Chăn nuôi heo theo mô hình kinh tế tuần hoàn thu tỷ suất lợi nhuận lên tới 60% Ngành chăn nuôi và triển vọng khởi sắc sau 3 năm dịch bệnh |
Dự án Chăn nuôi công nghệ cao Xuân Thiện Thanh Hóa 2 và 3 tại các xã Nguyệt Ấn, Minh Tiến, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa sau khi đi vào hoạt động sẽ tạo việc làm cho khoảng 400 lao động địa phương, nộp ngân sách Nhà Nước hàng tỷ đồng có nguy cơ chậm tiến độ do công tác giải phóng mặt bằng còn vướng mắc trong việc thỏa thuận giữa chủ đầu tư và các hộ dân.
Khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng
Ngày 4/5/2021, UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành Quyết định số 1442/QĐ-UBND và số 1443/QĐ-UBND về việc chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Chăn nuôi công nghệ cao Xuân Thiện Thanh Hóa 2 và 3 tại các xã Nguyệt Ấn, Minh Tiến, huyện Ngọc Lặc cho Công ty Cổ phần Xuân Thiện Thanh Hóa 2 và Công ty Cổ phần Xuân Thiện Thanh Hóa 3 để chăn nuôi lợn và sản xuất lợn giống.
Dự án Chăn nuôi công nghệ cao Xuân Thiện Thanh Hóa 2 và 3 tại huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa sẽ tạo việc làm cho khoảng 400 lao động |
Theo đó, Dự án Chăn nuôi công nghệ cao Xuân Thiện Thanh Hóa 2 có quy mô diện tích đất khoảng 97,04 ha, tổng vốn đầu tư khoảng 2.500 tỷ đồng với công suất dự kiến 5000 lợn nái và 35.000 lợn thịt. Dự án Chăn nuôi công nghệ cao Xuân Thiện Thanh Hóa 3 có quy mô diện tích đất khoảng 104,5 ha, tổng vốn đầu tư khoảng 2.500 tỷ đồng với công suất dự kiến 5000 lợn nái và 35.000 lợn thịt.
Sau khi được UBND tỉnh Thanh Hóa chấp thuận chủ trương và điều chỉnh chủ trương 2 dự án trên, nhà đầu tư đã tập trung nguồn lực, tích cực phối hợp với chính quyền địa phương để triển khai dự án và đẩy mạnh công tác đền bù giải phóng mặt bằng.
Tuy nhiên, do đại dịch COVID-19 với những chuỗi ngày dài thực hiện giãn cách xã hội khiến Tập đoàn Xuân Thiện cùng các công ty thành viên gặp nhiều khó khăn trong việc triển khai các bước của dự án, cũng như việc gặp gỡ, thỏa thuận với các hộ dân thuộc diện được đền bù giải phóng mặt bằng nhằm thực hiện dự án đúng tiến độ đã đề ra.
Trao đổi với phóng viên Vuasanca , ông Ngô Tôn Quyền - Trưởng ban giải phóng mặt bằng của Dự án cho biết: “Đến nay, đa số người dân bị ảnh hưởng của 02 dự án đã nhất trí với các phương án và đơn giá đền bù. Tiến độ đền bù giải phóng mặt bằng của dự án đã đạt khoảng 91%. Hiện còn một số hộ dân chưa nhận tiền đền bù, bởi họ đòi hỏi về giá trị đền bù giải phóng mặt bằng rất cao, vượt khung quy định của UBND tỉnh Thanh Hóa khiến chủ đầu tư gặp nhiều khó khăn”.
Theo ông Quyền, trong quá trình đền bù giải phóng mặt bằng vì doanh nghiệp tự thỏa thuận với người dân nên chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại. Trong khi quy mô diện tích đất thực hiện dự án lớn, thời gian thỏa thuận kéo dài. Đối với phần diện tích nhà đầu tư đã nhận chuyển nhượng của các hộ dân, nhằm tránh tình trạng người dân lấn chiếm, xâm canh, đòi thêm tiền đền bù... chúng tôi buộc phải tiến hành việc bóc phong hóa, cắm mốc san gạt một số diện tích nhằm tạo ranh giới cho dự án với phần diện tích của người dân.
