63/63 tỉnh, thành phố trên cả nước đều xảy ra các vi phạm trên môi trường online
Báo cáo của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia cho biết, trong những năm gần đây, tình hình hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và sản xuất, buôn bán hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ, vận chuyển trái phép hàng hóa tiếp tục diễn ra với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, khó phát hiện, tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, khó lường.
Theo thống kê của Tổng cục Quản lý thị trường, 9 tháng năm 2024 (từ 15/12/2023-14/9/2024), lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra 54.673 vụ, phát hiện, xử lý 38.107 vụ vi phạm (giảm 6% so với cùng kỳ năm 2023), chuyển Cơ quan điều tra 138 vụ có dấu hiệu hình sự. Tổng số tiền xử lý là 715 tỷ đồng (tăng 23% so với cùng kỳ năm 2023); trong đó, xử phạt vi phạm hành chính 370 tỷ đồng (tăng 11%), trị giá hàng hóa tịch thu gần 169 tỷ đồng (tăng 12%), trị giá hàng hóa buộc tiêu hủy trên 176 tỷ đồng (tăng 87%).
Đặc biệt, về lĩnh vực thương mại điện tử, trong 9 tháng năm 2024, lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra 2.207 vụ, phát hiện, xử lý 2.014 vụ vi phạm, chuyển Cơ quan điều tra 3 vụ việc có dấu hiệu vi phạm hình sự; xử phạt vi phạm hành chính gần gần 35,5 tỷ đồng, trị giá hàng hóa vi phạm trên 29,4 tỷ đồng. Đáng chú ý là cả 63/63 tỉnh, thành phố trên cả nước đều xảy ra các vi phạm trên môi trường online.
Trong đó, vụ việc điển hình là vào đầu tháng 10 khi Tổ thương mại điện tử thuộc Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường kiểm tra kho hàng có dấu hiệu nhập lậu tại chung cư Eco Green do TikToker Phan Thủy Tiên với hơn 4 triệu lượt theo dõi thường xuyên livestream bán trên sàn thương mại điện tử TikTok, Facebook. Đoàn kiểm tra đã tiến hành tạm giữ hơn 10.000 chai nước hoa với các nhãn hiệu True Love, First Love, Mon Paris, Maiden, Karri… không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Trong 9 tháng năm 2024, lực lượng Quản lý thị trường cả nước xử lý 2.014 vụ vi phạm trên thương mại điện tử. Ảnh: Quyên Lưu |
Theo Tổng cục Quản lý thị trường, các hành vi vi phạm chủ yếu trên thương mại điện tử là: Không thông báo website thương mại điện tử bán hàng với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định trước khi bán hàng; Sử dụng biểu tượng đã thông báo để gắn lên website thương mại điện tử bán hàng khi chưa được duyệt hoặc xác nhận thông báo của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định; Không hiển thị công khai cho người tiêu dùng chính sách bảo vệ thông tin cá nhân người tiêu dùng trên trang chủ website thương mại điện tử; Không công bố trên website thương mại điện tử bán hàng thông tin về chủ sở hữu website.
Ông Nguyễn Đức Lê - Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường, Tổng cục Quản lý thị trường cho rằng, lợi dụng kẽ hở từ thị trường thương mại điện tử, nhất là trong khâu vận chuyển hàng hóa, các đối tượng đã trà trộn hàng vi phạm, để trốn tránh sự kiểm tra của lực lượng chức năng. Song với sự nỗ lực của lực lượng Quản lý thị trường cùng các lực lượng chức năng khác, trong 9 tháng qua, công tác đấu tranh phòng chống hàng giả, buôn lậu, gian lận thương mại đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần giữ thị trường ổn định, kiến tạo môi trường kinh doanh lành mạnh.
Tăng cường kiểm tra, xử lý các đối tượng có dấu hiệu vi phạm trên môi trường thương mại điện tử
Ngày 15/10, Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Trần Hữu Linh đã ký công văn gửi Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trong cả nước đề nghị kiểm tra, xử lý các đối tượng có dấu hiệu vi phạm trên môi trường thương mại điện tử.
Theo đó, Tổng cục Quản lý thị trường đề nghị Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố chủ động triển khai các biện pháp nghiệp vụ, khẩn trương tổ chức kiểm tra các tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm theo danh sách 600 website đã được Tổng cục Quản lý thị trường cung cấp tới 63 Cục Quản lý thị trường địa phương; đồng thời xử lý nghiêm các hành vi, vi phạm theo quy định của Luật (nếu có)…
Từ nay đến cuối năm, lưc lượng Quản lý thị trường sẽ tiếp tục tăng cường xử lý các vi phạm trên thương mại điện tử. Ảnh: QLTT |
Để hiện thực hóa mục tiêu này, từ nay đến cuối năm, lực lượng Quản lý thị trường trên cả nước sẽ tăng cường theo dõi, giám sát hoạt động của các tài khoản xác định có dấu hiệu vi phạm, lập vi bằng làm căn cứ; phối hợp với các lực lượng chức năng, chủ các sàn giao dịch để có thể xác định được chính xác địa chỉ thực tế và đấu tranh làm rõ các hành vi vi phạm của các tổ chức, cá nhân theo quy định.
Sau khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm tại địa bàn nào thì chỉ đạo cho đội địa bàn đó thực hiện các biện pháp nghiệp vụ, kiểm tra, xử lý để đạt hiệu quả tối ưu nhất
Ngoải ra, tập trung nghiên cứu để làm chủ được công nghệ và có những chia sẻ dữ liệu lớn giữa các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan để tạo ra các công cụ kỹ thuật đủ mạnh để có thể phân tích, đánh giá, tính toán giám sát các hoạt động thương mại điện tử cũng như phối hợp các đơn vị bán tên miền và cung cấp dịch vụ máy chủ, ngân hàng, viễn thông, chuyển phát trong việc xác minh đối tượng để kiểm tra và xử lý vi phạm.
Kiểm soát chặt chẽ luồng hàng hóa kèm hóa đơn chứng từ theo các đơn vị chuyển phát nhanh, giao nhận hàng hóa, tập kết tại kho hàng, bến bãi.
Tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định pháp lý để chủ động kiểm tra, phát hiện vi phạm, công cụ thanh toán.
Thời gian tới, Tổng cục cũng sẽ phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia để tiến hành tổng hợp, nghiên cứu tính phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành và chuyển thông tin đề nghị tới các nền tảng thương mại điện tử để triển khai kết nối API; tham mưu, phối hợp Cục Công nghiệp An ninh, Bộ Công an trong chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trên môi trường thương mại điện tử thực hiện các nhiệm vụ theo Đề án 319.