Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, quý I/2017, tăng trưởng GDP ngành nông nghiệp ước tăng 2,03%. Trong đó, nông nghiệp tăng 1,38%, lâm nghiệp tăng 4,94%, thủy sản tăng 3,5%. Ba tháng đầu năm, khô hạn, mặn xâm nhập tiếp tục ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp.
Nội dung chính thu hút sự quan tâm của các cơ quan báo chí là giải quyết đầu ra tiêu thụ nông sản cho nông dân. Liên quan đến sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi đang dư thừa nguồn cung, ông Tống Xuân Chinh - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuô i- cho biết, năm 2016, chúng ta sản xuất 5,02 triệu tấn thức ăn chăn nuôi, nếu làm một phép tính đơn giản, cứ 3 kg thức ăn được 1 kg thịt lợn hơi thì có thể thấy được chúng ta sản xuất được bao nhiêu tấn thịt mỗi năm. Điều đó cho thấy sự mất cân bằng giữa cung và cầu, mỗi năm chúng ta sản xuất hơn 2 triệu con lợn, đây là một trong những nguyên nhân khiến thịt lợn bị dư thừa. Sản phẩm ngành chăn nuôi đến nay giá đã nhích lên đáng kể, tuy nhiên sản lượng thừa trong dân còn lớn.
Ông Tống Xuân Chinh chia sẻ thêm ngành đang đàm phán với thị trường Trung Quốc để mở cửa xuất khẩu chính ngạch, thúc đẩy tiêu tiêu thụ sản phẩm của ngành chăn nuôi. Tuy nhiên giải pháp lâu dài hiện nay là cần quy hoạch lại ngành chăn nuôi để tránh những bất lợi về giá như thời gian qua. “Trong tháng 5 tới sẽ có đoàn của Bộ NN&PTNT sang Trung Quốc xúc tiến đầu tư tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp chăn nuôi của Việt Nam và Trung Quốc buôn bán các sản phẩm của hai nước có thế mạnh. Hy vọng đây là hướng mở ra tạo thêm các kênh tiêu thụ sản phẩm bền vững cho sản phẩm chăn nuôi trong nước”, ông Chinh nói.
Trả lời câu hỏi nông sản “được mùa rớt giá” như việc giải cứu dưa hấu, chuối ngay trong những tháng đầu năm nay, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Chính sách chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn - cho rằng, để tránh những cú sốc trong ngắn hạn như một số nông sản gặp phải thời gian qua cần phải quyết liệt thực hiện chủ trương tái cơ cấu nông nghiệp, trong đó giúp nông dân nhận biết và sản xuất theo tín hiệu của thị trường.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn, để tháo gỡ khó khăn sản xuất thúc đẩy tăng trưởng của ngành các đơn vị trực thuộc Bộ cần xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể. Trong đó, cần bám sát diễn biến hạn hán và mặn xâm nhập để chỉ đạo sản xuất; chấn chỉnh công tác quản lý chất lượng và vật tư đầu vào của nông nghiệp; đề xuất tháo gỡ nút thắt về đất đai và vốn tín dụng để thu hút doanh nghiệp đầu tư nông nghiệp công nghệ cao, xây dựng chuỗi liên kết và đẩy mạnh chế biến nông sản phục vụ xuất khẩu. Bên cạnh đó, làm tốt vai trò quản lý Nhà nước của Bộ trong việc dự báo và khai thông thị trường cho các mặt hàng nông sản.