện tích không nhỏ cùng thổ nhưỡng (do 5 thôn của xã An Tân cũ trước đây được tách ra từ xã Thụy Trường, hiện giờ chỉ tách 1 con đê rất nhỏ) cũng phải bị ảnh hưởng. Song, lúa tại Thụy Trường theo đánh giá vẫn sinh trưởng và phát triển bình thường.
Cần sớm có câu trả lời thỏa đáng cho người dân
Hiện các Sở ban, ngành của tỉnh Thái Bình đã có những kết quả ban đầu về việc kiểm tra, phân tích mẫu đất, mẫu nước. Thế nhưng, theo phản ánh của người dân xã An Tân, đến thời điểm này họ vẫn chưa nhận được câu trả lời cụ thể nước có bị nhiễm mặn không và nguyên nhân chính xác do đâu. Cùng với đó, hàng nghìn hộ dân đang hoang mang không biết vụ mùa tới đây họ có cấy lúa, hoa màu được hay không? Và nếu có canh tác, thì với việc đất bị nhiễm mặn như vậy họ sẽ phải làm thế nào?
Phản ánh của người dân cho biết, ngày 15/6, sau khi có kết quả phân tích các chỉ số có trong mẫu nước, đất lấy tại cánh đồng, UBND xã An Tân đã tổ chức buổi họp với sự có mặt của lãnh đạo UBND huyện Thái Thụy, cán bộ Sở Tài nguyên và Môi trường cùng hàng trăm hộ dân. Tại buổi họp này, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường đã công bố kết quả phân tích mẫu nước mặt và đất lấy ngày 7/6 tại cánh đồng xã An Tân.
Phát biểu tại cuộc họp này, một số ý kiến của cơ quan chức năng cho rằng, kết quả trong mẫu nước tại cánh đồng An Tân xuất hiện chỉ số Clo và "các loại muối trong nước" vượt ngưỡng theo quy chuẩn, độ mặn dao động từ 2,27 đến 4,52. Đồng thời, sau thời điểm lấy mẫu ngày 7/6, có thể các chỉ số này sẽ khác bởi quá trình thau chua, rửa mặn và do ảnh hưởng của nước mưa.
Người dân xã An Tân chờ câu trả lời từ chính quyền địa phương, để tiếp tục canh tác |
Trước câu trả lời này, người dân đã đề nghị Chủ tịch UBND xã An Tân trả lời cụ thể về việc, nước có bị nhiễm mặn và có hay không trách nhiệm của lãnh đạo Hợp tác xã An Tân (đơn vị trực tiếp điều tiết thủy nông) trong việc lấy nhầm nước biển vào nội đồng? Tuy nhiên, dù các đơn vị chức năng đã công bố kết quả phân tích, Chủ tịch UBND xã An Tân vẫn không trả lời cụ thể câu hỏi của hàng trăm hộ dân, mà tiếp tục hướng dẫn người dân tiếp tục sản xuất vụ tiếp theo. Đáng chú ý, theo phản ánh của người dân, lãnh đạo huyện Thái Thụy khi tham gia cuộc họp cũng không có câu trả lời cụ thể với người dân. Trong khi, lãnh đạo Hợp tác xã An Tân thì vắng mặt với lý do… bị ốm.
Sau khi có kết quả phân tích các mẫu đất, nước nêu trên, ông Lê Văn Nghiên, Chánh văn phòng UBND huyện Thái Thụy cho biết thêm: “UBND huyện đang báo cáo xin ý kiến tỉnh và đang đợi UBND tỉnh có chỉ đạo”.
Về nội dung đất nghi bị nhiễm mặn do nước biển gây ra, ông Nghiên cho hay: “Huyện đã báo cáo tỉnh và các ngành đã về họp liên tục, nhưng kết quả cụ thể chưa có. Vì thế, mình chưa đánh giá được và đợi cơ quan chức năng trả lời”.
Về vấn đề giải quyết các nội dung người dân phản ánh, cũng như đưa ra giải pháp cấp bách nhằm đảm bảo vụ mùa cho hàng nghìn hộ dân xã An Tân, phóng viên đã liên hệ với ông Vũ Công Thành, Chủ tịch UBND xã An Tân. Tuy nhiên, vị này đã từ chối trả lời với lý do “bận họp”.
Trước sự việc này, thiết nghĩ UBND tỉnh Thái Bình cần có những chỉ đạo quyết liệt tới các Sở ban, ngành, huyện Thái Thụy xác minh làm rõ nguyên nhân sự việc, có câu trả lời cụ thể để người dân yên tâm, tiếp tục sản xuất, không để bỏ ruộng hoang hóa và xử lý nghiêm cán bộ sai phạm (nếu có).