Ninh Thuận: Chuyển biến tích cực trong triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” Trung tâm đặc sản Việt Nam: Hỗ trợ quảng bá, tiêu thụ hàng Việt Nam |
Hàng Việt Nam ngày càng được ưa chuộng
Theo Ban chỉ đạo Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam tỉnh Thái Bình, qua 15 năm triển khai thực hiện, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã được các cấp, các ngành và đông đảo doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân trong tỉnh hưởng ứng thực hiện.
Trong đó, công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của người sản xuất và người tiêu dùng được đẩy mạnh với nội dung phong phú, góp phần nâng cao nhận thức của toàn xã hội, giới thiệu, quảng bá sản phẩm hàng hóa Việt Nam đến người tiêu dùng. Công tác rà soát, ban hành bổ sung cơ chế thực hiện cuộc vận động; hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp trong quảng bá, phân phối, tiêu thụ hàng hóa, mở rộng thị trường được các sở, ngành chú trọng đẩy mạnh.
Siêu thị GO Thái Bình có một gian hàng riêng bày bán hàng OCOP (Ảnh: Tập đoàn Central Retail) |
Các cơ quan, tổ chức là thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh đã chủ động, tích cực triển khai các hoạt động kiểm tra, giám sát theo chức năng, nhiệm vụ, góp phần tăng cường công tác quản lý thị trường, bảo đảm tính minh bạch về thông tin, tạo sự công bằng cho các doanh nghiệp và quyền lợi người tiêu dùng. Nhiều mặt hàng sản xuất trong tỉnh từng bước khẳng định thương hiệu sản phẩm, tỷ lệ hàng Việt trong các siêu thị, điểm bán lẻ chiếm 75%.
Về phía Sở Công Thương Thái Bình, để triển khai Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, Sở Công Thương đã tham mưu UBND tỉnh triển khai nhiều giải pháp để nâng thị phần hàng Việt Nam tại các kênh phân phối hiện đại (trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini, thương mại điện tử...) và các kênh phân phối truyền thống (chợ, cửa hàng tạp hóa,...) trên địa bàn.
Nhờ đó, đến nay, trên địa bàn tỉnh có 02 Trung tâm thương mại, 15 siêu thị, 218 chợ, nhiều cửa hàng tiện ích. Song song với đó, tỉnh còn có 7 điểm bán hàng Việt Nam được phân bổ đồng đều trên địa bàn các huyện, thành phố.
Tất cả các điểm bán hàng đều có logo và bộ nhận diện thương hiệu do Bộ Công Thương phát hành, thống nhất thực hiện trên toàn quốc. Chương trình được đông đảo người tiêu dùng và doanh nghiệp, các cơ quan trên địa bàn và cơ quan thông tấn, báo chí, tỉnh bạn biết đến thông qua lễ khai trương điểm bán hàng Việt.
Hiện các trung tâm thương mại đều nỗ lực phân phối hàng Việt Nam như Go Thái Bình có khu vực bày bán hàng OCOP của địa phương và một số tỉnh bạn. Thị phần hàng Việt Nam tại các siêu thị chiếm đến trên 80%.
Thời gian qua, Sở Công Thương Thái Bình cũng tổ chức Hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa giữa Tập đoàn Central Retail với 30 doanh nghiệp, Hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh Thái Bình để xúc tiến đưa các sản phẩm OCOP, các sản phẩm tiêu biểu của tỉnh vào trưng bày, giới thiệu và bán tại Trung tâm thương mại Việt Nhật (Go ! Thái Bình). Bên cạnh đó, tổ chức Hội nghị kết nối cung - cầu giữa Siêu thị Tứ Sơn và các chủ thể OCOP trên địa bàn tỉnh.
Theo đánh giá của Sở Công Thương Thái Bình, đến nay, đa số người tiêu dùng đã nhận thức được tầm quan trọng của việc ưu tiên dùng hàng Việt mang lại giá trị kinh tế thiết thực cho đất nước, giúp doanh nghiệp có cơ hội phát huy thế mạnh trong sản xuất kinh doanh, nâng cao chất lượng hàng hóa, mở rộng thị trường nội địa từ đó thay đổi hàng vi mua sắm và sử dụng hàng Việt. Các doanh nghiệp cũng đã ý thức được vai trò, trách nhiệm của mình với người tiêu dùng, nhận ra được tiềm năng của thị trường nội địa, do đó có nhiều doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư công nghệ, thiết bị hiện đại nhằm tạo ra nhiều dòng sản phẩm mới chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và hướng tới xuất khẩu, thể hiện lòng yêu nước, tự hào, tự tôn dân tộc của người Việt Nam.
Khắc phục hạn chế, tăng sức cạnh tranh cho hàng Việt Nam
Cùng với những điểm tích cực, thời gian qua, theo Ban chỉ đạo Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam tỉnh Thái Bình, quá trình thực hiện Cuộc vận động trên địa bàn tỉnh Thái Bình vẫn còn một số hạn chế. Cụ thể, công tác tuyên truyền về Cuộc vận động ở một số ngành, địa phương chưa thực hiện thường xuyên, hiệu quả chưa cao; các hoạt động khuyến mại, triển lãm, đưa hàng Việt về các địa phương còn nhỏ lẻ; việc xây dựng thương hiệu và hỗ trợ các doanh nghiệp trong hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường trong nước còn nhiều khó khăn; việc giám sát và xử phạt vi phạm trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh chưa triệt để, vẫn còn tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu trên thị trường, gây bức xúc và giảm lòng tin của người tiêu dùng...
Do đó trong thời gian tới, các cơ quan chức năng xác định sẽ tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, đặc biệt là công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực; lắng nghe, quan tâm, tháo gỡ khó khăn, kiến nghị của doanh nghiệp trong giới thiệu, quảng bá hình ảnh, chuyển đổi số, quản lý thị trường, chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, tạo chỗ đứng cho các mặt hàng chất lượng, thương hiệu có chỗ đứng trên thị trường...; đồng thời tăng cường xúc tiến đầu tư, đưa hàng Việt về nông thôn để người dân được tiếp cận tốt hơn.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp được khuyến cáo tiếp tục cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm giữ thương hiệu, uy tín sản phẩm, doanh nghiệp trên thị trường. Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh phát huy vai trò nòng cốt, kết nối, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như thực hiện Cuộc vận động.