Khó kiểm soát
Sau Tết Nguyên đán là thời điểm của mùa du lịch lễ hội ở hầu khắp các địa phương trên nước ta như lễ bà Chúa Kho, lễ hội Lim (Bắc Ninh), lễ khai ấn đền Trần (Nam Định), lễ hội phủ Tây Hồ (Hà Nội)… Mỗi ngày lượng khách thăm quan đổ về các địa điểm này là rất lớn.
Đơn cử ngay tại Hà Nội, theo Ban quản lý di tích phủ Tây Hồ, trong dịp lễ hội, mỗi ngày nơi đây đón tiếp từ 8 – 10 ngàn lượt người. Đi cùng với đó là các dịch vụ ăn uống, thức ăn nhanh tại đây được dịp nở rộ hơn bao giờ hết. Ngay trong những ngày đầu xuân, hình ảnh xúc xích, thịt xiên, bánh tôm, kẹo kéo... được bày bán lộ thiên dọc đường vào phủ vẫn tồn tại khá nhiều. Với thời tiết ẩm ướt, lượng người qua lại đông, việc thực phẩm nhiễm vi khuẩn là khó tránh khỏi.
Còn tại các cửa hàng kinh doanh ẩm thực, việc sơ chế, vệ sinh bát đĩa đã qua sử dụng làm qua loa ngay trước mặt khách hàng. Tuy nhiên, do nhu cầu người dân khi du xuân thường nhanh mệt, đói nên một lượng lớn vẫn tìm đến các quán ăn, cửa hàng này với tâm lý «khuất mắt trông coi ». Đây cũng là tình trạng chung của nhiều điểm du lịch vào thời điểm này.
Trong khi đó, việc kiểm soát quản lý các cơ sở kinh doanh là không hề dễ dàng. Nguyên nhân chính là do các mặt hàng thực phẩm khá đa dạng, số lượng nhiều. Địa điểm kinh doanh do tư nhân mở ra thường không cố định lại càng gây khó cho các ban quản lý ngay tại khu vực.
Tăng cường công tác đảm bảo an toàn thực phẩm
Chính vì thế, ngay từ ngày 26/2/2015 Bộ Y tế đã ban hành Công điện số 1226/CĐ – BYT về việc tăng cường công tác đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm trong mùa lễ hội 2015.
Theo đó, Bộ Y tế sẽ có sự phối hợp với Uỷ ban nhân dân, Sở Y tế các tỉnh thành phố trong cả nước cùng các đơn vị có liên quan. Sở Y tế và chính quyền các địa phương nơi diễn ra lễ hội, tổ chức các đoàn kiểm tra tại khu vực lễ hội, các cơ sở sản xuất thực phẩm có nhiều sản phẩm bán tại các khu vực lễ hội; Xử lý nghiêm các vi phạm an toàn thực phẩm và công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để cảnh báo cho người tiêu dùng biết và không sử dụng những sản phẩm không đảm bảo an toàn; Kiên quyết không để các cơ sở, hộ gia đình kinh doanh thực phẩm không an toàn tại khu vực lễ hội và các địa điểm du lịch.
Các hộ kinh doanh được sắp xếp bố trí hỗ trợ để có đủ nước sạch, nơi thu gom rác, đảm bảo an toàn thực phẩm, vệ sinh chung và cảnh quan lễ hội. Đồng thời, các cơ sở, hộ gia đình kinh doanh thực phẩm tại khu vực lễ hội cũng phải ký cam kết và thực hiện nghiêm các quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm trong quá trình chế biến và bày bán sản phẩm.
Bên cạnh đó, ban quản lý các địa điểm cũng tổ chức tuyên truyền bằng nhiều hình thức (loa phát thanh, băng rôn, poster...) về an toàn thực phẩm và cách lựa chọn, sử dụng thực phẩm an toàn tại khu vực diễn ra lễ hội và các điểm du lịch; Bố trí các đội thường trực, sẵn sàng cấp cứu, điều tra xử lý kịp thời khi xảy ra ngộ độc thực phẩm nhằm giảm thiểu ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.
Mục tiêu của Ban chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn trong kỳ lễ hội 2015 là sẽ giảm thiểu 10% vụ ngộ độc thực phẩm so với cùng kỳ năm 2014.
Riêng trong kỳ nghỉ tết Nguyên Đán kéo dài 9 ngày, Bộ Y tế đã ghi nhận việc toàn quốc không để xảy ra bất cứ trường hợp ngộ độc thực phẩm nào. |