Nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng ngân sách nhà nước UBND tỉnh Gia Lai buông lỏng quản lý đầu tư công, gây mất vốn hàng trăm tỷ đồng |
Nhiều tồn tại, hạn chế được làm rõ
Thanh tra Sở Tài chính tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành kết luận số 03/KL-TTr về công tác quản lý tài chính ngân sách năm 2023 của huyện Cẩm Thủy. Theo kết luận, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý tài chính ngân sách năm 2023 tại huyện Cẩm Thuỷ vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế.
Cụ thể, nợ đọng thuế trên địa bàn huyện Cẩm Thuỷ còn nhiều, tổng số tiền thuế nợ trên sổ theo dõi nợ thuế tính đến ngày 31/12/2023 là 12.823 triệu đồng. Trong đó, nợ có khả năng thu 12.387 triệu đồng, nợ khó thu là 436 triệu đồng. Tỷ lệ hộ quản lý thu thuế/tổng số hộ trên bộ thuế, đạt 39%, số hộ kinh doanh có doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở xuống không phải nộp thuế còn nhiều (1.871 hộ).
Số dự toán thu ngân sách huyện tăng so với dự toán tỉnh giao 5.500 triệu đồng, huyện đã phân bổ vào dự toán chi thường xuyên các sự nghiệp là chưa phù hợp với mục 9, Điều 3 Thông tư số 78/2022/TT-BTC ngày 26/12/2022 của Bộ Tài chính.
Nhiều tồn tại, hạn chế trong quản lý tài chính ngân sách tại huyện Cẩm Thủy. |
Dự toán chi thường xuyên chưa phân bổ các sự nghiệp ngân sách cấp huyện còn lớn (53.030 triệu đồng), chiếm 19% dự toán chi (53.030 triệu đồng/273.930 triệu đồng). Dự toán chi từ nguồn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách cấp tỉnh, chương trình mục tiêu quốc gia năm 2023 để thực hiện các chương trình, chính sách ngay từ đầu năm (đã giao 31.000 triệu đồng/63.165 triệu đồng, bằng 49%). Việc chưa phân bổ, giao dự toán ngay từ đầu năm cho các đơn vị thực hiện nhiệm vụ được giao có thể dẫn đến tình trạng đơn vị không chủ động được trong việc xây dựng kế hoạch thực hiện.
Năm 2023, thực hiện thu tiền sử dụng đất phân chia ngân sách huyện giảm 79.221 triệu đồng so với dự toán huyện giao. Nhưng chưa thực hiện điều chỉnh giảm dự toán thu, chi ngân sách theo quy định tại điểm a, mục 3, Điều 52 của Luật Ngân sách nhà nước.
Chi chuyển nguồn ngân sách cấp huyện còn lớn. Theo số liệu báo cáo, sau khi trừ đi nguồn 70% tăng thu năm 2023 để thực hiện cải cách tiền lương, bảo hiểm y tế, tạm ứng vốn đầu tư, còn lại 267.601 triệu đồng, bằng 45% tổng chi đầu tư và chi thường xuyên ngân sách cấp huyện (nguồn bổ sung mục tiêu từ ngân sách cấp tỉnh 210.469 triệu đồng, bằng 52% tổng số bổ sung mục tiêu năm 2023 và dư năm trước chuyển sang).
Tạm ứng vốn đầu tư xây dựng cơ bản ngân sách cấp huyện còn nhiều 43.000 triệu đồng bằng 17% tổng số vốn đã giải ngân (số thanh toán năm 2023 và dư tạm ứng đến hết năm 2023), trong đó, tạm ứng ngân sách từ năm 2016 chuyển sang là 1.721 triệu đồng.
Phòng Tài chính kế hoạch chưa thông báo số giao dự toán thu ngân sách nhà nước nên các xã, thị trấn được kiểm tra chưa thực hiện giao dự toán thu ngân sách nhà nước theo quy định tại Thông tư số 344/2016/TT-BTC ngày 30/12/2016 của Bộ Tài chính. Chưa tham mưu hướng dẫn các đơn vị trên địa bàn huyện xây dựng phương án thực hiện chế độ tự chủ tài chính và báo cáo đánh giá kết quả thực hiện cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị theo Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ.
