CôngThương - Thực trạng kinh tế biển của chúng ta
Phát biểu với hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết: Kim ngạch xuất khẩu (KNXK) thủy sản năm 2013 đạt trên 6,7 tỷ USD tăng 9,6% so với năm trước, vượt mức dự báo và mục tiêu đề ra là 6,5 tỷ USD. Trong đó tăng mạnh nhất là mặt hàng tôm, KNXK đạt 3,1 tỷ USD tăng 39,1%, chiếm khoảng 46% nhóm hàng thủy sản XK. Tôm Việt Nam XK đến 85 thị trường quốc tế. Bên cạnh đó, nhiều mặt hàng thủy sản khác như cá tra, cá ngừ đại dương… đều không ổn định.
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết thêm, năm 2013 VN đã XK thủy sản sang 172 thị trường, tăng so với 157 thị trường của năm 2012. Trong đó những thị trường lớn của thủy sản VN là Mỹ, EU, Nhật bản… Đặc biệt thị trường Trung Quốc cũng tăng mạnh chiếm thứ 4 về NK thủy sản của nước ta.
Năm 2014, XK thủy sản của nước ta đang đối mặt với nhiều khó khăn trong đó có những rào cản thương mại từ một số nước áp đặt vào những sản phẩm XK truyền thống của nước ta. Như Mexico duy trì lệnh tạm ngừng NK tôm từ VN, Nga ngừng NK cá tra VN từ đầu năm 2014, ngay Nhật Bản- thị trường quen thuộc- cũng bắt đầu áp dụng chế độ kiểm tra 100% lô hàng tôm NK của VN từ tháng 3/2014; Mỹ thực hiện áp dụng biện pháp áp thuế chống bán phá giá với mặt hàng cá tra, cá ba sa của VN… Tuy nhiên bằng nhiều biện pháp kể cả đàm phán, đấu tranh… VN phấn đấu năm nay duy trì được mức KNXK không thấp hơn năm trước và có khả năng tăng trưởng từ 2,5 đến 3,5%, tương đương 6,9- 7,0 tỷ USD.
Năng lực nghề cá còn yếu
Nói về thực trạng nghề cá của chúng ta, Bộ trưởng Cao Đức Phát- Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, tính đến năm 2013 cả nước có 117.998 tàu cá, trong đó tàu có công suất trên 90CV là 28.285 chiếc (chiếm 23,1%); sản lượng khai thác đạt 2,7 triệu tấn. Cả nước có 3.750 tổ đội sản xuất trên biển với khoảng 22.000 tàu cá tham gia/145.000 lao động và 59 nghiệp đoàn nghề cá. Do tàu cá công suất thấp chiếm số lượng lớn nên ngư dân VN chủ yếu là khai thác thủy hải sản ven bờ, vì vậy nguồn tài nguyên thủy hải sản ven bờ đang có dấu hiệu suy giảm
Năng lưc hạ tầng khai thác cũng chưa đáp ứng được. Cụ thể cả nước chỉ có 83 cảng cá, trong khi đó quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt là 211 cảng cá, bến cá. Khu neo đậu tàu thuyền trú bão hiện có là 71, quá thấp so với phê duyệt là 131 khu. Chưa nói đến một số cảng cá, khu neo đậu đưa vào khai thác do thiếu duy tu, bao dưỡng đã sớm xuống cấp…
Đối với cơ sở chế biến thủy sản của nước ta có đầu tư khá, hiện cả nước có 583 DN chế biến thủy sản, trong đó hơn 410 cơ sở đạt tiêu chuẩn an toàn VSTP, gần 450 DN đảm bảo các quy phạm GMP, SSOP, HACCP, ISO 14001…đạt tiêu chuẩn XK sang các thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật bản… Tổng công suất chế biến đông lạnh khoảng 8000 tấn/ngày
Còn đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, những năm qua vốn đầu tư cơ sở hạ tầng thủy sản chủ yếu tập trung cho vùng đồng bằng sông Cửu Long còn các vùng khác chưa được đầu tư nhiều. Mặt khác, mức đầu tư cho các chương trình mục tiêu ngành thủy sản còn chiếm tỉ trọng rất thấp trong cơ cấu đầu tư của nhà nước. Cơ sở hạ tầng nghề cá như thủy lợi phục vụ nuôi trồng, cảng cá, chợ cá, chợ thủy sản đầu mối, khu tránh trú bão… đều chưa được đầu tư đúng mức nên ảnh hưởng không nhỏ đến việc tăng trưởng của ngành thủy sản…
Nghề cá cần hỗ trợ của Nhà nước
Trên cơ sở đường lối chủ trương của Đảng và Chính phủ về “chiến lược biển VN đến năm 2020” nhiều chủ trương, chính sách đã được ban hành hướng về ngư dân, hướng về phát triển kinh tế biển; tuy nhiên như nhiều đại biểu cho biết vẫn đang còn nhiều khó khăn trong tiếp cận các chính sách. Các đại biểu cho rằng, hiện nay 99% tàu cá là tàu gỗ, do đó hoạt động đánh bắt của ngư dân chủ yếu là gần bờ, việc khai thác quá nhiều khiến nguồn lợi thủy sản gần bờ bị cạn kiệt.
