Tác động lớn
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Trần Duy Đông nhấn mạnh: Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) với xu hướng phát triển dựa trên hệ thống kết nối số hóa - vật lý - công nghệ sinh học, trong đó sự đột phá của Internet và trí tuệ nhân tạo đang làm thay đổi nền sản xuất, tác động mạnh mẽ tới doanh nghiệp (DN). Là nước đang phát triển, việc tiếp cận những thành tựu của CMCN 4.0 là con đường ngắn nhất để các DN Việt Nam bứt phá, tận dụng các cơ hội để giảm chi phí, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, gia tăng vị thế cạnh tranh trên thị trường…
Ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương): Doanh nghiệp cần chủ động trong tiếp cận CMCN 4.0 |
Với ngành bán lẻ, theo ông Nguyễn Văn Hội - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, đây là thành phần quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam bởi 75% GDP cả nước xuất phát từ tiêu dùng cuối cùng. Sau hơn 10 năm gia nhập WTO, doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam đạt 3,9 triệu tỷ đồng trong năm 2017, tỷ lệ tăng trưởng từ năm 2007-2017 luôn đạt mức 18%/năm.
Một trong những thành tựu nổi bật của CMCN 4.0 là sự “nở rộ” của thương mại điện tử, nếu biết tận dụng DN có thể tiếp cận được với nhiều khách hàng hơn so với kênh bán lẻ truyền thống. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Hội cũng cho rằng: Do chi phí lớn, DN chưa mạnh dạn đầu tư vào hạ tầng bán lẻ điện tử, song song với các hệ thống bán lẻ truyền thống. Một thách thức khác chính là nguồn nhân lực, bán lẻ trên nền tảng công nghệ hiện đại đòi hỏi đội ngũ nhân viên phải được đào tạo, am hiểu chuyên sâu, bắt kịp xu thế, làm chủ được các thiết bị máy móc, trong khi chất lượng nhân lực của ngành bán lẻ Việt Nam không cao.
Là một trong những DN trực tiếp sản xuất, Công ty VietRAP đầu tư thương mại đã nhận diện được tác động mạnh mẽ của CMCN 4.0, theo đó đã mạnh dạn đầu tư cho máy móc, thiết bị tiên tiến. Kết quả, chi phí sản xuất của công ty giảm hàng trăm lần, doanh thu lợi nhuận theo đó tăng nhanh chóng.
Chia sẻ suy nghĩ về CMCN 4.0, bà Nguyễn Thị Vân Thường - Tổng giám đốc Công ty VietRAP đầu tư thương mại cho hay: CMCN 4.0 đang phát triển với tốc độ nhanh chóng và dần chi phối hoạt động của DN. Với các thành tựu công nghệ, chi phí cận biên trên một sản phẩm hàng hoá, dịch vụ có thể giảm xuống hàng trăm lần. Quy trình sản xuất nhanh hơn, thông minh hơn, rút ngắn thời gian sản xuất nhiều lần so với trước đây. Đối với những DN sản xuất thì đây là điểm mạnh, lợi thế cần được phát huy nếu muốn nhanh chóng bắt kịp, đi cùng và trụ vững với các công nghệ đặc trưng 4.0.
Doanh nghiệp chủ động
Tại hội thảo, một trong những thách thức của CMCN 4.0 với DN Việt Nam được nhiều diễn giả nhắc tới là nhận thức của DN. Không phải DN Việt Nam nào cũng nhận thức được tầm quan trọng cũng như sự đào thải gắt gao của CMCN 4.0, vì vâỵ nhiều DN đã không kịp thời đầu tư công nghệ mới cho sản xuất, thương mại.
Cùng đó, bà Nguyễn Nguyễn Thị Bích Hường - đại diện Hiệp hội DN nhỏ và vừa cho rằng: Khả năng tiếp cận công nghệ, sử dụng tiếng Anh yếu cũng là một trong những hạn chế của chủ DN. Tiếp đó là khó khăn về vốn cho đầu tư thiết bị, máy móc.
Để có thể tận dụng được cơ hội và vượt qua thách thức của CMCN 4.0 mang lại, ông Nguyễn Văn Hội cho rằng: Nhà nước và DN cần đồng hành. Theo đó, Nhà nước khuyến khích các DN bán lẻ ứng dụng công nghệ mới, phát triển bán hàng đa kênh tích hợp bán lẻ online song song với kênh bán lẻ truyền thống.
Phát triển hạ tầng công nghệ thông tin đáp ứng các yêu cầu kết nối mạng trên phạm vi cả nước, hoàn thiện mạng truyền thông di động trong thời gian sớm nhất. Đào tạo và đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao bằng cách liên kết chặt chẽ giữa Chính phủ, cơ sở đào tạo và DN nhằm đưa ra các chương trình phù hợp.
Về phía DN, chủ động tìm hiểu, cập nhật công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực của mình; xây dựng chiến lược bán hàng phù hợp với thời đại mới; thay đổi công nghệ, ứng dụng bán hàng đa kênh. Nâng cao năng lực quản trị DN và quản lý rủi ro về công nghệ thông tin; xây dựng và khai thác phân tích cơ sở dữ liệu; tăng cường đào tạo cho nhân viên.
Ứng dụng công nghệ mới; tự động hoá dây chuyền sản xuất; giảm chi phí tiêu hao nguyên, nhiên liệu; tăng tính linh hoạt cho sản phẩm… từ đó tạo sự đồng nhất cho sản phẩm, nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế.
Nhấn mạnh vai trò của thương mại điện tử trong CMCN 4.0, ông Trần Đình Toản - Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam khuyến cáo: DN nên đưa và giới thiệu sản phẩm lên các trang bán hàng chuyên nghiệp. Đây không chỉ là kênh bán hàng mà còn giúp DN, sản phẩm tiếp cận sâu rộng hơn với thị trường nước ngoài một cách rẻ và hiệu quả nhất.
PGS. TS Bùi Quang Huấn - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam: Để bắt kịp với xu hướng phát triển của cuộc CMCN 4.0, DN cần thay đổi tư duy dựa trên nền tảng sáng tạo, đổi mới và tích luỹ, chia sẻ tri thức. |