Mức lãi suất cho vay ưu đãi đối với nhà ở xã hội "Big4" ngân hàng đồng loạt tung gói vay ưu đãi, lãi suất chỉ từ 7%/năm cho doanh nghiệp Thái Bình: Khuyến khích đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ |
Nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác, nhất là trong điều kiện các nguồn lực của Nhà nước còn nhiều khó khăn, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đề nghị Ngân hàng Chính sách xã hội cần tập trung huy động các nguồn lực tài chính theo phương châm "Nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân cùng làm", "Trung ương và địa phương cùng làm", đặc biệt là nguồn vốn từ ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội nhằm bổ sung nguồn vốn cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Hộ nghèo ở tỉnh Thái Bình được ưu đãi vay vốn tín dụng chính sách để đầu tư phát triển kinh tế |
Trong điều kiện nguồn lực của các địa phương còn hạn chế, những năm qua, tỉnh Thái Bình đã luôn quan tâm giành nguồn ngân sách Nhà nước ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để thực hiện cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách.
Cụ thể, Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Thái Bình và phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội các huyện tích cực tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư đồng thời trình Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh và các huyện, thành phố bổ sung nguồn vốn từ ngân sách địa phương để ủy thác đầu tư qua Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách.
Từ đầu năm đến nay, cấp tỉnh và các huyện, thành phố của tỉnh Thái Bình đã ủy thác gần 18 tỷ đồng qua Ngân hàng Chính sách xã hội, đạt 89,56% kế hoạch trung ương giao, trong đó ngân sách tỉnh hơn 11 tỷ đồng và ngân sách huyện, thành phố gần 7 tỷ đồng; ngân sách Trung ương là 79 tỷ, từ đó nâng tổng nguồn vốn ủy thác đầu tư toàn tỉnh đạt gần 97 tỷ đồng.
Nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương và nguồn vốn ưu đãi của trung ương đã giúp cho gần 870.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh được vay vốn ưu đãi của Chính phủ; tổng dư nợ cho vay đến ngày 31/7/2023 đạt hơn 4.000 tỷ đồng với 94.027 khách hàng đang vay vốn, tăng 6,43% so với thời điểm 31/12/2022; tỷ lệ nợ xấu chiếm 0,12% tổng dư nợ cho vay.
Thời gian tới, Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh Thái Bình tiếp tục tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức triển khai tốt Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư; tham mưu trình Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh và các huyện, thành phố bổ sung nguồn vốn từ ngân sách địa phương để ủy thác đầu tư qua Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách, phấn đấu trong quý III/2023 hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch Trung ương giao.
Sự tăng trưởng nguồn vốn nhận ủy thác tại các địa phương trong thời gian gần đây đã thể hiện sự quan tâm rất lớn của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự chỉ đạo sát sao của Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam, sự phối hợp chặt chẽ và có hiệu quả của các ban, ngành, đơn vị liên quan trong việc tập trung, huy động nguồn vốn để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vay của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trong toàn tỉnh Thái Bình.
Nguồn vốn được triển khai cho đến nay đã kịp thời, đúng đối tượng thụ hưởng, đã phát huy hiệu quả trong việc triển khai các chương trình, mục tiêu về giảm nghèo nhanh và bền vững, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu và bảo đảm an sinh xã hội. Qua đó đã góp phần cùng nguồn vốn của Trung ương trợ lực cho người dân vươn lên phát triển kinh tế, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng thành công nông thôn mới.