Từ hành trình “vượt nắng, thắng mưa”
Anh Phạm Hồng Phương – Giám đốc Ban quản lý Dự án Thủy điện Sơn La – Lai Châu- cho biết, để đáp ứng nhu cầu điện năng phục vụ phát triển kinh tế- xã hội của đất nước, năm 2004, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã nghiên cứu, lập báo cáo khả thi Dự án Thủy điện Lai Châu và trình Thủ tướng Chính phủ vào tháng 10/2007. Từ năm 2008, cùng với việc hoàn thiện thiết kế, thu xếp vốn, đàm phán hợp đồng, EVN đã triển khai công tác chuẩn bị đầu tư bằng việc thực hiện 3 hạng mục chính gồm: Làm đường tránh ngập của Thủy điện Sơn La (tỉnh lộ 127), đồng thời cũng là con đường phục vụ thi công Thủy điện Lai Châu sau này; xây dựng đường dây 110kV dài 99 km từ Tuần Giáo đi Lai Châu; phối hợp với UBND tỉnh Lai Châu thống kê kiểm đếm sơ bộ các hộ dân bị ảnh hưởng, lập phương án đền bù giải phóng mặt bằng.
Nhớ lại thời điểm đó, anh Phương kể: Nậm Nhùn khi đó còn nghèo, hoang sơ lắm, chỉ có đồi núi và những cơn gió Lào hầm hập, mùa đông thì rét đến cắt da, cắt thịt. Con đường dẫn từ thị xã Mường Lay (Điện Biên) đến Thủy điện Lai Châu chỉ hơn 30 km nhưng phải mất tới 4 giờ đồng hồ di chuyển. Xa trung tâm, không chợ, không sóng điện thoại, thời tiết vô cùng khắc nghiệt, mưa lũ, nắng gió thất thường; trang thiết bị, máy móc phục vụ thi công đều thiếu thốn, đời sống sinh hoạt của cán bộ, công nhân viên khổ cực. Thêm vào đó, giai đoạn từ 2008-2011 cũng là thời điểm nền kinh tế bị khủng hoảng, thiếu vốn, lãi suất ngân hàng cao tới 25%, khiến cả chủ đầu tư, nhà thầu đều “lao đao”.
Sau những nỗ lực quên mình vượt nắng, thắng mưa để kịp cho ngày khởi công vào ngày 5/1/2011, anh em bắt tay ngay vào việc với mục tiêu phấn đấu đến quý I/2012 sẽ ngăn sông Đà đợt 1. Thế nhưng trời chẳng chiều người, việc thi công gặp nhiều khó khăn vượt dự tính; địa chất phức tạp, mưa lũ đã khiến cho công trình bị sạt lở nghiêm trọng, bùn đất vùi lấp con kênh dẫn dòng, thấm đê quây, tràn xuống hố móng...không những thế, toàn bộ công trình lâm vào cảnh thiếu nguồn tài chính. Thiếu tiền cũng đồng nghĩa máy móc không có xăng dầu để chạy, công nhân không có tiền ăn, điều kiện sinh hoạt thiếu thốn khiến tinh thần công nhân giảm sút, nhiều lao động chuyển đi nơi khác, nguy cơ đình trệ rất lớn.
“Khó khăn chồng chất khó khăn, nhiều lúc tưởng chừng không vượt qua được. Một công trình lớn với hàng chục nghìn tỷ đồng đầu tư mà Ban quản lý dự án phải xin cấp vốn từng tháng với vài tỷ đồng chỉ đủ để duy trì hoạt động” – Anh Phương chia sẻ.
Tuy nhiên, với sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, quyết liệt của Ban chỉ đạo Nhà nước, tháng 7/2011 dòng vốn cũng được khai thông, anh em trong Ban quản lý, nhà thầu vỡ òa trong sung sướng… Nhưng niềm vui chẳng tày gang, vì khối lượng công việc khổng lồ và sức ép tiến độ. Nếu không hoàn thành trước ngày Thủy điện Sơn La tích nước đến cao độ thiết kế, mọi thứ coi như phải điều chỉnh lại, thiệt hại về kinh tế rất lớn. Với quyết tâm đạt mốc tiến độ, anh em đã tập trung toàn lực, làm cả ngày lẫn đêm, điều chỉnh mục tiêu chính thành mục tiêu tối thiểu.
“Đó chỉ là một ví dụ thôi, vì sau mốc ngăn sông đợt 1 ngày 24/4/2012 còn nhiều mốc tiến độ chính như đắp đê quây thi công nhà máy, ngăn sông Đà đợt 2; đóng cống, tích nước hồ chứa; phát điện tổ máy số 1... cũng có nhiều phát sinh, thách thức nhưng bằng sự nỗ lực, đoàn kết, kinh nghiệm và tinh thần sáng tạo chúng tôi đã phấn đấu đạt, vượt tiến độ để có thành công như ngày hôm nay” – Anh Phương cho biết thêm.
Đến lợi ích kinh tế, xã hội
Nhìn lại khối lượng công việc khổng lồ trong gần 5 năm qua mới thấy được ý chí và lòng quả cảm của hơn 8.000 cán bộ, công nhân viên, người lao động trên công trường. Họ đã đào khoảng 15 triệu m3, đắp gần 2,6 triệu m3 đất đá; đổ trên 3,6 triệu m3 bê tông; khoảng 49.000 tấn cốt thép; khoan phụt xi măng 82.410 m; lắp đặt 31.833 tấn thiết bị các loại. Khối lượng được xem như ngang bằng với Thủy điện Sơn La (2.400 MW) dù công suất Thủy điện Lai Châu chỉ bằng 1/2 (1.200 MW).
Theo tính toán của EVN, việc phát điện tổ máy 1 sớm hơn 3 tháng 16 ngày có ý nghĩa rất lớn, góp phần đáng kể vào tổng công suất hệ thống điện, làm giảm nguy cơ thiếu điện trong những năm tới. Hồ chứa Thủy điện Lai Châu được đưa vào sử dụng đã cải thiện việc cấp nước tưới cho Đồng bằng Bắc bộ và tăng thời gian hoạt động hữu ích cho các Nhà máy Thủy điện Sơn La, Hòa Bình.
Lợi ích kinh tế thu được với 3 tháng vận hành sớm sẽ tạo ra doanh thu 150 triệu USD, tiết kiệm hơn 1 triệu tấn than để sản xuất ra lượng điện năng tương đương. Trường hợp sớm hơn 1 năm sẽ tạo ra doanh thu khoảng 7.000 tỷ đồng từ 4,7 tỷ kWh.
Đến hết năm 2016, toàn bộ giá trị thủy điện bậc thang sông Đà sẽ đạt khoảng 27.674 triệu kWh, chiếm 2/3 tổng sản lượng thủy điện cả nước. Cùng với cơ sở hạ tầng đường giao thông, điện, nước, trường học, chợ... được đầu tư sẽ là tiền đề phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất - tinh thần cho nhân dân Lai Châu nói riêng và các tỉnh Tây Bắc nói chung. |