Theo bà Trần Thị Thu Hà, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, tiềm năng đánh bắt xa bờ còn rất lớn nhưng chưa có nhiều tàu đủ khả năng hoạt động. Do đó việc đóng tàu sắt cho ngư dân là cần thiết, tuy nhiên, hiện nay đa phần ngư dân có trình độ học vấn còn hạn chế, đã quen sử dụng các phương tiện đánh bắt truyền thống nên việc sử dụng tàu sắt sẽ còn nhiều khó khăn. Vì vậy, khi đóng tàu sắt cho ngư dân cần phải có kế hoạch thiết kế mẫu tàu cho phù hợp.
Cùng chung ý kiến, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đức Quyền cho rằng, khai thác thủy sản trên biển hiện nay cho hiệu quả rất thấp, trong khi đó rủ ro đối với ngư dân cao. Ngư dân chịu nguy hiểm nhiều nhất, vất vả nhất nhưng hưởng lợi lại thấp nhất. Bên cạnh đó, đóng một tàu sắt đánh bắt cần một nguồn vốn rất lớn, trong khi lãi suất ngân hàng lại đang còn cao, vì vậy cần xem xét các cơ chế ưu đãi cho ngư dân khi hoạt động bám biển.
Ông Lê Dũng- Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau- kiến nghị với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sớm có điều tra ngư trường biển để đánh giá về trữ lượng, nguồn lợi xa bờ để có kế hoạch khai thác.
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng thay mặt Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cần có chính sách tín dụng cho các hộ, hợp tác xã khai thác thủy sản nhằm khắc phục tình trạng thiếu nguyên liệu cho chế biến hải sản XK hiện nay; tăng kinh phí xúc tiến thương mại dành cho nhóm hàng nông thủy sản. Đồng thời kiến nghị các địa phương cần ngăn việc nông dân tự ý chuyển đổi tự phát từ trồng cây nông nghiệp sang nuôi tôm, không theo quy hoạch sẽ có nhiều tác hại về kinh tế cũng như môi trường. Bộ trưởng cũng đề nghị các bộ, ngành liên quan phối hợp với các đơn vị của Bộ Công Thương đàm phán đấu tranh để nước nhập khẩu bỏ những rào cản bất hợp lý về tiêu chuẩn kỹ thuật đối với thủy sảnVN
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao những nỗ lực của các bộ, ngành trong xây dựng các kế hoạch phát triển cho ngành thủy sản. Tuy nhiên, Thủ tướng cũng cho rằng, những kết quả của ngành thủy sản đạt được chưa thực sự tương xứng với tiềm năng to lớn của vùng biển Việt Nam bởi những hạn chế còn tồn đọng của ngành thủy sản như về năng lực sản xuất, trình độ sản xuất của ngư dân còn thấp, sức cạnh tranh thấp, giá trị gia tăng của sản phẩm thấp, hiệu quả sản xuất còn thấp, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển chung. Đặc biệt là vấn đề chiến lược, quy hoạch trong kinh doanh chưa rõ ràng, chưa hình thành được những liên kết về chuỗi gia tăng giá trị…
Về vấn đề hỗ trợ vốn cho ngư dân, Thủ tướng yêu cầu rà soát lại các chủ trương chính sách dành cho ngư dân, thống nhất với thống đốc ngân hàng nhà nước về chính sách tín dụng hỗ trợ cho ngư dân, trước mắt là hỗ trợ vốn cho ngư dân đã có tàu đánh bắt...
Thủ tướng cho rằng, hiện nay biển đang trở thành không gian sinh tồn gắn với độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước ta. “Đảng, Nhà nước và Chính phủ hết sức quan tâm, đầu tư và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho chiến lược biển, phát triển kinh tế biển, đảo gắn với an ninh quốc phòng”. Thủ tướng cũng khẳng định tiếp tục đầu tư cho công tác tìm kiếm cứu nạn và phát triển lực lượng chấp pháp trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam.