Những thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn nhất của Việt Nam sau 8 tháng 2024 Kim ngạch xuất khẩu dừa tươi của Việt Nam có thể vượt mốc 1 tỷ USD |
Mặc dù gặp nhiều khó khăn song các ngành, lĩnh vực kinh tế của tỉnh Tiền Giang đang trên đà phục hồi và tăng trưởng ấn tượng. Trong đó sản xuất công nghiệp, xuất khẩu đã có sự chuyển biến tích cực, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế.
Trả lời phóng viên Vuasanca , ông Lưu Văn Phi - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang, cho biết, mặc dù hoạt động xuất khẩu đối mặt với các thách thức chung của các thị trường đối tác lớn, nhưng nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tăng cường xúc tiến thương mại, hỗ trợ sản xuất trong nước và xuất khẩu, nên hoạt động xuất khẩu của tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực, trưởng cao so với cùng kỳ.
Cùng với sự phục hồi của thị trường thế giới các đơn hàng xuất khẩu gia tăng nên hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Tiền Giang đã có nhiều dấu hiệu tích cực. Theo đó, kim ngạch xuất khẩu 8 tháng năm 2024, đạt 3,98 tỷ USD, tăng 12,59% và đạt gần 80% so với kế hoạch năm.
Thủy sản, trái cây là những mặt hàng góp phần nâng kim ngạch xuất khẩu Tiền Giang đạt xấp xỉ 4 tỷ USD trong 8 tháng năm 2024. Ảnh: Thanh Minh. |
Đáng chú ý, trong nhóm các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của tỉnh Tiền Giang, nhóm hàng công nghiệp chiếm tỷ trọng cao nhất, đa số các mặt hàng trong nhóm này đều có kim ngạch xuất khẩu tăng cao so với cùng kỳ năm 2023.
Trong đó, xuất khẩu rau quả đạt 45.281 tấn, với kim ngạch đạt 82,67 triệu USD, tăng gần 134% về lượng và tăng 58% về trị giá so với cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu sầu riêng sang thị trường Trung Quốc trong 8 tháng đầu năm chiếm 42,43% về trị giá trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng rau quả của tỉnh.
“Xuất khẩu hàng rau quả của tỉnh, đặc biệt là trái cây đã xuất đi khắp các thị trường Mỹ, châu Âu (EU), Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc... đã tạo nên kết quả ấn tượng cho ngành hàng rau quả”, Giám đốc Sở Công Thương đánh giá.
Đặc biệt, đơn hàng thủy sản cũng khôi phục lại rất tốt, riêng tháng 8 xuất khẩu đạt 12.395 tấn, với kim ngạch đạt 30 triệu USD, tăng 56,72% về lượng và tăng 49,62% về trị giá so với cùng kỳ. Qua đó, kéo theo kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này 8 tháng năm 2024 đạt 101.834 tấn, với kim ngạch đạt hơn 248 triệu USD.
Bên cạnh đó, nhóm hàng công nghiệp chiếm tỷ trọng cao trong xuất khẩu hàng hóa 8 tháng của tỉnh. Trong đó, kim loại thường khác và sản phẩm (kể cả đồng) đạt 1 tỷ USD, tăng gần 36% so với cùng kỳ; giày dép các loại đạt hơn 629 triệu USD, tăng 21,37% so với cùng kỳ; may mặc đạt gần 654 triệu USD, tăng hơn 47% so với cùng kỳ; sắt thép và sản phẩm từ sắt thép đạt 367,56 triệu USD, tăng 33,94% so với cùng kỳ.
Riêng kim ngạch xuất khẩu gạo tháng 8/2024 đạt 9.200 tấn, với trị giá đạt 4,5 triệu USD, giảm 5,76% về lượng và giảm 20,62% về trị giá so với cùng kỳ. Lũy kế 8 tháng năm 2024 đạt 91.843 tấn với kim ngạch đạt 56,24 triệu USD, giảm 29,39% về lượng và giảm 25,92% về trị giá so với cùng kỳ.
Theo ý kiến của doanh nghiệp xuất khẩu gạo trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, nguyên nhân xuất khẩu gạo trong tháng 8/2024 giảm là do hiện nay cước vận tải tăng, các hãng tàu thường xuyên thay đổi và lùi thời gian tàu chạy làm trễ thời gian giao hàng, khiến doanh nghiệp xuất khẩu gặp nhiều khó khăn và ảnh hưởng đến uy tín, cũng như khả năng cạnh tranh.
Giám đốc Sở Công Thương Tiền Giang đánh giá, trong 8 tháng năm 2024 tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp thuận lợi hơn so với cùng kỳ, đơn hàng tăng do ngay từ đầu năm. Đặc biệt, xuất khẩu đã có sự chuyển biến tích cực và tăng trưởng cao đạt xấp xỉ 4 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu đóng góp chủ yếu từ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (chiếm gần 78,4% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh).
“Thực ra kim ngạch xuất khẩu 8 tháng năm 2024 của tỉnh cao hơn nhiều, nhưng do phần trái cây xuất khẩu ủy thác không được tính (theo quy định số liệu thống kê không tính vào kim ngạch xuất khẩu)”, ông Lưu Văn Phi nhấn mạnh.
Để thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa trong những tháng còn lại năm 2024 qua đó hoàn thành và vượt kế hoạch đạt 5 tỷ USD năm 2024 (dự kiến xuất khẩu năm nay đạt gần 6 tỷ USD), Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang, cho biết, trong thời gian tới, Sở tiếp tục tập trung đổi mới và tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại hướng đến các thị trường mới, thị trường còn tiềm năng và các thị trường ít bị ảnh hưởng bởi lạm phát và tăng trưởng khả quan (ASEAN).
Đồng thời tiếp tục chủ động phối hợp với Bộ Công Thương về xúc tiến, hỗ trợ giao thương giữa các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nông sản, công nghiệp… nhằm góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh, lợi thế thương mại cho một số sản phẩm hàng hóa có thế mạnh của Tiền Giang.
Cùng với đó, đẩy mạnh khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA). Tạo thuận lợi, tăng cường chuyển đổi số trong công tác cấp Giấy chứng nhận xuất xứ C/O ưu đãi, qua đó hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cam kết trong các Hiệp định thương mại tự do…