Ngô vẫn là cây trồng đứng vị trí số một
Theo thống kê, diện tích ngô đang trồng tại Sơn La vào khoảng 200.000 héc- ta, chiếm trên 2/3 tổng diện tích canh tác nông nghiệp trên địa bàn. Với diện tích này, Sơn La được coi là “thủ phủ ngô” của Việt Nam.
Hiện tại, cây ngô lai được trồng chủ yếu ở Sơn La, có năng suất vượt trội so với các giống ngô thuần địa phương. Điều này đã mang lại lợi ích kinh tế lớn, làm thay đổi hoàn toàn diện mạo sản xuất nông nghiệp của người dân.
“Hiện tại, nông dân Sơn La trồng cây ngô vẫn là chủ yếu và khoảng 75% nông dân ở đây thu nhập chủ yếu từ cây ngô. Do đó, đầu tư khoa học công nghệ và những định hướng đúng đắn của các ban, ngành liên quan là rất cần thiết. Việc vận động người dân ở vùng có điều kiện, có thể chuyển từ trồng ngô lấy hạt sang lấy thân chăn nuôi bò sữa, tăng thu nhập cho người dân cũng là một vấn đề cần được quan tâm. Đồng thời, tiếp tục phát triển cây ngô năng suất cao, đặc biệt các giống ngô chuyển gen (GM), sử dụng đồng bộ giải pháp trên cây ngô cũng nên chú trọng đẩy mạnh”. |
Tuy nhiên, giá ngô mấy năm nay xuống thấp, tiêu thụ khó khăn và thương lái thường xuyên ép giá, đã làm cho đời sống người dân mà nguồn thu chủ yếu trông vào cây ngô thêm khó khăn. Anh Lò Văn Phong ở Cò Nòi - Mai Sơn cho biết, năm nay gia đình anh trồng 2 héc-ta, thu tới 14 tấn ngô bắp, cao hơn 3 tấn so với năm trước. Nhưng giá bán chỉ được 5.000 đồng/kg, thấp hơn năm trước 500 - 1.000 đồng, trong khi chi phí vật tư, giống, phân bón lại tăng mấy chục phần trăm, nên trừ chi phí, lợi nhuận còn lại không nhiều.
Tuy nhiên, đa số ý kiến nhà quản lý và chuyên gia ngành nông nghiệp vẫn cho rằng, với năng suất trung bình hiện tại đạt khoảng 7 - 9 tấn/héc-ta và cho dù giá ngô thương phẩm hiện xuống thấp, nhưng với giá 5.000 - 5.500 đồng/kg, mỗi héc-ta nông dân cũng thu được trên 50 triệu đồng. Nếu trừ hết chi phí cũng lãi khoảng 20 - 30 triệu đồng/héc-ta. Vì vậy, lên Sơn La bây giờ hỏi ai cũng có thể khẳng định, cây trồng số một và quan trọng nhất của nông dân tại đây là cây ngô.
Chuyển đổi cây trồng khác, chưa thấy cây nào hiệu quả hơn ngô?
Do thị trường tiêu thụ nông sản gặp nhiều khó khăn, nên bà con nhiều vùng, trong đó có Sơn La đã chuyển qua trồng các loại cây trồng khác như: cao su, mía, cà phê, chè, sắn, dong giềng... Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa tìm ra loại cây nào có thể thay thế được cây ngô. Cụ thể:
+ Sau cây ngô, mía là một cây trồng thế mạnh của người dân Sơn La. Với lợi thế có nhà máy mía đường Sơn La, việc đầu ra của cây mía thuận lợi hơn. Tuy nhiên, nhà máy mía đường chỉ giới hạn công suất, bên cạnh đó, gần đây giá mía đường thường bị đẩy xuống thấp, nông dân trồng mía rất khó khăn.
+ Với cà phê, chè không phải là một cây thế mạnh của Sơn La. Việc phát triển các loại cây cà phê và chè chỉ trong phạm vi một số vùng nhất định như: Mộc Châu, Mai Sơn,... Do vậy, bà con nông dân không thể phát triển ra diện rộng hai cây công nghiệp này.
+ Về cây sắn và cây dong giềng, nông dân cũng có xu hướng chuyển đổi sang trồng trong vài năm gần đây. Tuy nhiên, những loại cây trồng này cũng chưa thực sự đem lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con do giá thu mua rất bấp bênh.
+ Đối với cây cao su, trước đây chủ trương của tỉnh Sơn La và Tập đoàn Cao su Việt Nam là phát triển 20.000 héc-ta vào năm 2015. Đến hết năm 2013, đã trồng được hơn 7.000 héc-ta. Tuy nhiên, trước tình hình biến động bất lợi cho cây công nghiệp này trong thời gian gần đây, mục tiêu phát triển đến năm 2015 đã được Tỉnh ủy, HĐND, UBND Sơn La điều chỉnh xuống 10.000 héc-ta.