Việt Nam - Trung Quốc: Đẩy mạnh hợp tác giữa các địa phương, mở rộng quy mô thương mại Hiệp định EVFTA giúp nâng tầm quan hệ thương mại Việt Nam - Latvia |
Trong thời gian tham gia Chương trình Quản lý Lãnh đạo Cao cấp Việt Nam (VELP), chiều 2/4 (giờ địa phương), tại Boston, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã có cuộc trao đổi với Đại diện Thương mại Katherine Tai và gặp đại diện trí thức người Việt tiêu biểu.
Triển khai hiệu quả các lĩnh vực kinh tế - thương mại
Tại cuộc trao đổi với Đại diện Thương mại Hoa Kỳ, Phó Thủ tướng Chính phủ cho biết, chính sách nhất quán của Việt Nam là xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả; nhấn mạnh khuôn khổ quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện hai nước đã thiết lập vào tháng 9 năm 2023 sẽ tạo không gian và động lực mới cho hợp tác giữa hai nước trên nhiều lĩnh vực.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái trao đổi với Đại diện Thương mại Katherine Tai. Ảnh: VGP/Trần Mạnh |
Phó Thủ tướng đề nghị hai nước tiếp tục triển khai hiệu quả khuôn khổ quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, nhất là trong các lĩnh vực trọng tâm như kinh tế - thương mại - đầu tư và các lĩnh vực đột phá như khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, giáo dục-đào tạo…; cho rằng hai bên cần tiếp tục cụ thể hoá để hợp tác mang lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp và người dân hai nước.
Bà Katherine Tai bày tỏ vui mừng về sự phát triển của quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ kể từ khi hai nước nâng cấp lên Đối tác chiến lược toàn diện, khẳng định sẽ tích cực phối hợp triển khai các nội dung đã thống nhất trong Tuyên bố chung, nhất là trong lĩnh vực kinh tế - thương mại – đầu tư.
Bà Katherine Tai mong muốn tiếp tục thúc đẩy hợp tác song phương thông qua khuôn khổ Hiệp định khung về thương mại và đầu tư (TIFA) và trong đàm phán Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương vì thịnh vượng (IPEF) thời gian tới.
Cộng đồng người Việt ở nước ngoài là một phần không thể tách rời của dân tộc
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái: Đảng, Nhà nước, Chính phủ luôn coi cộng đồng người Việt ở nước ngoài là một bộ phận máu thịt của dân tộc. Ảnh: VGP/Trần Mạnh |
Tại cuộc gặp với Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, đại diện trí thức Việt kiều tiêu biểu là những giáo sư, tiến sỹ, chuyên gia trong các lĩnh vực khoa học công nghệ như bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, tài chính, y tế, luật… đang công tác, giảng dạy tại trường Đại học Harvard, các công ty, hiệp hội có uy tín tại Boston đánh giá cao những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam; cho rằng vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế tiếp tục được nâng cao, nhất là sau khi Việt Nam và Hoa Kỳ nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện; khẳng định luôn tự hào, hướng về quê hương, đất nước.
Các trí thức Việt kiều có mặt tại cuộc gặp bày tỏ mong muốn Quốc hội, Chính phủ Việt Nam tạo điều kiện hơn nữa về cơ chế, chính sách để kiều bào đóng góp nhiều hơn cho đất nước, đồng thời đưa ra một số kiến nghị, đề xuất liên quan đến các lĩnh vực bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học, phát triển thị trường tài chính…, cho rằng Việt Nam đang có cơ hội để thu hẹp và bắt kịp các nước về trình độ khoa học – công nghệ, nhất là trong những ngành khoa học mới nổi.
Phó Thủ tướng thay mặt Đoàn Việt Nam thông tin về thành tựu kinh tế - xã hội, đối ngoại của đất nước thời gian qua; cho biết Chính phủ Việt Nam đang quyết liệt thực hiện các mục tiêu trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, trong đó ưu tiên phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là trong các lĩnh vực như: Công nghiệp điện tử - bán dẫn, trí tuệ nhân tạo….
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái và các đại biểu chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: VGP/Trần Mạnh |
Phó Thủ tướng khẳng định Đảng, Nhà nước, Chính phủ luôn coi cộng đồng người Việt ở nước ngoài là một bộ phận máu thịt của dân tộc; đánh giá cao và mong muốn cộng đồng tiếp tục có những dự án, hoạt động cụ thể đóng góp tích cực vào việc triển khai các ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.
Ghi nhận các ý kiến, những nguyện vọng, đề xuất của bà con, Phó Thủ tướng giao các Bộ, ngành, cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu trong quá trình đề xuất các giải pháp chính sách thời gian tới.