Ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19
Sở Du lịch Thừa Thiên Huế cho biết, trong tháng 7/2020, tổng lượt khách đến Thừa Thiên Huế là 105.772 lượt, doanh thu từ du lịch khoảng 472 tỷ đồng (trong đó, riêng lưu trú là 85 tỷ - công suất phòng đạt 30%, lữ hành đạt 7,5 tỷ). Tuy nhiên, từ đầu tháng 8/2020 đến nay, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 nên lượng khách giảm rất đáng kể, dự kiến thiệt hại về doanh thu du lịch khoảng 1.100 tỷ đồng. Riêng lĩnh vực lưu trú có hơn 200 ngàn lượt khách hủy phòng, thiệt hại gần 200 tỷ (công suất phòng trên 70%); về lữ hành đã có 111 tour bị hủy với 2.182 khách (trước khi công bố dịch đợt 2) và sau khi công bố dịch thì toàn bộ các tour đều bị hủy, 117 tour với 1.931 khách, thiệt hại ước tính khoảng 13 tỷ đồng.
Những năm trước, thời điểm tháng 7, 8 các điểm di tích thuộc Đại nội Huế thu hút rất đông du khách thì năm nay do dịch Covid-19 lượng khách tham quan tại đây giảm rất nhiều |
Đại diện Trung tâm bảo tồn di tích Cố đô Huế cho biết, tổng lượng khách tham quan di tích từ đầu năm đến hết tháng 7/2020 là 781.237 lượt. Trong đó, khách quốc tế là 431.804 lượt, giảm 68,91%; khách trong nước là 349.433 lượt, giảm 56,42%. Tổng lượng khách giảm 64,34% (cụ thể giảm 1.409.638 lượt khách). Doanh thu bán vé tham quan đến hết tháng 7/2020 đạt khoảng 100 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với kế hoạch đề ra. Trong tháng 7/2020 có 154.385 lượt khách tham quan tại các điểm di tích Huế, trong đó, khách quốc tế là 1.350 lượt, khách trong nước là 153.035 lượt, doanh thu đạt hơn 11 tỷ đồng. Tuy nhiên, từ ngày 1/8 đến hết ngày 20/8/2020, các điểm di tích Huế chỉ đón 1.411 lượt khách, trong đó, có 9 lượt khách quốc tế, 1.402 lượt khách trong nước, doanh thu chỉ đạt 90 triệu đồng.
Ông Đinh Mạnh Thắng - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế - cho biết, hiện nay, toàn bộ các doanh nghiệp lữ hành du lịch trên địa bàn tỉnh (92 đơn vị) hầu như đã tạm dừng hoạt động và gần như 100% các tour du lịch đến Huế thời gian này đã bị huỷ, bị hoãn. “Trong đợt 1 dịch Covid-19 khởi phát, lượt khách vẫn còn duy trì được khoảng 10% cho đến khi thực hiện giãn cách xã hội, hiện tại ngành du lịch gần như về không. Từ lữ hành đến cơ sở kinh doanh dịch vụ, lưu trú, hậu cần du lịch đều ở trạng thái tạm thời “đóng cửa”, ông Thắng cho biết thêm.
Theo Sở Du lịch Quảng Bình, tình hình dịch Covid-19 ảnh hưởng rất lớn đến doanh thu ngành du lịch của địa phương năm 2020, đặc biệt là sau khi đợt dịch lần 2 bùng phát thì số lượng du khách trong và ngoài nước đến với Quảng Bình đều giảm sâu. Cụ thể, tính đến hết tháng 7/2020, có hơn 1,4 triệu lượt khách đến với Quảng Bình (trong đó, khách nội địa là hơn 1,38 triệu lượt, gần 54 ngàn lượt khách quốc tế), giảm 57% so với kế hoạch đề ra (kế hoạch đón hơn 3,3 triệu lượt) và giảm 53% so với cùng kỳ năm 2019. Riêng trong tháng 7/2020, có hơn 530 ngàn lượt khách du lịch đến với Quảng Bình (trong đó, khách nội địa là 530 ngàn lượt, 2.000 lượt khách quốc tế), giảm 23,2% so với kế hoạch đề ra và giảm 15,6% so với cùng kỳ năm 2019. Tháng 8/2020, lượng khách du lịch đến với Quảng Bình chỉ đạt hơn 155 ngàn lượt (155 ngàn lượt khách nội địa, 400 lượt khách quốc tế), giảm 77,8% so với kế hoạch đề ra, giảm 75,5% so với cùng kỳ năm 2019.
