Trao đổi với phóng viên Vuasanca , ông Lê Chí Phai – Phó Tổng Giám đốc Cảng Chân Mây cho biết, nhằm tạo bước đột phá, góp phần thúc đẩy và phát triển cho cảng Chân Mây (huyện Phú Lộc, Thừa Thiên Huế); tạo môi trường thu hút đầu tư, xuất nhập khẩu thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp trên địa bàn khu vực Bắc miền Trung (từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Bình) và nước bạn Lào; đồng thời tạo động lực, diện mạo mới cho Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, Hội đồng nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế khóa VIII đã thông qua Nghị Quyết số 18/2022/NQ-HĐND và Nghị Quyết số 25/2022/NQ-HĐND (sửa đổi, bổ sung) về thí điểm một số chính sách hỗ trợ các hãng tàu biển mở tuyến vận chuyển container và các đối tượng có hàng hóa vận chuyển bằng container đi, đến cảng Chân Mây tỉnh Thừa Thiên Huế. Nghị quyết có hiệu lực đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2024.
Mặc dù triển khai nhiều giải pháp, tuy nhiên việc thu hút tàu hàng container tại cảng Chân Mây gặp nhiều khó khăn |
Đến nay sau hơn một năm rưỡi đưa Nghị quyết đi vào thực hiện, bước đầu đã phát huy, đạt được hiệu quả nhất định. Cụ thể đã thu hút được được 94 chuyến tàu vận chuyển container (51 chuyến nội địa và 43 chuyến quốc tế). Những kết quả đạt được bước đầu cho thấy, chính sách đã đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển đồng thời cho cả doanh nghiệp và cảng Chân Mây. Mặc khác, các chính sách hỗ trợ của Thừa Thiên Huế còn là sự hỗ trợ kịp thời để động viên khuyến khích các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu vượt qua thời kỳ khó khăn sau đại dịch Covid, có thêm động lực để chuyển sang vận chuyển hàng hóa bằng container qua cảng, tạo thuận lợi, thu hút đầu tư, thúc đẩy hoạt động kinh doanh, xuất nhập khẩu phát triển, tạo động lực cho Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô…
Hiện nay, cảng Chân Mây đã ký kết với 5 hãng tàu (2 nội địa - Hải An và Gemadept và 3 quốc tế, RCL, CMA và Voyager Logistics). Mới đây, ngày 9/7/2024 chuyến tàu mang tên CNC JUPITER (sức chở 1.952 TEU) của hãng tàu CMA CGM (hãng tàu container lớn nhất nước Pháp), là một trong những tập đoàn vận chuyển hàng đầu trên thế giới đưa chuyến tàu container đầu tiên cập Cảng Chân Mây để xếp dỡ 88 container hàng hoá (40 feet) của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.
Tuy vậy, theo Phó Tổng Giám đốc cảng Chân Mây Lê Chí Phai, hiện nay việc thu hút tàu hàng container qua cảng Chân Mây còn gặp nhiều thách thức, khó khăn. Nguyên nhân, do một số doanh nghiệp đã quen xuất nhập hàng container tại Đà Nẵng, nên vẫn còn ngại thay đổi. Ngoài ra, việc thay đổi cảng xuất/nhập khẩu hàng container còn phụ thuộc vào điều kiện thương mại đã ký kết với đối tác mua/bán ở nước ngoài. Hầu hết các doanh nghiệp đều mua CIF bán FOB (là mua bán hàng hóa với nước ngoài mà hàng hóa chỉ được giao và nhận tại cảng Việt Nam; các khâu còn lại bên ngoài Việt Nam do phía nước ngoài đảm nhiệm) nên không chủ động và quyết định trong việc thuê tàu mà phụ thuộc phía đối tác chỉ định.
“Sản lượng hàng hóa của khu vực miền Trung không nhiều, mất cân đối giữa hàng xuất khẩu và nhập khẩu. Giữa các doanh nghiệp, hãng tàu và các công ty logistics vẫn chưa có sự liên kết, hợp tác nhất định để triển khai xuất nhập hàng container qua Cảng Chân Mây. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng logistics trên địa bàn chưa đồng bộ, thiếu hệ thống các trung tâm logistics. Hạn chế về kho bãi, thiếu quỹ đất để xây dựng thêm kho, bãi hàng container...”, ông Lê Chí Phai cho biết thêm.
Hãng tàu CMA CGM cập Cảng Chân Mây xếp dỡ hàng hóa |
Về kế hoạch phát triển lâu dài, bền vững trong việc thu hút tàu hàng container qua cảng, Lãnh đạo cảng Chân Mây cho biết thêm, thời gian tới sẽ tiếp tục đầu tư thêm thiết bị chuyên dụng phục vụ làm hàng container để đáp ứng các tiêu chí của hãng tàu; mở rộng, xây dựng thêm bãi chứa hàng container. Đồng thời, kiến nghị tỉnh Thừa Thiên Huế và và Ban Quản lý Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp trong lĩnh vực Logistics đầu tư, xây dựng các trung tâm logistics, cảng ICD, kho bãi, dịch vụ hậu cần để cùng với doanh nghiệp khai thác cảng thu hút các hãng tàu quốc tế được thuận lợi.
Tại hội nghị xúc tiến đầu tư các hãng tàu container cảng Chân Mây vừa qua, Lãnh đạo Thừa Thiên Huế cho biết, cảng Chân Mây là một khâu quan trọng trong những mắt xích chuỗi dịch vụ logistics của miền Trung Việt Nam và hành lang kinh tế Đông Tây, có vai trò quan trọng như một cửa ngõ chính ra biển Đông cho cả khu vực. Do đó, tỉnh Thừa Thiên Huế định hướng, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp Cảng với quyết tâm cao nhất góp phần đưa cảng Chân Mây phát triển, xứng tầm là cảng biển quốc tế với quy mô, dịch vụ hiện đại, là điểm đến hấp dẫn, thân thiện và an toàn cho các hãng tàu, du khách. Với định hướng đó, tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành kế hoạch phát triển dịch vụ logistics; xây dựng các trung tâm logistics tại Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô; các khu, cụm công nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả, tạo ra tính liên kết vùng.
Liên quan đến dự án phát triển logistic, Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tỉnh Thừa Thiên Huế đã đăng ký với Bộ Công Thương thực hiện quy hoạch trung tâm logistics hạng I, diện tích khoảng 20ha tại Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô. Đồng thời đã làm việc với Vụ thị trường trong nước - Bộ Công Thương để được hướng dẫn đề cương, nhiệm vụ lập đề án quy hoạch chi tiết.
Tỉnh Thừa Thiên Huế dự kiến dành khoản ngân sách trên 18 tỷ đồng/năm để hỗ trợ các hãng tàu biển. Cụ thể các hãng vận chuyển container tại cảng Chân Mây với tần suất tối thiểu 2 chuyến/tháng được hỗ trợ 210 triệu đồng/chuyến. Các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân xuất nhập khẩu hàng hóa container đi và đến cảng được hỗ trợ từ 800.000 đồng đến 1,1 triệu đồng/container.