Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng phát biểu tại hội nghị |
Đây là khẳng định của Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng tại “Hội nghị tổng kết công tác tái cơ cấu, cổ phàn hóa, thoái vốn doanh nghiệp thuộc Bộ Công Thương giai đoạn 2011-2015, kế hoạch 2016 – 2020”, diễn ra sáng nay tại Hà Nội.
Hoàn thành sắp xếp, cổ phần hóa 15 doanh nghiệp
Theo chỉ đạo của Chính phủ , giai đoạn 2011-2015 Bộ Công Thương thực hiện cổ phần hóa 3 Tổng công ty và 8 Công ty TNHH MTV trực thuộc Bộ.
Tính đến tháng 12/2015, Bộ Công Thương đã hoàn thành và chuyển đổi 8 doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, gồm: Tập đoàn Dệt may Việt Nam, Tổng công ty Công nghiệp dầu thực vật Việt Nam, Công ty TNHH MTV Giao nhận kho vận ngoại thương, Công ty TNHH MTV Điện máy, Công ty TNHH MTV Du lịch và Xúc tiến thương mại , Công ty TNHH Viện máy và dụng cụ công nghiệp IMI, Công ty TNHH MTV Caric, Công ty TNHH MTV Cơ khí Duyên hải trực thuộc Tổng Công ty máy và thiết bị công nghiệp. Trong đó có 3 doanh nghiệp nhà nước không nắm giữ cổ phần chi phối là Tổng công ty Dầu Thực vật Việt Nam, Công ty TNHH MTV Du lịch và Xúc tiến thương mại, Công ty TNHH MTV Caric trực thuộc Tổng công ty máy và thiết bị công nghiệp). Hiện nay, tổng số vốn nhà nước còn nắm giữ ở 8 doanh nghiệp trên đạt hơn 3.600 tỷ đồng.
Lãnh đạo Bộ Công Thương lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp về cổ phần hóa, tái cơ cấu |
Thông tin từ Ban đổi mới và Phát triển doanh nghiệp Bộ Công Thương cho hay, dự kiến năm 2015 và Quý 1/2016, Bộ hoàn thành việc cổ phần hóa 7 doanh nghiệp, trong đó có 3 tổng công ty gồm: Tổng công ty Máy Động lực và máy nông nghiệp Việt Nam, Tổng công ty Giấy Việt Nam, Tổng công ty Máy và Thiết bị công nghiệp và 4 Công ty TNHH MTV gồm: Điện máy và Đầu tư, Xây lắp và vật liệu xây dựng, Thực phẩm và đầu tư công nghệ Fococoev, Vật liệu xây dựng và xây lắp thương mại BMC.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết: Đến năm 2015, đã có 287 trên tổng số 299 doanh nghiệp nhà nước của ngành Công Thương được cổ phần hóa xong. Riêng trong giai đoạn 2011-2015 Bộ hoàn thành công tác xắp xếp, cổ phần hóa 15 doanh nghiệp theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
“Công tác tái cơ cấu và thoái vốn tại doanh nghiệp Nhà nước cũng được thực hiện theo đúng chỉ đạo của Chính phủ. Hiện tại, Bộ và các doanh nghiệp đang tiếp tục thực hiện công tác tái cơ cấu theo ngành, theo lĩnh vực quản lý, thoái vốn khỏi lĩnh vực đầu tư ngoài ngành, nhất là những lĩnh vực tài chính, bảo hiểm, ngân hàng, chứng khoán.”- Bộ trưởng khẳng định.
Sẽ có những giải pháp cụ thể
Theo ông Phan Đăng Tuất, Ban đổi mới và Phát triển doanh nghiệp Bộ Công Thương, quá trình cổ phần hóa, tái cơ cấu và thoái vốn tại các doanh nghiệp ngành Công Thương đã gặp rất nhiều vướng mắc về tài chính, tái cơ cấu, lao động… liên quan tới việc xác định giá trị doanh nghiệp, phương án cổ phần hóa, IPO và thành lập doanh nghiệp.
Đại diện doanh nghiệp nêu ý kiến tại hội nghị |
Để đẩy nhanh hoạt động này, các doanh nghiệp cũng đưa ra nhiều kiến nghị cụ thể, đề xuất các cơ chế đặc thù liên quan đến tài sản thanh lý, xử lý nợ tồn đọng không rõ nguồn gốc, giá nào để thoái vốn sau IPO và về nhà đầu tư nước ngoài…
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng chia sẻ: Mặc dù đã có sự chỉ đạo quyết liệt nhưng thực tế công tác thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn cũng như tái cơ cấu doanh nghiệp của ngành Công Thương chưa được như mong muốn. Trong bối cảnh thị trường chứng khoán chưa khởi sắc, doanh nghiệp thuộc diện cổ phần hóa đang khó khăn, việc giải quyết công nợ, tài sản còn nhiều vướng mắc… nên nếu không có quyết tâm của Bộ và lãnh đạo các doanh nghiệp cũng như sự hỗ trợ có hiệu qủa tích cực của các bộ, ngành Trung ương để cùng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thì một số kế hoạch thoái vốn của ngành Công Thương khó mà thực hiện đúng kế hoạch.
Từ những vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp trong quá trình tái cơ cấu, thoái vốn và cổ phần hóa, Bộ Công Thương sẽ tiếp thu và có phương hướng cụ thể, tìm ra những giải pháp thực hiện kế hoạch của năm 2015 cũng như giai đoạn 2016-2020. Cụ thể, Bộ trưởng yêu cầu trong năm 2016 các doanh nghiệp đã cổ phần hóa phải thực hiện tốt các phương án thoái vốn, thúc đẩy hiệu quả sản xuất kinh doanh.
“Trong khi chờ Chính phủ và các Bộ, ngành giải quyết những khó khăn, vướng mắc mà doanh nghiệp gặp phải thì các doanh nghiệp vẫn cần tiếp tục thực hiện công tác cổ phần hóa, thoái vốn để đảm bảo tiến độ. Đặc biệt, năm 2016, Bộ Công Thương dự kiến sẽ tổ chức diễn đàn kêu gọi xúc tiến đầu tư vào các doanh nghiệp đã cổ phần hóa của ngành Công Thương. ”- Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nhấn mạnh.