Hỗ trợ chuyển giao công nghệ
Xác định vai trò quan trọng của việc phát triển CNHT giúp đẩy nhanh quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, những năm qua, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách nhằm đẩy mạnh việc đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực cho các DN CNHT. Cụ thể, Nghị định số 111/2015/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển ngành CNHT đã đưa ra một số chính sách như Nhà nước hỗ trợ tối đa 50% kinh phí đối với thực hiện dự án sản xuất thử nghiệm các sản phẩm CNHT; tối đa 50% kinh phí đầu tư trang thiết bị nghiên cứu; 50% kinh phí chế tạo thử nghiệm các sản phẩm CNHT thuộc danh mục sản phẩm ưu tiên phát triển; 75% chi phí chuyển giao công nghệ đối với các dự án sản xuất vật liệu có sử dụng trên 85% nguyên liệu trong nước.
Tiếp đó, Quyết định số 10/2017/QĐ-TTg về việc ban hành quy chế quản lý và thực hiện chương trình phát triển CNHT cũng quy định hỗ trợ tối đa 100% cho hoạt động xây dựng và ban hành các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia lĩnh vực CNHT, xây dựng và công bố tiêu chuẩn về nguyên liệu, vật liệu, linh kiện và phụ tùng; hỗ trợ tối đa 50% cho hoạt động nghiên cứu ứng dụng, sản xuất thử nghiệm sản phẩm CNHT ưu tiên phát triển, chuyển giao công nghệ cho các DN và các cơ sở nghiên cứu trong lĩnh vực CNHT.
Ngoài ra, ngành CNHT còn được ưu tiên xem xét hỗ trợ từ nguồn vốn của Quỹ Phát triển KH&CN quốc gia đối với các chi phí chuyển giao công nghệ, mua bản quyền thiết kế, mua phần mềm, thuê chuyên gia nước ngoài. Bên cạnh đó, Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia cũng thực hiện cho vay ưu đãi, bảo lãnh để vay vốn cho các tổ chức, DN nói chung, trong đó có DN CNHT phát triển công nghệ mới, công nghệ tiên tiến, công nghệ cao…
Nâng cao tỷ lệ nội địa hóa
Đáng nói hơn, thông qua thực hiện các chương trình/đề án khoa học và công nghệ cấp quốc gia đã tạo ra nhiều chủng loại vật liệu, linh kiện, sản phẩm, quy trình công nghệ… phục vụ ngành CNHT có chất lượng cao, có khả năng thay thế các sản phẩm nhập khẩu cùng loại với giá thành thấp phục vụ nhu cầu của các DN trong nước.
Điển hình, các nhiệm vụ thuộc Chương trình nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ vật liệu mới đã tạo ra trên 90 loại vật liệu, máy móc và trên 100 quy trình công nghệ, trong đó bao gồm nhiều loại vật liệu thuộc lĩnh vực CNHT như bột huỳnh quang ba màu, màng bảo quản thực phẩm, cao su kỹ thuật, khuôn mẫu kim loại…
Hoặc, Chương trình nghiên cứu ứng dụng và phát triển cơ khí tự động hóa đã triển khai các đề tài với hầu hết các sản phẩm được chế tạo lần đầu ở trong nước có khả năng ứng dụng cao. Trong đó có nhiều sản phẩm thuộc lĩnh vực CNHT như hệ thống tự động mài và bôi keo đế giày, mũ giày trong sản xuất giày dép, sản xuất linh kiện nhựa có độ chính xác cao, hệ thống đổ sợi tự động, hệ thống khuôn ép phun…
Đặc biệt, các nhiệm vụ thuộc Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đã hỗ trợ một số DN sản xuất sản phẩm CNHT như đổi mới và hoàn thiện công nghệ chế tạo các chi tiết điển hình từ hợp kim kẽm, hợp kim nhôm nhằm nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm, hướng tới thị trường quốc tế; thiết kế và chế tạo một số loại đồ gá hàn khung vỏ xe ô tô con; công nghệ chế tạo vật liệu tản nhiệt cho thiết bị điện, điện tử trên nền ống vật liệu nano carbon…
Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, để thúc đẩy các DN CNHT phát triển cần có những chính sách thiết thực và hiệu quả, cùng với đó cần có các giải pháp hỗ trợ cụ thể để các DN có thêm nhiều điều kiện thuận lợi và động lực để phát triển ngành CNHT. |