Ngành du lịch điêu đứng, hàng chục thuyền rồng "thất nghiệp" nằm chờ trên sông Đông Ba (TP. Huế) |
Tiếp tục kích cầu du lịch, tạo điểm đến an toàn
Mặc dù hiện tại các hoạt động về du lịch – dịch vụ đang “đóng băng” nhưng ngành du lịch hai địa phương Thừa Thiên Huế, Quảng Bình tiếp tục thực hiện các giải pháp kích cầu du lịch, chuẩn bị cơ sở vật chất, con người, kết nối doanh nghiệp, hợp tác du lịch, xây dựng sản phẩm du lịch hấp dẫn… để thu hút khách du lịch, đặc biệt là khách nội địa, để từng bước phục hồi hoạt động ngành du lịch sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát và khống chế.
Ông Nguyễn Văn Phúc - Phó Giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên Huế - cho biết, hiện nay ngành du lịch tiếp tục triển khai các chương trình kích cầu du lịch như giảm 50% giá vé tham quan các di tích thuộc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế quản lý từ ngày 8/5 đến ngày 31/12/2020 để kích cầu du lịch. Triển khai áp dụng bộ tiêu chí an toàn đối với dịch bệnh Covid-19 trong lĩnh vực du lịch để các cơ sở lưu trú; các khu/điểm du lịch, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận chuyển, nhà hàng, biểu diễn nghệ thuật, giải trí trên địa bàn tỉnh để các đơn vị đảm bảo an toàn trong khai thác, kinh doanh…
“Bên cạnh đó, nhằm đảm bảo quyền lợi cho khách du lịch, Sở Du lịch Thừa Thiên Huế đề nghị các doanh nghiệp du lịch - dịch vụ tăng cường kiểm soát chất lượng dịch vụ; kiểm tra toàn bộ cơ sở vật chất; kịp thời thay thế, sửa chữa trang thiết bị hỏng hóc, không đảm bảo chất lượng. Bổ sung nguồn nhân lực, đảm bảo đủ số lượng và chất lượng ở tất cả các bộ phận, các khâu phục vụ nhằm đáp ứng quy trình chuẩn trong phục vụ khách. Đồng thời, tăng cường việc đảm bảo an ninh, an toàn phòng chống cháy nổ, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm tại các khu, điểm du lịch, các cơ sở lưu trú du lịch…”, ông Phúc cho biết thêm.
Cụm liên kết Quảng Bình - Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam giới thiệu sản phẩm du lịch tại Ngày hội Du lịch TP. Hồ Chí Minh lần thứ 16 năm 2020 |
Còn theo Sở Du lịch Quảng Bình, chương trình kích cầu du lịch năm 2020 trên địa bàn tỉnh được thực hiện từ tháng 5 đến hết tháng 12/2020, với các sản phẩm, dịch vụ ưu đãi hấp dẫn, bảo đảm chất lượng nhằm mang lại nhiều hơn giá trị tăng thêm cho du khách; đẩy mạnh công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm du lịch với “Quảng Bình - điểm đến an toàn và khác biệt”.
Ông Đặng Đông Hà - Phó Giám đốc Sở Du lịch Quảng Bình - cho biết, bên cạnh việc thực hiện chỉnh trang, đầu tư cơ sở vật chất, con người thì ngành du lịch Quảng Bình đẩy mạnh hoạt động kết nối, hợp tác du lịch với các địa phương, doanh nghiệp trong cả nước. Cụ thể, từ đầu tháng 7/2020, Sở Du lịch Quảng Bình phối hợp với Sở Văn hóa thể thao và du lịch Thái Nguyên tổ chức hội nghị trao đổi, kết nối để, xây dựng chương trình du “một điểm đến hai địa phương” với những sản phẩm đặc thù, khác biệt. Ngày 16/7, ngành du lịch Quảng Bình nằm trong cụm liên kết 4 tỉnh Quảng Bình - Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam tham gia Ngày hội Du lịch TP. Hồ Chí Minh lần thứ 16 đã thu hút đông đảo du khách tham quan, tìm hiểu. “Đây là sự kiện quan trọng nhằm đẩy mạnh kích cầu du lịch nội địa, tạo điều kiện cho doanh nghiệp du lịch, công ty lữ hành khôi phục thị trường, tiếp cận khách hàng và đem đến cho du khách nhiều cơ hội khám phá, trải nghiệm các điểm đến trên cả nước”, ông Hà nhấn mạnh.