Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời |
Chương trình “Xây dựng mô hình Công dân học tập giai đoạn 2021 - 2030” được phê duyệt tại Quyết định số 677/QĐ-TTg ngày 3/6/2022 với mục tiêu thúc đẩy việc học tập suốt đời để con người Việt Nam phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân... trên cơ sở hình thành mô hình “Công dân học tập”.
Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, năng suất lao động của Việt Nam năm 2019 chỉ bằng 7,64% so với Singapore, gần 20% của Malaysia, gần 38% của Thái Lan và gần 46% so với Indonesia. Nguyên nhân được chỉ ra là do thiếu một nền giáo dục mở, thực học, thực hành; học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập chưa trở thành nhu cầu hàng ngày của người dân và chưa trở thành phong trào mang tính quốc gia, toàn dân, toàn diện.
Xây dựng xã hội học tập trở thành nhu cầu hàng ngày |
Học tập suốt đời không chỉ trang bị và nâng cao kiến thức, kỹ năng cho con người mà còn giúp mỗi người sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội. Đặc biệt, theo Hội Khuyến học Việt Nam, trong thời kỳ xã hội phát triển tiến tới xã hội số, nền kinh tế kết nối thông qua các thiết bị hiện đại, việc học tập, trau dồi kỹ năng là để không bị lạc hậu. Đảng và Nhà nước đã có nhiều quyết sách và tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy sự học tập trong nhân dân để đến năm 2025 Việt Nam trở thành đất nước có nền kinh tế số đứng tốp đầu trong khối ASEAN.
GS.TS Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam - cho rằng, xây dựng xã hội học tập là một cuộc cách mạng giáo dục triệt để. Nếu như chúng ta có được một xã hội học tập, toàn bộ phương châm, nguyên tắc, triết lý về giáo dục sẽ thay đổi hẳn. Theo đó, một trong những yếu tố quan trọng là có phong trào thi đua trên cả nước, thúc đẩy sự học suốt đời trong nhân dân. Tuy nhiên, để phát động phong trào cần nhớ lại lời Bác Hồ từng nói: “Người người thi đua, nhà nhà thi đua, ngành ngành thi đua, chúng ta nhất định thắng, địch nhất định thua”. Như vậy, phải từ “người người” thi đua, đến “nhà nhà”, rồi “ngành ngành” mới có thể thực hiện được.
Mô hình “Công dân học tập” nhằm khuyến khích, tạo cơ hội công bằng, điều kiện thuận lợi cho mọi cá nhân trong tổ chức, đơn vị, gia đình, mọi công dân trong xã hội được tham gia học tập, hướng tới công dân số, đáp ứng yêu cầu của Chương trình chuyển đổi số quốc gia và góp phần xây dựng thành công một xã hội học tập.
Mục tiêu được Chính phủ đề ra đó là đến năm 2030 có 60% người lớn trong gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập, 80% cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong đơn vị học tập cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh và ở cơ quan trung ương đạt danh hiệu “Công dân học tập”; 90% những người đạt danh hiệu “” đều phải có những kỹ năng số và đáp ứng yêu cầu công việc theo quy định của Chương trình chuyển đổi số quốc gia; trong đó 80% thành thạo kỹ năng số để tự cập nhật thông tin về tiêu chí đánh giá “Công dân học tập” trên môi trường số hóa.
Để đạt được mục tiêu trên, Chính phủ yêu cầu, xây dựng và hoàn thiện Bộ tiêu chí khung để áp dụng cho các đối tượng khác nhau; đẩy mạnh công tác tuyên truyền về mô hình “Công dân học tập”; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức các hoạt động học tập suốt đời, xây dựng mô hình công dân học tập; triển khai công tác tập huấn, sơ kết, tổng kết, đánh giá việc xây dựng mô hình “Công dân học tập”. Bên cạnh đó, thực hiện nghiên cứu, xây dựng phần mềm nhằm số hóa việc thu thập minh chứng, cho điểm, đánh giá, tổng hợp, báo cáo... việc thực hiện các tiêu chí xây dựng mô hình “Công dân học tập” theo các mục tiêu của Chương trình; xây dựng trang thông tin điện tử, học liệu mở, chuyên đề... giúp tuyên truyền, phổ biến, tập huấn nâng cao hiểu biết cho cán bộ hội, hội viên khuyến học và người dân về các nhiệm vụ khuyến học, khuyến tài, xây dựng các mô hình học tập.
Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ phối hợp với các bộ, ngành và địa phương nghiên cứu đề xuất xây dựng dự án Luật Học tập suốt đời. |