Bùng nổ vi phạm quảng cáo trên mạng xã hội
Quảng cáo là hình thức thuộc lĩnh vực dịch vụ - thương mại, ra đời dựa trên nhu cầu đưa sản phẩm tiếp cận với người tiêu dùng bằng các phương tiện thông tin đại chúng. Hiện nay, nhà sản xuất, đơn vị phân phối có thể áp dụng hình thức này để giới thiệu sản phẩm qua các kênh truyền thông chính thống và các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo,TikTok, Instagram...
Tuy nhiên, lợi dụng sự phát triển của công nghệ thông tin và mạng xã hội, không ít doanh nghiệp đã tung ra những quảng cáo sai sự thật về sản phẩm để đánh lừa người tiêu dùng... Thực tế đã có nhiều vụ việc sử dụng quảng cáo theo hướng tiêu cực, lạm dụng quảng cáo để thỏa mãn những tham vọng về doanh thu.
Sau khi tâng bốc về công dụng, chức năng của sản phẩm sẽ là những chiêu trò đánh lừa tâm lý người tiêu dùng như sản phẩm tốt, được ưu đãi giảm giá và số lượng có hạn... khiến người mua nhanh chóng đưa ra quyết định đặt mua khi chưa xác thực về rõ về nguồn gốc sản phẩm.
Có thể thấy, tình trạng quảng cáo sai sự thật gây ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu dùng ở cả khía cạnh vật chất cũng như sức khỏe, tinh thần. Nhiều người khi sử dụng mới "tá hỏa" khi chất lượng thực tế của hàng hoá không giống như quảng cáo, thậm chí còn có nhiều sản phẩm ở mức độ kém, gây nguy hại đến sức khỏe.
Một thực trạng hiện nay đó là, không ít người tiêu dùng bức xúc khi bắt gặp các quảng cáo lệch lạc, sai sự thật, gây nhiễu thông tin xuất hiện dày đặc trên mạng xã hội. Một trong những trào lưu dễ nhận thấy nhất là các video quảng cáo sản phẩm "ngang nhiên tự tiện" gắn "mác" hoặc logo "nhà đài" để tạo lập lòng tin, đánh lừa người dùng; vấn nạn quảng cáo thuốc đông y, thực phẩm chức năng, sữa... được phóng đại giống như "thần dược" dễ gây ngộ nhận về tác dụng thực sự của sản phẩm.
Theo thông tin từ VTV, thời gian qua, một video quảng cáo loại thực phẩm chức năng có tên Cát Vượng Hoàn có gắn logo VTV được đưa lên nhiều trang mạng xã hội. Tuy nhiên, trên thực tế, video này hoàn toàn không phải do VTV sản xuất.
Sau một thời gian điều tra, cơ quan chức năng đã xác định nhân vật được tung hô là "thần y" trong video này là ông Bùi Xuân Hải ở Vị Xuyên (Hà Giang). Tuy nhiên, trái với nội dung trong video quảng cáo, ông Hải thừa nhận với cơ quan chức năng rằng, ông không biết khám chữa bệnh, cũng không có bài thuốc nào.
Video mạo danh VTV để quảng cáo cho sản phẩm Cát Vượng Hoàn. Ảnh: Báo điện tử VTV |
Chú trọng lợi nhuận thay vì kiểm soát nội dung
Trên thực tế, mặc dù Luật Quảng cáo cùng các văn bản liên quan đã được ban hành nhưng dường như chưa thể giải quyết dứt điểm tình trạng quảng cáo sai sự thật về chất lượng sản phẩm, hàng hoá.
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, tình trạng quảng cáo vi phạm trên mạng chủ yếu là do hầu hết các nhãn hàng, thương hiệu khi quảng cáo chỉ yêu cầu đối tác đảm bảo lượng view… nên một số đại lý quảng cáo chỉ chú trọng đến lợi nhuận thay vì kiểm soát xem quảng cáo gắn ở nội dung nào. Việc các nhãn hàng, thương hiệu bị gắn tràn lan vào nội dung chống phá Đảng, Nhà nước; nội dung sai sự thật; trái với thuần phong mỹ tục...cũng gây ảnh hưởng lớn đến an toàn, uy tín của các thương hiệu.
Các đại lý quảng cáo lý giải, lý do khác của việc quảng cáo vi phạm tiếp diễn thời gian qua đó là do việc sử dụng bộ lọc vi phạm của Google, Facebook hiện nay chưa đủ đảm bảo an toàn. Do bộ lọc quảng cáo vi phạm của các nền tảng xuyên biên giới còn sơ sài, lỏng lẻo, đặc biệt các nền tảng không chủ động cập nhật website/tài khoản/kênh nội dung xấu độc, vi phạm pháp luật.
Theo Luật sư Nguyễn Văn Nguyên, Giám đốc Công ty Luật Hưng Nguyên (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội), để hạn chế tới mức thấp nhất các quảng cáo sai sự thật, cần hoàn thiện hệ thống pháp luật về chống tin giả, thông tin sai sự thật. Đặc biệt, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu, ban hành Luật Chống tin giả, thông tin sai sự thật để nhận diện các loại tin giả, tin sai sự thật và áp dụng các biện pháp, chế tài đủ mạnh, đảm bảo tính phòng ngừa và răn đe.
Bên cạnh đó, cần nghiên cứu xây dựng lực lượng chuyên trách thực hiện chống tin giả, thông tin sai sự thật trên mạng xã hội, quan tâm công tác tuyên truyền pháp luật, ý thức trách nhiệm của người tham gia mạng xã hội.
Bởi trên thực tế, người tham gia mạng xã hội vẫn còn thiếu ý thức tuân thủ pháp luật, trách nhiệm xã hội, thiếu kiến thức nền tảng về sử dụng mạng xã hội, cung cấp thông tin nên dẫn đến việc họ cố tình hoặc vô ý tạo hoặc tiếp sức cho việc tạo ra, lan truyền và phát tán tin giả, thông tin sai sự thật.
Vì vậy, cần có nhiều chương trình truyền thông, tuyên truyền pháp luật về an ninh mạng, quy định xử lý vi phạm đối với các hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng, kỹ năng nhận biết tin giả, tin sai sự thật và cách phòng tránh, không chia sẻ, tương tác để người tham gia mạng xã hội nắm được, xây dựng lối sống văn minh, ứng xử văn hóa, có trách nhiệm, nêu gương sáng, việc tốt để lan tỏa các nội dung lành mạng trên môi trường mạng xã hội.
Khoản 9 Điều 8 Luật Quảng cáo nghiêm cấm hành vi quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố. Tại khoản 7, Điều 109 Luật Thương mại nghiêm cấm hành vi quảng cáo sai sự thật về một trong các nội dung số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, xuất xứ hàng hóa, chủng loại, bao bì, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của hàng hóa, dịch vụ. Tại Điều 197 Bộ luật Hình sự 2015 quy định người nào quảng cáo gian dối về hàng hóa, dịch vụ đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì bị phạt tiền từ 10 - 100 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 05 - 50 triệu đồng, cấm làm công việc nhất định từ 01 - 05 năm. |