Vụ cô giáo bị học sinh ném dép: Kỷ luật cả hiệu trưởng và cô giáo Vụ học sinh hành hung giáo viên: Cô giáo liên tục bị học trò khiêu khích, trêu tức |
Vừa qua, tại Quảng Bình đã xôn xao một clip được phát trên mạng xã hội về việc, có một phụ huynh đang phát biểu bày tỏ thắc mắc về việc thu, chi số tiền xã hội hóa từ quỹ hội phụ huynh thì hiệu trưởng ngăn cản và cự cãi trước mặt đông đảo học sinh và phụ huynh.
Cụ thể, cô giáo Đinh Thị Bùi Chung- Hiệu trưởng Trường mầm non số 1 thị trấn Quy Đạt, huyện Minh Hoá, tỉnh Quảng Bình đã có hành vi chỉ vào mặt hội trưởng hội phụ huynh, ngăn cản việc người này nói về những thắc mắc trong quá trình nhà trường mua tủ đồ cho các lớp bằng nguồn xã hội hóa trong ngày lễ bế giảng năm học 2023-2024.
Buổi lễ tổng kết của các em biến thành một cái chợ khi, có sự tham gia tranh luận của cô giáo hiệu phó và sự “la ó” phản đối của nhiều phụ huynh khác. Câu chuyện ai đúng ai sai chưa cần phân tích nhưng tại sao lại biến một buổi lễ tổng kết ý nghĩa của các em, buổi lễ tổng kết với biết bao nhiêu hồn nhiên và vô tư của những đứa bé chập chững vào đời thành một buổi tranh cãi phản cảm.
Tranh cãi trong buổi tổng kết của các cháu tại trường mầm non số 1 thị trấn Quy Đạt (Ảnh: cắt ra từ clip) |
Trên trang cá nhân của người dùng mạng xã hội có tên Dương Sông Lam khi chia sẻ về vấn đề này có đoạn: “Sao nỡ phá buổi tổng kết của các con; Nếu đúng bà hiệu trưởng sai, nhà trường sai thì tại sao không phản ánh trong cuộc họp phụ huynh. Hoặc viết đơn tố cáo gửi các cơ quan chức năng liên quan. Mà lại đi tố trong buổi tổng kết của các cháu. Các cháu đâu có trách nhiệm và hiểu gì. Các cháu cần buổi tổng kết vui vẻ. Nhìn các cháu mặc áo, đội mũ tổng kết chia tay trường, mặt ngơ ngác xem người lớn cãi nhau thật đáng thương. Người lớn thật xấu, nhiều khi chỉ vì cái tôi bản thân họ đâu cần biết cảm xúc, hay con trẻ cần gì”.
Trước đó, trên mạng xã hội cũng xôn xao câu chuyện về trường hợp một phụ huynh không đồng ý đóng quỹ cho con liên hoan vì thấy hình thức này không bắt buộc, sau khi đi học về cháu bé thưa lại câu chuyện và hỏi: “mẹ ơi sau này lên lớp 2 con có được ăn liên hoan không”. Bức xúc vì câu chuyện trên bà mẹ đã đăng lên mạng xã hội để “bóc phốt” cô giáo, bài viết sau đó đã nhận được rất nhiều ý kiến và bình luận trái chiều của cộng đồng mạng.
Sau đó, phụ huynh này đã đăng đàn với trạng thái đầy phẫn nộ trên mạng xã hội với nội dung: “Quỹ lớp thì tôi đóng chứ quỹ hội tôi không đóng vì đấy là khoản phí không bắt buộc, ai thích thì đóng. Thế mà 31 học sinh trong lớp ăn liên hoan, lại thêm cả cô giáo chủ nhiệm và cô tiếng anh cùng 3 phụ huynh phát suất ăn, vậy mà để mình con tôi trơ mắt nhìn mọi người liên hoan trong vui vẻ”, kèm với đó là những đoạn tin nhắn của hội phụ huynh trong nhóm lớp.
Được biết, lớp con của vị phụ huynh này đang học có 2 loại quỹ là quỹ lớp và quỹ phụ huynh. Nhưng ban đầu người mẹ này chỉ tham gia quỹ lớp cho con, vì cho rằng quỹ phụ huynh là không ép buộc và ai thích đóng thì đóng, còn không thì thôi.
Trong lớp có sỉ số 32 học sinh thì đã 31 em đóng tiền quỹ phụ huynh là 100.000 đồng/học sinh, chỉ riêng mỗi bà mẹ này là không đóng cho con.
Theo như chia sẻ trong các đoạn chat thì quỹ lớp dùng để mua sách vở động viên học sinh, nhưng quỹ này khi đến cuối năm thì đã không còn đủ để chi cho các việc khác nữa. Đó là lý do mà tiền liên hoan cho lớp được trích ra từ quỹ phụ huynh. Tuy nhiên quỹ phụ huynh bà mẹ này lại không đóng giống như bao phụ huynh khác, thế nên con chị đã không có suất ăn liên hoan cùng các bạn ở lớp.
Sau khi nắm được toàn bộ đầu đuôi câu chuyện, rất nhiều người đều phẫn nộ và dành những lời chỉ trích đối với việc làm của bà mẹ. Ai cũng nhận xét trong hoàn cảnh này, người sai rõ ràng là phụ huynh chứ không phải là cô giáo nên không thể trách cô được.
Cũng có nhiều bình luận đồng cảm, đứng về phía bà mẹ và trách cô giáo vì ứng xử không khéo với một đứa trẻ.
“Chưa nói tới việc giữa phụ huynh và cô giáo ai đúng, ai sai. Nhưng cô giáo để 1 học sinh ngồi ngoài không cho tham gia buổi liên hoan của lớp là cô sai, cô nghĩ gì khi để cho đứa bé mới 6, 7 tuổi chứng kiến điều đó?”- một bình luận trên mạng xã hội nêu ý kiến.
Câu chuyện đúng sai tuỳ thuộc và hành động và hoàn cảnh của mỗi chúng ta. Nhưng vô tình hay cố ý thể hiện và biểu hiện nó cho các em thấy và biết là một “tội ác” trá hình. Phá vỡ đi sự hồn nhiên, trong sáng, thơ ngây của những đứa trẻ khi mới chập chững bước vào một thế giới mới đang rộng mở chờ đón chúng. Khi cái sự sân si, đố kỵ, cái tôi cá nhân, sự hiếu kỳ của đám đông sẽ “bóp chết” đi tuổi thơ của những đứa trẻ vô tội bằng những câu chuyện không đầu, không cuối của người lớn.