TMĐT - một trong những “chìa khóa” để tăng trưởng xuất khẩu |
Xu hướng tất yếu
Bà Lại Việt Anh - Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) - cho biết: Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có mức tăng trưởng TMĐT nhanh nhất thế giới, với tốc độ khoảng 35%/năm, cao gấp 2,5 lần so với Nhật Bản. Do xuất phát điểm thấp, thời kỳ đầu TMĐT của Việt Nam phát triển rất nhanh và sẽ giảm dần nhịp độ vào giai đoạn tiếp theo.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam - ông Lê Hải Bình - cũng cho hay: Nhận biết được giá trị của TMĐT trong việc tìm kiếm thêm khách hàng mới, gia tăng doanh thu, những năm gần đây, số DN ứng dụng TMĐT vào hoạt động kinh doanh đã tăng lên rất nhiều so với 5-7 năm về trước.
Tuy nhiên, việc ứng dụng TMĐT để tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của các DN vừa và nhỏ còn rất khiêm tốn, ước tính chỉ khoảng 21% số DN này liên kết được với chuỗi cung ứng. Minh chứng là một số ngành hàng đạt giá trị xuất khẩu rất cao, nhưng giá trị gia tăng lại thấp do phụ thuộc quá nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu và tăng trưởng dựa trên sử dụng lao động giá rẻ; hàm lượng ứng dụng công nghệ trong tự động hóa và điều hành sản xuất của DN còn thấp
Đưa ra xu hướng hiện nay, bà Lại Việt Anh cho rằng, một trong những chìa khóa để tăng trưởng xuất khẩu cũng như cải thiện hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN trong thời đại công nghệ hiện nay chính là TMĐT. “Nếu các DN nhỏ và vừa chi hơn 30% ngân sách cho công nghệ thì khả năng doanh thu sẽ tăng gấp 9 lần so với DN chi dưới 10%” - đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số nói.
Quản lý chặt chẽ, chế tài đủ mạnh
Mặc dù được đánh giá là chìa khóa thúc đẩy sản xuất, kinh doanh nhưng thực tế vẫn còn
DN gặp khó với TMĐT. Ông Đỗ Phi Long- Giám đốc kinh doanh- Công ty CP Phát triển sự nghiệp - chia sẻ: Công ty hiện đã đưa hàng hóa lên một số trang TMĐT như Lazada, Sendo để tiêu thụ. Việc này đã giúp giảm đáng kể chi phí nhân sự, quản lý thông tin hàng hóa tới người tiêu dùng tốt hơn. Tuy nhiên, DN phải mất khá nhiều chi phí cho các trang TMĐT, rủi ro khá cao do khách hàng hủy hợp đồng. Về những điểm nghẽn của DN hiện nay trong ứng dụng TMĐT, ông Lê Hải Bình khái quát: Vấn đề mấu chốt không phải là do thiếu công nghệ, thiếu vốn mà do DN không đủ quyết tâm. Việc tăng một lượng doanh thu không lớn so với hiện tại trong khi phải bỏ thêm vốn đầu tư, thậm chí phải thay đổi cách quản lý đã không hấp dẫn chủ DN.
Hơn nữa, DN Việt Nam thường có tư duy thích tự làm, vô hình trung đã làm phát sinh chi phí nhân lực và đặc biệt là chi phí cơ hội. Đặc biệt, việc xác định nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa đưa lên các trang TMĐT hiện rất lỏng lẻo khiến công tác thẩm định thiếu minh bạch, dẫn đến sự cạnh tranh không bình đẳng.
“Các cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát trong lĩnh vực TMĐT; đồng thời, tăng chế tài đối với hành vi gian lận. Ngoài ra, hiệp hội ủng hộ quy định DN phải đăng ký khi kinh doanh TMĐT, nhằm bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người tiêu dùng” - ông Long kiến nghị.
Nếu các DN nhỏ và vừa chi hơn 30% ngân sách cho công nghệ thì khả năng doanh thu sẽ tăng gấp 9 lần so với DN chi dưới 10%. |