Dây truyền của dự án chăn nuôi công nghệ cao |
Liên quan đến việc triển khai Dự án Chăn nuôi công nghệ cao Xuân Thiện Thanh Hóa 2 và 3, một lãnh đạo UBND huyện Ngọc lặc cho biết: Đây là dự án mà doanh nghiệp phải thỏa thuận với người dân, nên người dân cũng có đòi hỏi của họ mà doanh nghiệp cũng đặt ra yêu cầu của doanh nghiệp. Về phía huyện Ngọc Lặc cũng tích cực phối hợp với các sở, ban, ngành để giúp nhà đầu tư triển khai dự án như: thành lập Hội đồng tư vấn, đi khảo sát, tính giá đất, tài sản trên đất, rồi đưa ra mức giá theo quy định của Nhà nước, doanh nghiệp sẽ căn cứ vào mức giá để thỏa thuận với các hộ dân.
Tháo gỡ khó khăn để sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao sớm xuất khẩu
Do vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, nên đến nay thời gian hoàn thành thuê đất đã hết hạn. Mới đây, Công ty Cổ phần Xuân Thiện Thanh Hóa 2 và Công ty Cổ phần Xuân Thiện Thanh Hóa 3 đã có hồ sơ gửi UBND tỉnh Thanh Hóa xin điều chỉnh chủ trương đầu tư và gia hạn thời gian hoàn thành hồ sơ thuê đất.
Ông Ngô Tôn Quyền - Trưởng ban giải phóng mặt bằng của Dự án mong muốn: “Để tháo gỡ những khó khăn cho chủ đầu tư triển khai dự án, trong văn bản gửi UBND tỉnh Thanh Hóa, chúng tôi cũng kiến nghị UBND tỉnh quan tâm cho triển khai dự án theo giai đoạn. Tức là sẽ khiển khai giai đoạn 1 đối với phần diện tích đã được giải phóng xong rồi, còn phần diện tích đất chưa giải phóng đền bù cho dân thì sẽ chuyển sang giai đoạn 2 để tiếp tục triển khai”.
Dự án chuỗi tổ hợp ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi và chế biến nông sản của Tập đoàn Xuân Thiện hướng tới xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao ra các thị trường quốc tế. |
Ngày 31/3 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn đã chủ trì Hội nghị gặp gỡ doanh nghiệp năm 2023, lắng nghe tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tại đây Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn khẳng định: Đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền của tỉnh, của ngành đã rõ hoặc những vấn đề không phù hợp với quy định của pháp luật thì giải quyết, trả lời ngay; đối với những vấn đề liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực, cần phải thảo luận, xin ý kiến tham gia của các ngành, địa phương liên quan thì phải tập trung nghiên cứu giải quyết và có văn bản trả lời doanh nghiệp trước ngày 5/4, đồng thời báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh kết quả thực hiện; đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền của Trung ương hoặc pháp luật chưa quy định, thì chủ động có văn bản hoặc tham mưu cho UBND tỉnh có văn bản báo cáo, đề nghị các Bộ, ngành Trung ương xem xét giải quyết.
Được biết, Tổ hợp chuỗi dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được Tập đoàn Xuân Thiện tập trung nguồn lực, khẩn trương hoàn thiện hồ sơ pháp lý để có thể khởi công sớm các dự án theo đúng tiến độ. Theo dự kiến, trong tháng 4/2023, Tập đoàn Xuân Thiện sẽ khởi công Dự án Nhà máy sản xuất nước trái cây xuất khẩu với tổng mức đầu tư khoảng 500 tỷ đồng. Tuy nhiên, do vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, khiến dự án có nguy cơ bị chậm tiến độ, gây nhiều hệ lụy phức tạp.
Để Dự án chuỗi tổ hợp ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực chăn nuôi và chế biến nông sản của Tập đoàn Xuân Thiện đi vào hoạt động đúng tiến độ, đưa ra các sản phẩm có chất lượng và hướng tới xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao ra các thị trường quốc tế, rất cần sự quan tâm, vào cuộc hơn nữa của các cấp chính quyền tỉnh Thanh Hóa.