Diễn đàn doanh nghiệp Việt - Pháp tại Thượng viện Pháp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp Chủ tịch Thượng viện Pháp |
Thượng viện Pháp đã tiến hành cuộc bỏ phiếu vào cuối ngày thứ bảy tuần này (11/3) để thông qua một dự luật cải cách đang gây nên nhiều tranh cãi đối với hệ thống lương hưu. Được biết, đây cũng là một trong những nội dung trọng tâm của chiến dịch tái tranh cử nhiệm kỳ Tổng thống thứ hai của Emmanuel Macron.
Các thượng nghị sĩ đã thông qua cải cách với 195 phiếu thuận trên 112 phiếu chống, đưa dự luật này tiến thêm một bước nữa để trở thành luật. "Một bước tiến quan trọng đã được thông qua" - Thủ tướng Elisabeth Borne trả lời AFP sau cuộc bỏ phiếu.
Theo quá trình, khi dự luật được thông qua, một Uỷ ban sẽ đưa ra một bản dự thảo cuối cùng. Sau đó, nó sẽ được đệ trình lên cả hai Viện của Quốc hội để bỏ phiếu lần cuối. Nếu chính phủ của Macron không giành được số đông phiếu bầu, Borne có thể sẽ triển khai việc sử dụng một điều khoản đặc biệt có trong Hiến pháp để thông qua luật mà không cần bỏ phiếu. Đây được gọi là điều khoản 49/3 - một điều khoản hiếm khi được sử dụng và cũng gây rất nhiều tranh cãi.
Thượng viện bỏ phiếu về cải cách lương hưu ở Paris, ngày 11 tháng 3 năm 2023. (Nguồn: Le Monde) |
Trong tuần này, Tổng thống Macron đã hai lần từ chối các cuộc gọi khẩn cấp từ các Công đoàn với mục đích cố gắng khiến ông thay đổi quyết định. Philippe Martinez, ông chủ của hiệp hội CGT cánh tả, cho biết động thái này đã khiến các công đoàn "rất tức giận". "Có hàng triệu người đã xuống đường, đình công nổ ra và tất cả những gì chúng tôi nhận được từ phía bên kia là sự im lặng, mọi người đã tự hỏi rằng: Chúng tôi cần phải làm gì để được lắng nghe?" ông nói. Philippe Martinez cũng cho rằng bắt buộc phải có một cuộc trưng cầu dân ý về cải cách lương hưu.
Số người biểu tình ít hơn dự kiến
Cuộc bỏ phiếu diễn ra trong vài giờ sau khi hàng trăm nghìn người đổ xô xuống đường tham gia các cuộc biểu tình trên khắp cả nước. Tuy nhiên, số lượng người biểu tình được cho là đã ít hơn nhiều so với dự kiến.
Theo số liệu thống kê từ phía cảnh sát và Bộ Nội vụ, có 48.000 người biểu tình ở Paris và 368.000 người trên khắp nước Pháp. Đây là một con số ít hơn rất nhiều so với hơn 1 triệu người đã biểu tình ở các thành phố và thị trấn hôm thứ ba nhằm mục đích phản đối cải cách bị nhiều người cho là bất công.
Các cuộc biểu tình đã nổ ra trên toàn quốc, đợt biểu tình thứ hai đã kéo dài lên đến bốn ngày và là đợt thứ bảy kể từ tháng một. Đi kèm theo đó là các cuộc đình công đang diễn ra trong nhiều lĩnh vực quan trọng, từ năng lượng đến vận tải và thậm chí là thu gom rác thải. Điều này gây nên tình trạng rác không được thu gom chất đống ở Paris và các thành phố khác.
Căng thẳng bùng lên vào tối thứ bảy, khi cảnh sát Paris cho biết họ đã thực hiện 32 vụ bắt giữ sau khi một số người biểu tình ném đồ vật vào lực lượng an ninh, khiến thùng rác bị đốt cháy và cửa sổ bị vỡ.