CôngThương - Giá trị nhập khẩu của khu vực Mỹ La tinh tăng trung bình 17%/năm, chiếm 5,4% tổng giá trị thương mại toàn thế giới. Các nước Mỹ La tinh có đặc điểm chung là lấy mục tiêu phát triển kinh tế, công nghiệp hóa làm nhiệm vụ trọng tâm và coi xuất khẩu là động lực phát triển. Trong chính sách kinh tế đối ngoại của các nước khu vực này hiện đang hướng mạnh về châu Á, trong đó coi Việt Nam là cửa ngõ quan trọng để thâm nhập.
Hiện nay Việt Nam đã có quan hệ thương mại với tất cả các nước Mỹ La tinh, với giá trị kim ngạch hai chiều đạt gần 3 tỷ USD/năm. Những mặt hàng chủ lực Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ La tinh là giày dép, dệt may, gạo, cà phê… Những thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam và hiện đang có tốc độ tăng trưởng khá là Braxin,, Mexico, Panama, Cu Ba, Chi Lê, Achentina… Ngoài những mặt hàng chính Việt Nam đã từng xuất khẩu sang Mỹ La tinh, hiện nay nhiều mặt hàng mới có thể đáp ứng nhu cầu của thị trường này là điện tử và linh kiện điện tử, cao su và sản phẩm từ cao su, cơ khí, thiết bị, máy, động cơ điện, vật liệu xây dựng, gốm sứ, đồ gỗ… Cơ cấu mặt hàng xuất khẩu đã dịch chuyển tiến bộ, tăng dần sản phẩm công nghiệp có giá trị gia tăng cao hơn.
Các nước Mỹ La tinh có thị trường nội địa rộng lớn lại đa dạng hóa thị trường đầu ra, nhất là tăng cường quan hệ kinh tế với khu vực châu Á. Khu vực này không chỉ là kho lương thực của thế giới mà còn là nguồn cung tài nguyên, dầu mỏ, khí đốt, quặng sắt, thép, thiếc, đồng… chính vì vậy mà chủ trương của Chính phủ Việt Nam là tăng cường quan hệ thương mại song phương với các nước khu vực này. Mục tiêu lâu dài là nhiều hàng hóa mới và truyền thống của Việt Nam sẽ có mặt ở khắp thị trường Mỹ La tinh. Cụ thể là kim ngạch xuất khẩu sang khu vực thị trường này đạt trên 6 tỷ USD vào năm 2015 và từ 12 tỷ đến 15 tỷ USD vào năm 2020.
Tuy nhiên, để đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường khu vực này, các doanh nghiệp cần vượt qua những thách thức. Đó là, khoảng cách địa lý giữa Việt Nam và khu vực Mỹ La tinh quá xa xôi tới nửa vòng trái đất gây trở ngại lớn trong vận chuyển hàng hóa, làm tăng thêm chi phí và thời gian vận tải, làm cho giá cả hàng hóa xuất khẩu tăng lên…
Mặt khác, theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, tuy các chính sách thương mại đầu tư của cả hai phía đã có nhiều đổi mới theo hướng mở cửa thị trường, tạo thuận lợi cho quan hệ đa chiều, phù hợp với luật lệ quốc tế nhưng dung lượng và hình thức thông tin tuyên truyền còn chưa đa dạng, chưa tương xứng với nhu cầu của thực tế đòi hỏi và mong mỏi của giới doanh nghiệp.
Một trong những nguyên nhân khác làm trở ngại trong quan hệ giao dịch là giới doanh nghiệp hai bên còn thiếu thông tin về nhau, chưa thấy hết cơ hội và tiềm năng của nhau. Một trong những nguyên nhân của tình trạng trên là rào cản ngôn ngữ. Tất cả các nước Mỹ La tinh đều sử dụng Tây Ban Nha (riêng Braxin sử dụng tiếng Bồ Đào Nha) là những thứ tiếng mà các doanh nghiệp Việt Nam ít sử dụng được.
Vì vậy, để thúc đẩy quan hệ hợp tác toàn diện về kinh tế, thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và các nước Mỹ La tinh cần đề xuất ngay một số giải pháp cấp bách nhằm thực hiện những thỏa thuận đã ký kết như một số hiệp định thương mại tự do FTA và tăng số hiệp định thương mại song phương với các nước có tiềm năng lớn.
Cùng với việc củng cố giữ vững thị trường, mặt hàng xuất khẩu chủ lực ở các thị trường truyền thống, đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại hàng hóa Việt Nam có mặt rộng khắp các vùng miền của các nước Mỹ Latinh; tăng cường phát hành tài liệu thông tin quảng bá về Việt Nam cho doanh nhân Mỹ Latinh; phối hợp với đại sứ quán các nước Mỹ La tinh tại Việt Nam và các Sở Công Thương tổ chức hội thảo giới thiệu thị trường và cơ hội xuất khẩu sang Mỹ La tinh cho doanh nghiệp Việt Nam; tăng cường tổ chức các đoàn xúc tiến thương mại đi tham dự hội chợ, triển lãm, khảo sát thị trường nhằm thiết lập quan hệ đối tác, bạn hàng; xây dựng trang web bằng tiếng Tây Ban Nha giới thiệu thị trường, mặt hàng và chỉ dẫn doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cho các doanh nghiệp Mỹ Latinh.
Ngoài ra, cần tích cực, chủ động mời đoàn nước ngoài vào thăm, làm việc, khảo sát thực tế, tham dự triển lãm, hội chợ tại Việt Nam; đẩy mạnh hoạt động xúc tiên thương mại của các thương vụ tại địa bàn; hợp tác đào tạo nhân lực, đào tạo tiếng Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp tham gia quan hệ với khu vực Mỹ La tinh…