Ảnh minh họa: internet
CôngThương - Nhật Bản là nền kinh tế đứng thứ ba thế giới về quy mô sau Mỹ và Trung Quốc, chiếm khoảng 8,7% GDP toàn cầu. Chỉ riêng với động đất và sóng thần trong ngày 11.3.2011, theo ước tính ban đầu của Barclays Capital, quốc gia này đã bị thiệt hại khoảng 186 tỉ USD tương đương 3% GDP. GDP của Nhật có thể bị tăng trưởng âm trong năm nay và tốc độ tăng trưởng GDP toàn thế giới sẽ bị giảm 0,1% so với ước tính trước đây. Phải mất ít nhất hai quý thì các hoạt động kinh tế của Nhật Bản mới hồi phục bình thường trở lại.
Thế giới có cảm giác như trong suy thoái
Tuy nhiên, các ước tính trên chưa tính đến thảm hoạ gây ra bởi các vụ nổ hạt nhân ở nhà máy Fukushima. Ảnh hưởng của phóng xạ khiến quá trình khắc phục sau sóng thần khó khăn hơn nhiều. Đặc biệt, việc một số nhà máy điện hạt nhân không hoạt động được sẽ khiến Nhật rơi vào tình trạng thiếu điện trong một thời gian dài. Quá trình hồi phục kinh tế của Nhật Bản lại càng bị ảnh hưởng.
Với tính chất của một nền kinh tế mở và đầu tư khắp thế giới, diễn biến trên đã tạo ra một cú sốc đột ngột thực sự về cầu. Các nhà đầu tư đã thi nhau tháo chạy vì lo ngại rủi ro.
Chứng khoán và hàng hoá bị bán tháo trên khắp các thị trường. Chỉ số Nikkei trải qua những ngày thật tồi tệ khi giảm mất 20,7% từ ngày 11 đến ngày 15.3.2011. Dow Jones bị sụt giảm lùi xa khỏi mốc 12.000 điểm.
Giá dầu thô Nymex cũng đã về dưới 100 USD/thùng. Ngay cả vàng, kim loại quý để cất trữ giá trị cũng bị các nhà đầu tư bán để cân đối với các tài khoản lỗ trên thị trường khác.
Dòng tiền nóng tạm thời nhàn rỗi tìm về nơi trú ẩn an toàn và trái phiếu chính phủ Mỹ mười năm được chọn lựa hơn cả. Giá của trái phiếu mười năm Mỹ đã tăng nhanh chóng kéo lợi tức giảm xuống mức thấp nhất chỉ còn 3,1447% trong ngày 16.3.2011.
Các nhà đầu cơ có cảm giác sống lại những ngày của suy thoái năm 2008 khi chỉ muốn bán thật nhanh những tài sản nắm giữ hòng giảm thiểu mức lỗ.
Dòng tiền chảy về Nhật Bản
Khoản tiền thặng dư từ cán cân thương mại thường được Nhật mang đầu tư khắp thế giới. Khi thảm hoạ xảy ra, một phần tiền có được từ bảo hiểm sẽ chuyển về cho Nhật và rất nhiều nhà đầu tư sẽ bán bớt các tài sản đầu tư bằng đồng USD chuyển về tái thiết nền kinh tế Nhật.
Hoạt động cởi bỏ nghiệp vụ “carry trade” cũng diễn ra mạnh mẽ: trước đây, người Nhật tận dụng lãi suất thấp của đồng yên (JPY) là 0,1% để gửi tại các nước khác có lãi suất cao hơn như ở Mỹ là 0,25%. Nay, một phần số tiền này sẽ được chuyển về nước để cứu trợ các hoạt động kinh tế trong nước Nhật.
Nhu cầu chuyển đổi sang đồng JPY sẽ đẩy đồng JPY tăng lên. Sự mạnh lên ngoài dự đoán này khiến Chính phủ Nhật phải nhờ đến nhóm G7 cùng bán ra đồng JPY để bình ổn thị trường ngoại hối. Đồng JPY đã yếu đi trở lại dù rằng xu hướng mạnh lên vẫn chưa bị thay đổi hoàn toàn.
| Giá trị (quy ra triệu USD) | Tỷ lệ | Ghi chú |
Dư nợ nước ngoài của CP với chủ nợ Nhật Bản | 8.424,26 | 33,57% | So với tổng dư nợ nước ngoài của CP |
Dư nợ nước ngoài của DN được CP bảo lãnh với chủ nợ Nhật Bản | 336,24 | 8,61% | So với tổng dư nợ nước ngoài của DN được CP bảo lãnh |
Dư nợ nước ngoài của CP bằng đồng JPY | 9.600,96 | 38,25% | So với tổng dư nợ nước ngoài của CP |
(Nguồn: Báo cáo nợ nước ngoài của Bộ Tài chính)
Ảnh hưởng dài hạn
Động đất, sóng thần và nổ các nhà máy hạt nhân khiến Chính phủ Nhật Bản phải bơm ra một lượng tiền khổng lồ 15.000 tỉ yên để hỗ trợ thanh khoản nền kinh tế.
Sự giảm giá của các loại hàng hoá hiện nay chỉ có tính tạm thời do sự ngưng trệ hoạt động của một số nhà máy ở Nhật. Việc đồng JPY mạnh lên cũng có tính ngắn hạn. Với lượng tiền khổng lồ được bơm ra để cứu trợ nền kinh tế trong thời gian tới, đồng JPY sẽ bị mất giá trở lại. Giá hàng hoá nói chung sẽ lại bị tăng giá trở lại không chỉ do cung tiền thế giới tăng mà còn do nhu cầu về sắt thép, nhiên liệu... tăng do nhu cầu tái thiết của nước Nhật.
Ít tác động tới Việt Nam
Các tác động tới hoạt động xuất khẩu sẽ không nhiều bởi hàng hoá của Việt Nam xuất sang Nhật chủ yếu là hàng hoá thô và bình dân. Kinh nghiệm của khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2009 đã minh chứng cho điều này.
Trong vài tháng tới, giá cả hàng hoá thế giới bị giảm hoặc chí ít đà tăng bị chùng lại. Chỉ số CRB spot, thể hiện giá cả chung của các loại hàng hoá trên thế giới, đã giảm từ mức 572,98 xuống chỉ còn 550,45 vào ngày 16.3.2011. Dự tính giá hàng hoá sẽ còn tiếp tục trong xu hướng giảm cho đến khi công cuộc tái thiết tại Nhật Bản bước đầu có được những kết quả khả quan.
Nếu tận dụng tốt cơ hội này, Việt Nam sẽ có thể cắt giảm được cơn lạm phát mà không khiến nền kinh tế bị tổn thất quá nhiều. Các biện pháp thắt chặt cung tiền hiện tại đang khiến cho các doanh nghiệp bị lao đao.
Trong dài hạn Việt Nam sẽ được hưởng lợi khi đồng JPY yếu đi. Hiện tại, nợ nước ngoài bằng JPY của Chính phủ Việt Nam đang có tỷ lệ lớn nhất, và phần lớn là nợ dài hạn. Khi đồng JPY yếu đi, áp lực trả nợ sẽ giảm bớt. Chính phủ và các doanh nghiệp Việt Nam vì vậy cần lên kế hoạch để trả nợ Nhật Bản sau khi sự tăng giá ngắn hạn hiện nay của đồng JPY qua đi.