Trong quản lý đầu tư xây dựng cơ bản, kết luận thanh tra nhấn mạnh, nợ xây dựng cơ bản các dự án cấp xã làm chủ đầu tư còn nhiều (115.356 triệu đồng). Trong quá trình xây dựng kế hoạch đầu tư công, dự toán chi ngân sách nhà nước, UBND các xã, thị trấn chưa thực sự ưu tiên bố trí nguồn trả nợ xây dựng cơ bản đối với các dự án hoàn thành đã được phê duyệt quyết toán, dẫn đến tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản kéo dài. Một số xã còn tồn tại nợ đọng xây dựng cơ bản nhiều năm chưa được xử lý.
Số dự án hoàn thành chưa nộp hồ sơ quyết toán còn nhiều (167 dự án). Trong đó, số dự án trong thời gian quyết toán theo quy định là 20 dự án; số dự án vi phạm thời gian quyết toán là 147 dự án.
Nhiều hạn chế, khuyết điểm tại thị trấn Phong Sơn, huyện Cẩm Thủy cũng được Thanh tra Sở Tài chính làm rõ |
Bên cạnh đó, tại các đơn vị dự toán (Văn phòng HĐND-UBND huyện, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, Ban Quản lý dự án ĐTXD huyện…) và các xã, thị trấn (thị trấn Phong Sơn, xã Cẩm Phú, xã Cẩm Quý…) vẫn còn tồn tại nhiều khuyết điểm.
Ngoài ra, Thanh tra Sở Tài chính tỉnh Thanh Hóa còn làm rõ nhiều hạn chế, khuyết điểm tại thị trấn Phong Sơn, xã Cẩm Phú, xã Cẩm Quý và xã Cẩm Thạch.
Nộp trả ngân sách tỉnh hơn 6 tỷ đồng
Về xử lý tài chính sau thanh tra, Thanh tra Sở Tài chính yêu cầu UBND huyện Cẩm Thuỷ phải nộp trả ngân sách tỉnh số tiền 6.140.899.664 đồng. Trong đó kinh phí mua Bảo hiểm Y tế cho các đối tượng là 3.874.409.664 đồng; trợ cấp thường xuyên đối tượng bảo trợ xã hội là 671.690.000 đồng…
Hoàn trả ngân sách tỉnh nguồn bổ sung mục tiêu hết nhiệm vụ chi 542.960.000 đồng; nộp vào ngân sách xã để quản lý sử dụng 28.976.800 đồng; Hoàn trả nguồn huy động cải cách tiền lương ngân sách huyện đang theo dõi số chuyển nguồn cải cách tiền lương còn thiếu tại các xã, thị trấn năm 2023 số tiền 374 triệu đồng.
Huyện Cẩm Thủy phải nộp trả ngân sách hơn 6 tỷ đồng, trong đó có hơn 3,8 tỷ đồng được cấp để mua Bảo hiểm Y tế. (Ảnh minh họa) |
Trao đổi nhanh với phóng viên Vuasanca , ông Phạm Đắc Dung, Trưởng phòng Tài chính Kế hoạch huyện Cẩm Thủy lý giải, khi cấp tiền để mua Bảo hiểm Y tế thì giảm một số đối tượng người nghèo; đối tượng bảo trợ xã hội trong năm cũng có tăng giảm nên dẫn đến dư kinh phí nên đơn vị đang triển khai các bước để hoàn trả nguồn dư về ngân sách tỉnh. Ngoài ra một số nội dung khác sau khi có Kết luận thanh tra, phòng Tài chính Kế hoạch huyện Cẩm Thủy cũng đã có văn bản báo cáo Thanh tra Sở Tài chính tỉnh Thanh Hóa.
Thanh tra Sở Tài chính cũng kiến nghị Chủ tịch UBND huyện Cẩm Thủy tổ chức rút kinh nghiệm đối với tập thể, cá nhân có liên quan đến các tồn tại, hạn chế đã nêu ra trong kết luận. Chỉ đạo các đơn vị được thanh tra tổ chức kiểm điểm và xây dựng khắc phục những tồn tại, hạn chế trên.
Ông Phạm Viết Hoài, Chủ tịch UBND huyện Cẩm Thủy cho biết, hiện đơn vị đang tiến hành tổ chức kiểm điểm, rút kinh nghiệm; lên kế hoạch khắc phục theo quy trình và theo đúng thời hạn mà văn bản giao thực hiện.