Tăng trưởng tín dụng tìm đường về đích
Nối dài danh sách các ngân hàng thực hiện giảm lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng phục hồi sau cơn bão số 3, Ngân hàng TMCP An Bình (ABBANK) vừa công bố áp dụng giảm lãi suất cho vay lên tới 1,5%/năm trong vòng 6 tháng cho các khách hàng cá nhân có khoản vay sản xuất kinh doanh.
Khách hàng vay sản xuất kinh doanh ngắn hạn, tùy theo mức độ bị thiệt hại sẽ được áp dụng giảm đến 0,7%/năm lãi suất trong toàn bộ thời gian còn lại của khoản vay hiện hữu cho đến ngày đáo hạn.
Bà Nguyễn Thị Hương – Phó Tổng giám đốc ABBANK chia sẻ: “Chúng tôi mong rằng chính sách hỗ trợ này của ngân hàng sẽ góp phần tạo điều kiện thuận lợi để các khách hàng chịu ảnh hưởng, thiệt hại do cơn bão số 3 có thể nhanh chóng ổn định cuộc sống, khắc phục hậu quả sau bão và khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh.”
Tăng trưởng tín dụng tìm đường về đích. Ảnh: Linh Linh |
Ngoài các chương trình ưu đãi lãi suất cho vay, ngân hàng cũng tiếp tục chủ động rà soát thiệt hại của các khách hàng đang vay vốn để kịp thời đưa ra những biện pháp hỗ trợ cụ thể như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, tiếp tục cho vay mới khôi phục sản xuất kinh doanh sau bão theo các quy định hiện hành của Ngân hàng Nhà nước.
Một nhà băng khác là BAC A BANK cũng vừa công bố gói tín dụng quy mô 500 tỷ đồng từ nay đến 21/3/2025, giúp người dân sớm ổn định cuộc sống, khôi phục hoạt động kinh doanh. Nếu có nhu cầu vay trung, dài hạn, khách hàng được hỗ trợ lãi suất chỉ từ 4,9%/năm; thời gian hưởng ưu đãi tối đa lên tới 9 tháng. Bên cạnh đó, BAC A BANK cũng áp dụng lãi suất siêu cạnh tranh cho các khoản vay ngắn hạn, với biên độ chỉ từ 0,9%/năm so với lãi suất cơ sở sản phẩm, Song song với đó, đối với các khoản vay hiện hữu, tùy vào mức độ thiệt hại do bão số 3 gây ra, ngân hàng sẽ áp dụng các biện pháp hỗ trợ miễn giảm lãi vay, giãn nợ, cơ cấu lại nợ vay… phù hợp.
Như vậy, tính tới thời điểm này, đã có gần 40 ngân hàng đăng ký gói tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp và người dân phục hồi sau cơn bão số 3 với mức lãi suất thấp hơn lãi suất cho vay hiện tại từ 0,5-2%/năm, với tổng số tiền hơn 405 nghìn tỷ đồng.
Sự vào cuộc mạnh mẽ của các ngân hàng được dự báo sẽ là động lực không chỉ giúp các hộ dân, doanh nghiệp khôi phục sản xuất kinh doanh mà còn hiện thực hóa được mục tiêu tăng trưởng tín dụng của năm nay.
Số liệu thống kê mới nhất của ngành ngân hàng cho thấy, tính đến ngày 17/9/2024, tín dụng của toàn hệ thống ngân hàng tăng 7,38% so với cuối năm 2023, con số này ghi nhận mức tăng cao hơn so với cùng kỳ năm trước, (chỉ đạt 5,73%).
Bức tranh tăng trưởng tín dụng tính đến thời điểm này ghi nhận sự phục hồi mạnh mẽ của nhóm ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân. Nếu như toàn ngành tăng 7,38% thì khối ngân hàng cổ phần tư nhân tăng tới 8,6%, mức tăng cao nhất toàn hệ thông và chiếm 45% thị phần.
Điểm qua các thương hiệu top 10 đều thấy dư nợ của các ngân hàng này đều tăng trên dưới 10% so với cuối năm 2023. Cụ thể, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) đến hết tháng 8 đạt dư nợ tín dụng khoảng 685.000 tỷ đồng, tăng trưởng 11,14% so với năm 2023. Ngân hàng Lộc Phát (LPBank) tăng tới 15,97% (dư nợ tăng thêm là gần 44.000 tỷ đồng). Hay Nam A Bank cũng đã dùng hết 85% chỉ tiêu tín dụng của năm nay tính đến hết tháng 8, với mức tăng trưởng tín dụng là 14%.
Nhận định về bức tranh tín dụng, giảng viên Trường Đại học Kinh tế TP.Hồ Chí Minh- PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân cho rằng, với đà tăng trưởng tín dụng hiện nay, trong những tháng cuối năm, dư nợ của ngành ngân hàng khả năng sẽ có cải thiện nhất định. Thông thường, mùa kinh doanh cao điểm sẽ rơi vào cuối năm và nhu cầu vốn của khách hàng sẽ tăng cao, kéo theo nhu cầu về vốn tín dụng tăng.
Phó Thống đốc Ngân hàng nhà nước Phạm Quang Dũng cho biết, bên cạnh con số tăng trưởng tín dụng chung cao hơn so với cùng kỳ thì tín dụng đối với các ngành đều cải thiện, cơ cấu tín dụng phù hợp với định hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Trong đó tín dụng đối với ngành thương mại và dịch vụ tăng tích cực, chiếm khoảng 50% dư nợ ngành thương mại và dịch vụ toàn hệ thống. Tín dụng tiếp tục hướng vào các hoạt động sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, tín dụng tiêu dùng phục hồi. Dư nợ cho vay phục vụ nhu cầu đời sống và dư nợ tín dụng qua thẻ tín dụng tăng 4,93%, cao hơn so với cùng kỳ năm trước.
Để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng tín dụng của năm nay, bên cạnh các giải pháp vĩ mô như thúc đẩy tổng cầu thông qua tăng cường giải ngân vốn đầu tư công; đồng bộ giải pháp phát triển thị trường bất động sản bền vững thì các chuyên gia kinh tế cho rằng các ngân hàng thương mại cần tiếp tục kéo giảm chi phí vốn để giảm mặt bằng lãi suất cho vay. Đồng thời, rốt ráo triển khai kết nối ngân hàng, doanh nghiệp tại các địa phương. Đặc biệt, cần sử dụng tốt chính chính sách tài khóa để “chia lửa” với chính sách tiền tệ đang có xu hướng chạm điểm tới hạn.
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh, cùng với việc quyết liệt thực hiện nhiều giải pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng để hỗ trợ nền kinh tế khắc phục hậu quả do bão số 3 gây ra thì trong những tháng cuối năm cơ quan này sẽ tiếp tục các giải pháp điều hành tín dụng chủ động, linh hoạt, phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô. “Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng tăng cường kiểm soát chất lượng tín dụng, tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, lành mạnh; tiếp tục duy trì ổn định mặt bằng lãi suất tiền gửi và phấn đấu giảm lãi suất cho vay; tháo gỡ và thúc đẩy tín dụng phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh và phục vụ đời sống, tiêu dùng”, Phó Thống đốc Ngân hàng nhà nước Đào Minh Tú khẳng định.