Quy định chi tiết về việc lựa chọn nhà thầu của Luật Đấu thầu Luật Đấu thầu (sửa đổi): Chống gian lận, thông thầu |
Luật Đấu thầu bị chồng chéo với nhiều luật khác
Luật Đấu thầu được Quốc hội thông qua trong tháng 11/2013 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2014. Sau gần 9 năm thi hành, Luật Đấu thầu đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng điều chỉnh hoạt động mua sắm, quản lý, sử dụng nguồn vốn, tài sản nhà nước.
Tuy nhiên, quá trình triển khai thi hành luật đã phát sinh không ít "lỗ hổng" như Luật Đấu thầu bị chồng chéo với nhiều luật khác; một số quy định về mua sắm chưa phù hợp với thực tế, làm ảnh hưởng đến tính tự chủ của doanh nghiệp, cũng như làm chậm tiến độ triển khai một số dự án... Chính vì vậy, dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) đã được Chính phủ gấp rút lấy ý kiến đóng góp rộng rãi để có thể trình lên Quốc hội tới đây.
Chia sẻ vướng mắc cụ thể tại Tọa đàm "Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) và tác động đối với các doanh nghiệp", chiều 21/5, TS. Phan Ngọc Trung, nguyên thành viên HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho hay, dự án tổ hợp lọc hoá dầu Long Sơn chính là một minh chứng về những vướng mắc này. Cụ thể, những vướng mắc trong hợp đồng góp vốn, cùng những quy định ràng buộc của Luật Đấu thầu, Luật Doanh nghiệp cũ chỉ cho phép Tập đoàn Dầu khí Việt Nam được quyết định các dự án tối đa là 2.300 tỷ đồng (khoảng 100 triệu USD) trong khi con số này "chỉ là phần rất nhỏ" với một dự án dầu khí. Chính vì những vướng mắc này, PVN đã quyết định rút lui để các nhà đầu tư nước ngoài có thể triển khai dự án thuận lợi.
Về phía Hiệp hội Các nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) cũng nhìn nhận, thực tiễn thời gian qua rất nhiều các gói thầu dù tổ chức đấu thầu rất đúng quy trình theo luật định, đáp ứng cả 8 tiêu chí về tư cách hợp lệ của nhà thầu trong Luật Đấu thầu theo Điều 5 luật đấu thầu 63/2014. Thế nhưng, trong giai đoạn thực hiện gói thầu thì mới xảy ra tình trạng nhà thầu không đủ năng lực hoạt động thi công thực hiện gói thầu.
Vì vậy, VACC đề nghị bổ sung về tư cách hợp lệ: Nhà thầu được chọn tham gia dự thầu phải là doanh nghiệp có năng lực hành nghề, năng lực hoạt động (Chứng chỉ hành nghề)...
Ngoài ra, các quy định về đấu thầu còn "lỏng lẻo" khi quy định cụ thể về hồ sơ mời thầu trong khi đây là nội dung rất quan trọng, nếu quy định không chặt chẽ dẫn tới tình trạng “cài cắm” tiêu chí đánh giá, tạo sự cạnh tranh không bình đẳng, không lành mạnh trong quá trình tổ chức đấu thầu. Một số quy định trong văn bản hướng dẫn thực thi luật chưa chặt chẽ, dẫn tới tình trạng tùy tiện trong phát hành hồ sơ mời thầu...
Cân nhắc về mặt lợi ích của doanh nghiệp
Nhấn mạnh để cân bằng lợi ích Nhà nước và sự linh hoạt của hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như sự đa dạng của thực tiễn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phan Đức Hiếu cho rằng, trong rất nhiều trường hợp, khi công ty con có sở hữu trên 50% vốn của doanh nghiệp nhà nước thì lợi ích của Nhà nước và lợi ích của các nhà đầu tư tư nhân khác là tương đương nhau. Do vậy, rất cần có cơ chế bảo vệ nhà đầu tư tư nhân để phù hợp với hoạt động sản xuất kinh doanh của họ, bảo đảm tính nhanh nhạy, vì lợi ích doanh nghiệp.
Ngoài ra, hiện nay, nhiều doanh nghiệp nhà nước nắm một phần vốn điều lệ cũng đã thiết kế những quy trình, thủ tục đấu thầu phù hợp, bảo đảm tốt nhất lợi ích của các cổ đông và của chính doanh nghiệp, trong một số trường hợp, cơ chế bảo vệ lợi ích của họ thậm chí còn tốt hơn. Vì vậy, không nhất thiết phải áp dụng một quy trình cứng nhắc mà theo yêu cầu thực tế của doanh nghiệp và cổ đông.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phan Đức Hiếu lưu ý và đề xuất, với những lý do trên, nên cân nhắc chỉ giới hạn mở rộng đối tượng điều chỉnh đối với công ty con sở hữu 100% vốn doanh nghiệp nhà nước, không nên mở rộng phạm vi áp dụng của Luật Đấu thầu với đối tượng là doanh nghiệp có vốn của doanh nghiệp nhà nước trên 50% vốn điều lệ vì sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy.
Liên quan về vấn đề này, trước đó, ông Dương Khắc Mai - Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cũng nhận định: Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định "doanh nghiệp nhà nước là doanh nghiệp mà nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ"; đến Luật Doanh nghiệp năm 2020 đã mở rộng đối tượng, theo đó "doanh nghiệp nhà nước là doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết". Do đó, việc quy định phạm vi điều chỉnh đối với dự án đầu tư của doanh nghiệp nhà nước là đã mở rộng phạm vi điều chỉnh so với Luật Đấu thầu hiện tại.
Nếu theo phương án điều chỉnh cả đối với gói thầu thuộc dự án đầu tư của doanh nghiệp có trên 50% vốn thuộc sở hữu của doanh nghiệp nhà nước sẽ mở rộng phạm vi điều chỉnh nhiều so với luật hiện hành và như vậy không bảo đảm quyền tự chủ kinh doanh và lựa chọn hình thức tổ chức kinh doanh, quyền lựa chọn hình thức, phương thức huy động, phân bổ và sử dụng vốn của doanh nghiệp theo quy định tại Điều 7 của Luật Doanh nghiệp.