Thời gian qua, sau khi lấy ý kiến rộng rãi, công khai, tiếp thu chỉnh sửa về dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu, Bộ Công Thương đã có Tờ trình số 4135/TTr-BCT ngày 15 tháng 6 năm 2024 và Công văn số 163/BC-BCT ngày 01 tháng 7 năm 2024 báo cáo Chính phủ.
Trên cơ sở Tờ trình, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà có giao Bộ Công Thương nghiên cứu thí điểm việc sản xuất điện dư không dùng hết thì được bán lên lưới điện quốc gia không quá 10% tổng công suất; Giao Bộ Công Thương, Bộ Tài chính nghiên cứu các quy định giá mua trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, Tập đoàn Điện lực Việt Nam chịu trách nhiệm mua sản lượng điện dư và bảo đảm an toàn vận hành hệ thống điện, bảo đảm sự hài hòa và khuyến khích phát triển cơ chế này.
Đồng thời, Bộ Công Thương phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan, nghiên cứu các giải pháp, thiết kế điều kiện cần thiết để không xảy ra tiêu cực, tham nhũng, lãng phí nguồn lực xã hội.
Thực hiện chỉ đạo nêu trên Bộ Công Thương cũng đưa ra 3 phương án với những phân tích cụ thể về những thuận lợi – khó khăn và đề xuất lựa chọn phương án tối ưu.
Ngay sau khi thông tin được công bố, nhiều ý kiến cho rằng Bộ Công Thương “quay xe”, xây dựng chính sách “nắm đằng chuôi”. Thậm chí một số cá nhân còn đề nghị tăng sản lượng mua, ghi nhận sản lượng 100% để cho doanh nghiệp, người dân thấy có lợi ích và sẽ đầu tư.
Chuyên gia Đào Nhật Đình |
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia năng lượng lại không đồng ý với các ý kiến trên. Để rộng đường dư luận, Vuasanca đã có cuộc trao đổi nhanh với chuyên gia Đào Nhật Đình xung quanh vấn đề này.
Ông đánh giá như thế nào về việc Dự thảo Nghị định về cơ chế điện mặt trời mái nhà đã cho phép bán điện dư thừa lên lưới với 10%, sau khi có chỉ đạo của Chính phủ?
Tôi vẫn không đồng ý chọn phương án thanh toán 10% sản lượng điện vì như vậy không kiểm soát được công suất điện mặt trời mái nhà vào buổi trưa, khi phụ tải điện xuống thấp và các hộ điện mặt trời hiện có (hơn 17.200 MW) vẫn phát mạnh nhất lên lưới. Vì điện mái nhà hiện tại vẫn đang lắp thêm ở các hộ dân gần như không kiểm soát nổi nên nếu không hạn chế theo quy hoạch điện 8 mà cho lắp thoải mái thì không biết điều gì sẽ xảy ra với hệ thống điện.
Tôi thiên về phương án lắp thiết bị điều khiển công suất phát. Chưa rõ giá thành của thiết bị nhưng người lắp điện mặt trời mái nhà sẽ phải tự chịu. Đó chính là cách để họ lựa chọn giữa chi phí bán lên lưới hay lưu trữ tự dùng, đúng nghĩa tự sản tự tiêu.
Một số ý kiến cho rằng, nên xác nhận 100% sản lượng và có các cách tính giá khác nhau để nhà đầu tư thấy có lợi và như vậy mới là khuyến khích. Trong khi khả năng tiếp nhận hệ thống còn hạn chế và điện mặt trời quá nhiều rủi ro, đồng thời nếu tăng điện mặt trời thì phải giảm các nguồn điện khác. Vậy liệu có công bằng hay không đối với các nhà đầu tư khác? Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
Tôi phản đối việc xác nhận 100% sản lượng điện. Tôi cho rằng 10% công suất như trên là hợp lý. Vấn đề nằm ở công suất chứ không phải sản lượng.
Chúng ta nên nhớ là Quy hoạch điện VIII cho phép 2.600 MW đến 2030 là với điều kiện các nguồn điện hỗ trợ cho năng lượng tái tạo như than, khí, sinh khối phát triển theo đúng quy hoạch. Hiện tại cả than và khí đều có nguy cơ không đạt nổi 50% công suất nguồn mới vào năm 2030 nên 2600 MW điện mặt trời mái nhà là quá thừa thãi với hệ thống trong khi lại quá nhỏ bé để đáp ứng nhu cầu tăng vọt theo Nghị định về cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA) và Nghị định về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu.
Ta hình dung là vào giữa trưa công suất phát của mặt trời và gió chiếm hơn 50% công suất các nguồn vào ngày làm việc và tới 80% vào ngày nghỉ. Khi đó phải tắt nhà máy thủy điện, điện than và điện khí. Đến lúc chiều tối sẽ khởi động lại thủy điện dễ dàng nhưng than và khí không thể khởi động kịp các nhà máy đó để phát cho nhu cầu điện buổi chiều tối. Nếu bắt họ tắt “nóng” (không tắt hẳn lò mà duy trì nhiệt độ lò nhưng không phát điện) thì ai trả tiền nhiên liệu để giữ nhiệt? Điều đó rất không công bằng đối với những nhà máy mang tính sống còn của hệ thống điện.
Quan sát hệ thống điện của California, South Australia và cả của Đức – nơi có tỷ lệ điện NLTT cao, chúng ta thấy nhiều buổi trưa họ có giá điện âm, tức là ai phát lên lưới người đó phải trả tiền cho công ty điện. Tiền đó là để hệ thống trả cho lưu trữ hay những nhà máy sẵn sàng phát vào buổi tối.
Theo ông, liệu có mâu thuẫn không khi 1 chính sách đặt ra quá nhiều mục tiêu, và không hài hoà lợi ích giữa các bên? Và ông có ý kiến gì khi 1 số người cho rằng cơ quan quản lý Nhà nước nắm đằng chuôi?
Khi có quá nhiều mục tiêu với lợi ích các bên mâu thuẫn nhau, tôi ủng hộ việc Bộ Công Thương nắm đằng chuôi. Vì đây là cái chuôi của an toàn điện quốc gia. Với an toàn điện quốc gia, không thể nắm đằng lưỡi được.
Xin cảm ơn ông!